Lý do Thái Lan chưa vội gia nhập CPTPP?

0
86

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu các cơ quan liên quan vào giữa tháng tới trình lên những nghiên cứu cuối cùng về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để Chính phủ đưa ra quyết định có nộp đơn xin gia nhập hiệp ước này hay không.

Người phát ngôn Chính phủ, Anucha Burapachaisri, ngày 9/3 cho biết Thủ tướng đã ra lệnh cho các cơ quan liên quan đẩy nhanh việc nộp nghiên cứu trước ngày 15/4, thay vì sau ba tháng theo đề xuất tại cuộc họp ngày 5/2 của Ủy ban Chính sách Kinh tế Quốc tế.

Mặc dù vậy, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Kinh tế Quốc tế – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai hôm 5/2 đã nói rằng chính phủ vẫn cần tất cả các cơ quan liên quan tự tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu hơn, theo đề xuất của các Hội đồng thường trực của Hạ viện và quá trình nghiên cứu chuyên sâu có thể mất khoảng 3 tháng trước khi Thái Lan có thể đưa ra quyết định có nộp đơn xin tham gia CPTPP hay không.

Trước đó, tháng 5/2020, Nội các Thái Lan đã đồng ý thành lập các Hội đồng thường trực của Hạ viện để xem xét liệu nước này có nên ký kết CPTPP hay không, trong bối cảnh có những lo ngại rộng rãi về tác động tiêu cực của hiệp định đối với khu vực nông nghiệp.

Nội các Thái Lan trong tháng 4/2020 đã gác lại việc quyết định về tư cách thành viên CPTPP sau khi có sự phản đối gay gắt từ các chính trị gia, các nhóm xã hội dân sự và các nhân vật xã hội nổi tiếng. Những người này cho rằng hiệp định sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe.

Nghiên cứu của các Hội đồng thường trực cho thấy CPTPP sẽ giáng một đòn nặng nề vào nông dân sản xuất quy mô nhỏ, nếu Thái Lan tham gia Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV119) theo yêu cầu của CPTPP. Do đó, chính phủ đang được thúc giục tăng tốc nâng cấp luật và các quy định để bảo vệ các giống cây trồng và đa dạng sinh học.

Nghiên cứu của các Hội đồng thường trực cũng cho thấy các quỹ nhằm khắc phục tác động của các hiệp định thương mại tự do tiếp tục không đủ để chi trả cho tất cả các phân khúc sẽ bị ảnh hưởng bởi hiệp định CPTPP. Các hội đồng còn bày tỏ lo ngại về việc mở cửa thị trường cho hàng tái sản xuất, điều có thể dẫn đến việc Thái Lan nhập khẩu thiết bị y tế chất lượng thấp.

Trong khi đó, các mạng lưới dân sự do FTA Watch và BioThai lãnh đạo đã thực hiện một loạt chiến dịch phản đối CPTPP, một hiệp định thương mại mà họ nói rằng sẽ đặt khu vực nông nghiệp, các ngành dược phẩm và y tế vào thế bất lợi lớn. Lo ngại lớn nhất là những điều khoản bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo UPOV119. Những điều khoản này được cho là cấm nông dân thu hoạch và tái sử dụng những hạt giống có chứa những nguyên liệu thực vật có bằng sáng chế.

Ngoài ra, những người phản đối cũng cảnh báo rằng nếu Thái Lan tham gia CPTPP, các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng của nước này sẽ bị suy yếu, đặc biệt liên quan đến những sản phẩm tiềm ẩn rủi ro như thực phẩm biến đổi gen.

Mặc dù vậy, trong những nghiên cứu trước đó, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) Supant Mongkolsuthree nhận định CPTPP là một cơ hội để Thái Lan xuất khẩu hàng hóa tới các thị trường mới. Đồng quan điểm này, Bộ Thương mại Thái Lan cũng liên tục cảnh báo rằng nước này có thể bỏ lỡ con tàu kinh tế nếu không nhanh chóng tham gia hiệp định. Một quan chức cao cấp về thương mại đã nhận xét nếu Thái Lan không tham gia CPTPP, nước này sẽ đánh mất cơ hội và sẽ bị các nước láng giềng là thành viên CPTPP bỏ qua.

CPTPP chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2018 nhằm xóa bỏ các rào cản thương mại giữa 11 quốc gia đại diện cho gần 500 triệu người tiêu dùng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thỏa thuận này thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp ước thương mại tương tự bao gồm cả Mỹ cho đến khi Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump quyết định rút lui.

Ngọc Quang 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here