Mạng lưới bán dẫn Việt Nam chính thức ra mắt, cam kết đóng góp vào ngành công nghiệp bán dẫn thế giới

0
275
Lễ ra mắt Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam. (Nguồn: petrotimes.vn)

Mạng lưới bán dẫn Việt Nam đi vào hoạt động sẽ từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đưa Việt Nam trở thành đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới. Từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế. 

Lễ ra mắt Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam. (Nguồn: petrotimes.vn)

Chiều 29/10, tại hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn, Mạng lưới bán dẫn Việt Nam đã chính thức ra mắt. Phát biểu tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới.

“Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành đối tác tin cậy và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu. Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt, Chính phủ luôn quan tâm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Hiện trạng, số liệu từ Bloomberg cho thấy, doanh thu chip từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đã tăng từ 312,7 triệu USD vào tháng 2.2022, lên 562,5 triệu USD sau 1 năm, chiếm 11,6% thị phần tại Mỹ, chỉ xếp sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc). Điều đó cho thấy tiềm năng và cơ hội rất lớn của Việt Nam trong ngành này.

Tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã thu hút những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới. Intel đã đặt nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới tại Việt Nam từ hơn 10 năm nay, với vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD.

Nhà máy của Amkor Technology (trụ sở tại Arizona) – Tập đoàn công nghiệp bán dẫn lớn của thế giới đặt tại Bắc Ninh – sẽ đi vào hoạt động trong tháng 10.2023, với tổng vốn đầu tư 1,6 tỉ USD. Samsung cũng có kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Trong đó, việc sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên dự kiến được thực hiện vào cuối năm 2023, sau khi công tác sản xuất thử nghiệm hoàn tất…

“Việt Nam đã xây dựng đề án đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030. Đồng thời, xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng Dũng cho hay. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Ngoài ra, có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Hà Nội… Các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như: Viettel, VNPT, FPT, CMC…

Đồng thời, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu… Đặc biệt, vào tháng 9 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thăm Việt Nam và nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Qua đó, xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là đổi mới sáng tạo, bao gồm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo bà Linda Tan, Hiệp hội Công nghệ Bán dẫn Đông Nam Á (Semi SEA), mô hình trung tâm đào tạo và ươm tạo về thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam cũng như hình thành chương trình đào tạo và nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường đại học Việt Nam được đánh giá cao. 

Hiện nay, Việt Nam đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Các công ty trong nước chỉ có Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip. Các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp rắp, kiểm định.

Theo một nghiên cứu thị trường do Custom Market Insights công bố vào đầu tháng 8/2023, quy mô và doanh thu thị phần thị trường chip bán dẫn toàn cầu được định giá khoảng 580 tỉ USD vào năm 2022 và dự kiến ​​sẽ đạt 634,5 tỉ USD vào năm 2023. Con số này, dự kiến ​​sẽ đạt khoảng 1.124 tỉ USD vào năm 2032.

Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT IS – Công ty Thành viên Tập đoàn FPT – kiêm Chủ tịch FPT Semiconductor – cho biết, Việt Nam có thể nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, về lâu dài có thể trở thành Silicon Valley của Đông Nam Á.

Theo ông có 4 mảng chính Việt Nam sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới gồm: Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển năng lực thiết kế của các công ty Việt Nam, dần tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Thu hút, cùng xây dựng nhà máy bán dẫn ở Việt Nam. Trở thành địa điểm có nhiều nhà máy bán dẫn, tập trung vào sản xuất những con chip lớn và phổ biến; Phát triển thành trung tâm về vận chuyển, kho bãi trở thành mạng lưới phân phối cho khu vực Đông Nam Á, rồi tới châu Á – Thái Bình Dương.

Thách thức lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam là việc thiếu hụt kỹ sư công nghệ thông tin.

Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại Hòa Lạc (Hà Nội), TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng để sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với nhiều cơ chế ưu đãi. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.

“Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here