Mở rộng thị trường xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ

0
49
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị ngày 13/12. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Ngày 13/12, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ với chủ đề “Tận dụng cơ hội – vững bước tiến mới”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị ngày 13/12. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của gần 300 đại biểu là lãnh đạo UBND, các Sở, ban ngành của 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ (bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vùng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh), lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistics…

Hội nghị nhằm triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ giao, nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng – Ủy viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ đánh giá, vùng Đông Nam Bộ sở hữu tiềm năng, lợi thế vượt trội về tự nhiên, vị trí địa ký kinh tế – chính trị chiến lược kết nối các vùng kinh tế khu vực phía Nam và cả nước với các nước khu vực ASEAN và thế giới.

Vùng Đông Nam Bộ đảm nhiệm vai trò đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển thương mại, công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất của cả nước; trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, là khu vực tiềm năng cho quá trình dịch chuyển và tái cơ cấu chuỗi cung ứng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.

“Dưới sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ cùng nhân tố then chốt nằm ở tầm nhìn, sự quyết tâm và chỉ đạo sáng suốt của Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố thời gian qua, khu vực Đông Nam Bộ trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đi đầu trong hội nhập, phát triển công nghiệp, thương mại và thu hút đầu tư, với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết.

Trong 11 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ đạt hơn 200.5 tỷ USD, chiếm gần 32.4% thương mại của Việt Nam, trong đó thành phố Hồ Chí Minh duy trì tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cao nhất cả nước, đạt gần 89 tỷ USD, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đều ghi nhận kim ngạch xuất, nhập khẩu cao trên 30 tỷ USD với lần lượt 47.7 tỷ USD và 34 tỷ USD.

“Mặc dù chưa có tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng với quy mô xuất khẩu lớn đã góp phần giữ vững vị thế của vùng Đông Nam Bộ trong việc dẫn dắt hoạt động xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu của vùng Đông Nam Bộ đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại tự do như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 13.600 ha, trong đó có những khu công nghiệp đã trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu của cả nước, với kết cấu hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ. Nhiều khu đô thị, khu dân cư mới văn minh, hiện đại được hình thành.

“Với những kết quả đạt được, tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung được đánh giá là có tiềm năng kinh tế cao và đang trở thành mục tiêu hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế”, ông Nguyễn Văn Dành nhấn mạnh. Mặc dù vậy, ông Dành thông tin, tỉnh Bình Dương vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới đang diễn ra phức tạp, khó lường, và dự báo còn nhiều yếu tố bất ngờ đối với nền kinh tế của Việt Nam nói chung cũng như của vùng Đông Nam Bộ nói riêng.

Ông Dành cho rằng, trước tác động kép từ những yếu tố bất lợi cả bên trong và bên ngoài, trong đó, vùng Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế năng động, có độ mở lớn, nên chịu tác động trực tiếp từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của nền kinh tế lớn, đặc biệt là chính sách lãi suất tỷ giá, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp, thiếu đơn hàng xuất khẩu,… các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp rất nhiều thách thức. Cán cân thương mại xuất khẩu tuy đã được cải thiện trong những tháng cuối năm nhưng nhìn chung xuất nhập khẩu trong thời gian tới vẫn đang đối mặt với thách thức chung từ suy giảm các thị trường và các đối tác xuất khẩu truyền thống.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các giải pháp nhằm tăng cường kết nối các chủ thể của hệ sinh thái xuất nhập khẩu, thúc đẩy liên kết sản xuất, kết nối đối tác xuất nhập khẩu, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của vùng Đông Nam bộ, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương trong Vùng; chia sẻ các thông tin thị trường, xu hướng thương mại quốc tế, cơ hội xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Hồng Hoa

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here