Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tháng 12/2016, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19, Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận về cải thiện môi trường kinh doanh, cụ thể như: Bảo vệ nhà đầu tư tăng hạng nhiều nhất với 31 bậc (từ 118 lên vị trí 87) nhờ những cải cách theo thông lệ quốc tế tốt của Luật doanh nghiệp; Giao dịch thương mại qua biên giới đạt mức tăng 15 bậc (từ vị trí 108 lên vị trí 93) nhờ thực hiện hải quan điện tử và cải cách về quản lý chuyên ngành; Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 11 bậc, thời gian được rút ngắn 230 giờ (từ 770 giờ xuống còn 540 giờ); Tiếp cận điện năng cải thiện 5 bậc do thời gian rút ngắn còn 46 ngày (năm ngoái là 59 ngày) và giảm từ 6 thủ tục xuống còn 5 thủ tục; Giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng 1 bậc (từ vị trí 126 lên thứ hạng 125), nhưng không phải nhờ những thay đổi, cải cách.
Một số Bộ, ngành đã quan tâm hơn tới việc thực hiện Nghị quyết, chứ không còn thái độ thờ ơ, đối phó. Một số địa phương cũng hiểu rõ ý nghĩa của các chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế, từ đó tìm kiếm các sáng kiến cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện vị thế năng lực cạnh tranh của tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh.
Theo Báo cáo, cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao và hoan nghênh những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ, của một số Bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua. Doanh nghiệp ngày càng tin tưởng vào việc thực thi Nghị quyết 19 và kỳ vọng vào những thay đổi, cải cách. Đồng thời, sẵn sàng hợp tác, chia sẻ thông tin cởi mở, hướng tới tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, minh bạch, giảm chi phí và ít rủi ro.
Về việc triển khai các giải pháp, Nghị quyết số 19-2014 xác định 7 giải pháp tổng thể và 50 nhiệm vụ cụ thể. Tuy vậy, đến hết năm 2014, trong số 50 giải pháp cụ thể, số lượng các giải pháp được thực hiện và có kết quả còn hạn chế, cụ thể là: có 8 giải pháp được thực hiện và có kết quả (chiếm 16%); 16 giải pháp đã được thực hiện, nhưng chưa có kết quả rõ ràng (34%) và 25 giải pháp chưa được thực hiện (50%). Nghị quyết số 19-2015 xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung, 73 nhiệm vụ cụ thể. Tính đến hết năm 2016, có 43,8% giải pháp thực hiện có kết quả, 23,3% (thực hiện nhưng chưa có kết quả rõ ràng) và 32,9% (chưa thực hiện hoặc chưa có thông tin). Nghị quyết 19-2016 xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung và 83 nhiệm vụ cụ thể. Đến cuối tháng 12/2016, kết quả cho thấy số lượng và tỷ lệ các giải pháp cụ thể được thực hiện và có kết quả nhiều hơn so với các năm trước: có 35 giải pháp được thực hiện và có kết quả (chiếm 42,2%); 20 giải pháp đã được thực hiện, nhưng chưa có kết quả rõ ràng (24,1%) và 28 giải pháp chưa được thực hiện hoặc chưa có thông tin (chiếm 33,7%).
Kết quả trên cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong những năm qua về cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là việc thực hiện Luật doanh nghiệp và các Nghị quyết 19, đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Tuy thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện trên hầu hết các chỉ tiêu, đứng trên Phi-líp-pin, nhưng chưa đạt trung bình ASEAN 4, thậm chí một số chỉ tiêu chưa đạt trung bình ASEAN 6.
Bên cạnh 5/10 chỉ số tăng hạng, 5 chỉ số khác của Việt Nam lại giảm bậc, cụ thể là: Khởi sự kinh doanh giảm 10 bậc và ở thứ hạng thấp (từ vị trí 111 xuống vị trí 121), là chỉ số có mức giảm bậc nhiều nhất; Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, và Tiếp cận tín dụng (mỗi chỉ số giảm 3 bậc); Đăng ký sở hữu tài sản, Giải quyết tranh chấp hợp đồng (mỗi chỉ số giảm 1 bậc). Các chỉ số giảm bậc một mặt là do Việt Nam không có cải cách nào trong những lĩnh vực này trong thời gian qua, mặt khác là do các nước khác tiến nhanh hơn (như Bờ-ru-nây tăng 25 bậc, In-đô-nê-xi-a tăng 15 bậc). Vì thế, mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 trở nên thách thức hơn.
Ngoài ra, theo đánh giá Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới thì năm 2016 thứ hạng của Việt Nam là 60/138, giảm 4 bậc so với năm 2015 (56/140). Thứ hạng này thấp hơn hầu hết các nước ASEAN (sau 6 nước), chỉ đứng trên Lào và Cam-pu-chia. Rõ ràng vẫn còn khoảng cách khá xa giữa mục tiêu và việc thực thi Nghị quyết. Trên thực tế còn tồn tại nhiều rào cản, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành.
Để thúc đẩy mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao hiệu quả, chất lượng các yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh năm 2017, định hướng 2020. Trong đó, nội dung trọng tâm là tiếp tục căn cứ theo các tiêu chí đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới; Củng cố, duy trì các kết quả đạt được về môi trường kinh doanh, đồng thời phấn đấu nâng điểm trên tất cả các chỉ tiêu. Bổ sung thêm các tiêu chí về Sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Tổ chức INSEAD (The Business School for the World); Về Chính phủ điện tử. Đến hết 2017, một số chỉ tiêu môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4. Giai đoạn 2017-2020, đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ số về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới), tập trung vào các giải pháp về xây dựng chính quyền liêm chính và phục vụ.
Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chiếm ít nhất khoảng 10% tổng số doanh nghiệp mới thành lập. Quy rõ trách nhiệm của từng Bộ, cơ quan, địa phương đối với từng chỉ số; Thiết lập cơ chế theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập, khách quan đối với kết quả thực hiện ở từng Bộ, ngành, địa phương và ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến./.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư