Hòa cùng làn sóng hội nhập sâu rộng của đất nước, Đà Nẵng đã mở rộng quan hệ hợp tác với 49 địa phương của 22 quốc gia trên thế giới. Trong đó, Thụy Điển là một trong những quốc gia cùng thành phố kết nối, hợp tác bền vững, gặt hái được những thành quả thực chất.
Hợp tác bền chặt trên nhiều lĩnh vực
Nhiều năm qua, Đà Nẵng và Thụy Điển đã duy trì và phát huy mối quan hệ hữu nghị.
Tháng 9/2011, thành phố Đà Nẵng ký kết Ý định thư về hợp tác quản lý, xử lý rác thải và tái tạo năng lượngvới thành phố Borås (Thụy Điển). Hai bên cũng ký kết Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác trong lĩnh vực môi trường năm 2012. Từ đó đến nay, thành phố Đà Nẵng và thành phố Borås thường xuyên trao đổi đoàn, triển khai nhiều chương trình hợp tác trong lĩnh vực môi trường, giáo dục…
Tháng 5/2022, trong chuyến thăm, làm việc tại thành phố Borås, thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm khoa học Navet tổ chức hội thảo “Giáo dục khoa học vì sự phát triển bền vững của Đà Nẵng”, lồng ghép tọa đàm về hợp tác Đà Nẵng – Borås trong lĩnh vực giáo dục khoa học và hướng nghiệp. Mới nhất, tháng 5/2024, đại diện Bộ Cơ sở hạ tầng Bộ Cơ sở hạ tầng và Nhà ở Thụy Điển và các doanh nghiệp sang thăm, làm việc tại thành phố Đà Nẵng, tìm hiểu về môi trường đầu tư vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng thông minh và bền vững.
Về kinh tế, 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Thụy Điển ước đạt 6.5 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chính: Sản phẩm may mặc, Thủ công mỹ nghệ, Đồ chơi trẻ em. Tại Đà Nẵng hiện có 3 dự án đầu tư của Thụy Điển với tổng số vốn đầu tư 49.500 USD.
Trong lĩnh vực môi trường, đây là lĩnh vực hợp tác được hai bên đặc biệt quan tâm. Cụ thể, tháng 5/2011, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân đầu tiên của Hội thảo “Hợp tác đối tác Thụy Điển – Việt Nam trong Phát triển bền vững”. Hội thảo xoay quanh chủ đề chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp xử lý rác thải, biến rác thải thành năng lượng. Tháng 5/2013, dự án hợp tác về môi trường của Đà Nẵng và Borås được tổ chức ICLD tài trợ trong thời gian 3 năm (2013 – 2015) với tổng kinh phí là 2.400.000 SEK (tương đương với 7,5 tỷ đồng).
Dự án kể trên đã gặt hái được những kết quả cụ thể như: 3 đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng thăm thực tế và học tập mô hình quản lý rác thải tiên tiến và rất thành công của Borås, Thụy Điển; 4 đoàn công tác của thành phố Borås đã làm việc tại Đà Nẵng; các chuyên gia từ thành phố Borås hỗ trợ thành phố lập Quy hoạch Quản lý chất thải rắn đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đại diện trường Đại học Bách khoa (thuộc Đại học Đà Nẵng) và trường Đại học Borås đã ký kết Bản Thỏa thuận nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai trường trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Mở rộng quan hệ, ghi dấu ấn
Đà Nẵng đã nỗ lực không ngừng cùng các tỉnh/thành trên cả nước để phát triển và hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Hiện tại, cùng với những tham vọng cao của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và bền vững, Đà Nẵng và Thụy Điển có thể mở “cánh cửa” hợp tác mới để thúc đẩy thương mại và đầu tư toàn diện.
Những lĩnh vực mà Đà Nẵng mong muốn được kết nối với Thụy Điển là: Du lịch, môi trường và phát triển cơ sở hạ tầng; vận động các nhà đầu tư Thụy Điển đến khảo sát môi trường đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh tại thành phố.
Đặc biệt, hai bên có thể trao đổi, tìm hiểu, hợp tác sâu rộng hơn, nhất là các sáng kiến liên quan đến thành phố thông minh; dự án về hạ tầng cơ sở quan trọng, thiết yếu; chuyển đổi xanh, các dự án liên quan đến cảng biển, sân bay, giao thông đô thị… Việc triển khai xây dựng thành phố thông minh là xu hướng chung của thế giới và đã được Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng quyết tâm hành động trong quá trình xây dựng phát triển bền vững thành phố.
Nhờ chú trọng triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số gắn liền với xây dựng thành phố thông minh, đến nay, thành phố đã chuyển dịch công tác quản lý, điều hành từ môi trường truyền thống sang môi trường số dựa trên dữ liệu số và công nghệ số. Sự nỗ lực của Đà Nẵng đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, với nhiều giải thưởng.
Trong tương lai, để triển khai thành phố thông minh thành công, thành phố đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, Đà Nẵng sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận và chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính. Và Thụy Điển – một trong những đất nước đứng đầu về phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, phát triển bền vững, luôn tạo ra môi trường đáng sống và dễ thích nghi – có thể góp sức giúp Đà Nẵng phát triển, hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực này.
Năm 2024 kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Điển. Đây cũng chính là cơ hội để mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác, ghi dấu ấn giữa thành phố Đà Nẵng và các địa phương Thụy Điển, hướng đến hợp tác bền vững hơn trong thời gian đến.
Sở Ngoại vụ Thành phố Đà Nẵng