Mô hình phát triển mới “tuần hoàn kép”, “đơn thuốc” để Trung Quốc phục hồi kinh tế

0
352
(Internet)
(Internet)

Mới đây Giáo sư Lý Nghĩa Bình, Trường Kinh tế (Đại học Nhân dân Trung Quốc) và Giáo sư Lưu Nguyên Siêu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc có bài viết liên quan đến mô hình phát triển “tuần hoàn kép”. Sau đây là tóm tắt một số nội dung chính của bài viết:

Ngày 30/7/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì phiên họp Bộ Chính trị, thảo luận về tình hình kinh tế hiện nay, xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác kinh tế cho nửa cuối năm 2020; đưa ra “đơn thuốc” để thúc đẩy khôi phục kinh tế, đó là cần đẩy nhanh hình thành cục diện phát triển mới, phát triển mô hình “tuần hoàn kép” với “tuần hoàn trong nước” là chủ thể, tuần hoàn trong nước và quốc tế cùng phát triển. Đây là lần thứ 5 trong vòng hơn 2 tháng qua, lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh phát triển “tuần hoàn kép”. Phát biểu 4 lần trước: (i) Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc nêu “cần thiết lập cục diện phát triển mới tuần hoàn kép trong và ngoài nước cùng thúc đẩy” (14/5/2020); (ii) Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp chuyên gia kinh tế tham dự Hội nghị Chính trị hiệp thương toàn quốc nhấn mạnh: “từng bước hình thành cục diện phát triển mới lấy tuần hoàn trong nước làm chủ thể, tuần hoàn trong nước và quốc tế cùng thúc đẩy, tạo ra ưu thế mới cho Trung Quốc tham gia hợp tác và cạnh tranh quốc tế trong tình hình mới” (23/5/2020); (iii) Phó Thủ tướng Lưu Hạc tại lễ khai mạc Diễn đàn Lục Gia Chủy (Thượng Hải) lần thứ 12 nhấn mạnh, Trung Quốc “đang hình thành cục diện mới lấy tuần hoàn trong nước là chính, tuần hoàn kép trong nước và quốc tế cùng phát triển” (18/6/2020); (iv) Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp nhấn mạnh, cần “hình thành cục diện phát triển ‘tuần hoàn kép’, lấy tuần hoàn trong nước là chính” (21/7/2020).

Trung Quốc thúc đẩy quá trình hình thành mô hình phát triển “tuần hoàn kép” xuất phát từ lý do sau:

(i) Những thay đổi trong môi trường quốc tế: Hiện kinh tế thế giới đang suy thoái sâu, thương mại và đầu tư quốc tế bị sụt giảm mạnh, thị trường tài chính quốc tế bất ổn, trao đổi thương mại quốc tế bị hạn chế. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự đoán tốc độ tăng trưởng thương mại quốc tế trong năm 2020 sẽ giảm 18,5%; một số quốc gia theo đuổi chính sách bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, rủi ro địa chính trị gia tăng. Trung Quốc phải tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế trong bổi cảnh tình hình quốc tế bất ổn. Để nắm quyền chủ động phát triển kinh tế, Trung Quốc buộc phải mở rộng nhu cầu trong nước.

(ii) Duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi ngành nghề then chốt hiện có: Dịch bệnh lan rộng toàn cầu tác động lớn đến phát triển kinh tế Trung Quốc, nhất là ngành chế tạo. Cùng với tiến trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, chuỗi cung ứng và chuỗi ngành nghề toàn cầu không ngừng mở rộng và đan xen lẫn nhau. Nếu một mắt xích đứt gẫy, sẽ gây rủi ro cho toàn bộ hệ thống. Hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong chuỗi liên kết đặc biệt thuộc chuỗi ngành nghề này. Khi dịch bệnh lan rộng thế giới, một số thành phố của Trung Quốc đã phải ngừng sản xuất, hoặc sản xuất nhưng không bán được. Do đó, Trung Quốc phải tự mình nắm lấy chuỗi cung ứng, chuỗi ngành nghề then chốt đó bằng cách thúc đẩy nhu cầu trong nước, đồng thời chuyển đổi hàng xuất khẩu sang tiêu thụ tại thị trường trong nước.

(iii) Trung Quốc có điều kiện khách quan để thúc đẩy thực hiện chiến lược mở rộng nhu cầu trong nước: diện tích rộng lớn, tài nguyên nhiên nhiên phong phú, hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh và quy mô lớn nhất thế giới, năng lực sản xuất mạnh mẽ, hơn 100 triệu chủ thể thị trường và 170 triệu người có trình độ cao đẳng và đại học hoặc có trình độ chuyên môn trên nhiều lĩnh vực, thị trường nội địa khổng lồ trên 1,4 tỷ dân, gồm hơn 400 triệu người trong nhóm thu nhập trung bình, đồng thời đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng của công nghiệp hóa, tin học hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành mô hình phát triển dựa trên mở rộng nhu cầu trong nước.

Do đó, trọng tâm của tổng cầu sẽ tập trung vào thị trường trong nước. Tuy nhiên tập trung vào “tuần hoàn trong nước”, không có nghĩa đóng cửa với bên ngoài. Trung Quốc cần tận dụng cả thị trường trong nước và quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững hơn. Về “tuần hoàn quốc tế”, Trung Quốc cần xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi ngành nghề hiệu quả hướng ra toàn cầu, xây dựng mạng lưới đổi mới hợp tác xung quanh sáng kiến “Vành đai và Con đường”, giảm dần thuế quan,  tích cực tham gia đàm phán và xây dựng các quy tắc kinh tế thương mại quốc tế, thúc đẩy mở cửa ra thế giới bên ngoài với mức độ sâu rộng hơn.

Trung Quốc đã bước vào thời đại mới với đặc điểm nổi bật là phát triển kinh tế chất lượng cao. Để đạt được điều này, Trung Quốc đã thực thi một loạt công việc như tổ chức Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế (CIIE), xây dựng khu thương mại tự do, xây dựng cảng tự do quốc tế, ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường”, tạo ta nhiều lĩnh vực rộng lớn hơn cho nguồn vốn quốc tế và tạo ra môi trường kinh doanh tốt. Trung Quốc cũng phải tiếp tục mở cửa ở mức độ sâu hơn./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here