Mở lối đưa hàng Việt Nam “nhập làn” thương mại điện tử

0
16
Sự gia tăng mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nội địa. (Nguồn: ICT Việt Nam)

Thống kê của Google cho biết, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 18% trong năm qua. Quý III/2024, các sàn cũng ghi nhận tăng trưởng khoảng 18%.

Thương mại điện tử cũng chính là môi trường các doanh nghiệp càng nên tận dụng để xuất khẩu xuyên biên giới. Trong những năm qua, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn có thể tăng trưởng liên tục 15-20% mỗi năm.

Những con số nói trên thể hiện sự thành công trên các sàn thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức mà hàng hóa Việt Nam phải đối mặt.

Theo đó, sự gia tăng mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như: Shopee, Lazada, TikTok Shop, Temu, Shein, Taobao… với lợi thế cạnh tranh về giá cả, mẫu mã và vận chuyển làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nội địa.

Những sàn thương mại kể trên đã thành công trong việc chinh phục thị trường lớn của Trung Quốc và từ đó tiếp tục đẩy mạnh hàng hóa sang các nước khác; trong đó, có Việt Nam. Các sàn thương mại điện tử này còn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ hệ thống logistics, thời gian giao hàng nhanh chóng và mức độ cạnh tranh giá rất khốc liệt.

Bên cạnh đó, cùng với việc sản xuất ra hàng loạt sản phẩm tiêu dùng với giá thành cạnh tranh, Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng trung tâm logictics, kho hàng sát biên giới, đặc biệt là trung tâm xử lý đơn hàng tự động dọc biên giới với nước ta.

Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ logistics (LTS) Nguyễn Thành Trung nhận định, logistics vẫn là điểm yếu khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn, không chỉ trong việc cạnh tranh với đối thủ nước ngoài mà còn ngay trên thị trường nội địa.

“Các doanh nghiệp Trung Quốc tối ưu hóa chuỗi cung ứng bằng cách tập trung hàng hóa tại những địa điểm gần khu vực tiêu thụ lớn nhất. Nhờ vậy, tốc độ giao hàng được rút ngắn đáng kể, tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội. Đặc biệt tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, có tiềm năng vượt trội để trở thành trung tâm logistics khu vực”, ông Nguyễn Thành Trung nói.

Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Trương Gia Bảo thì cho rằng, người dùng đang dành nhiều giờ online hơn, vì vậy, ngân sách cho quảng cáo cũng theo xu hướng này.

Ông thông tin: “Chi tiêu quảng cáo tại thị trường quảng cáo Việt Nam dự kiến đạt 2.763 triệu USD vào năm 2024. Với xu hướng kỹ thuật số đang phát triển hiện nay, dự kiến đến năm 2029 có đến 60% tổng chi tiêu quảng cáo sẽ đến từ các nguồn kỹ thuật số”.

Trong tương lai, theo Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Nguyễn Xuân Thảo, việc phát triển hệ sinh thái logistics và chuỗi cung ứng xanh là một trong những giải pháp quan trọng để hàng Việt bắt kịp xu hướng thị trường.

Song song với đó, ông Nguyễn Xuân Thảo cho rằng, việc sử dụng xe máy điện cho giao hàng, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy trong kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao hình ảnh của hàng Việt, tạo sự khác biệt trên các sàn thương mại điện tử.

“Việc tận dụng các công cụ marketing số như livestream, quảng cáo trên mạng xã hội và ứng dụng AI sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là Gen Z, thế hệ tiêu dùng hiện đại…”, ông Thảo khẳng định.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here