Trong bài bình luận mang tựa đề “Tại sao Đức tìm kiếm các quan hệ sâu sắc hơn với ASEAN?” đăng trên tờ Bangkok Post, nhà báo chuyên về các vấn đề khu vực Kavi Chongkittavorn nhận định việc Berlin quyết định tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) khiến các nhà chức trách ASEAN ngạc nhiên vì tốc độ nhanh bất ngờ cả về quyết định và quy trình.
Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch đối với phía Đức (đòi hỏi sự thông qua của Nội các), lễ ký sẽ được tiến hành trong thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan ở Thái Lan vào đầu tháng 11 tới. Tháng trước, Đức mới bắt đầu thăm dò tất cả các thành viên ASEAN về khả năng tham gia TAC. Khi không có bất kỳ sự phản đối nào, Berlin đã nhanh chóng xúc tiến để trở thành một bên ký kết TAC, vừa kịp thời điểm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN có cuộc thảo luận về quy chế TAC của Bahrain. Theo kế hoạch, Bahrain cũng sẽ tham gia lễ ký TAC.
Đức mới chỉ được chấp thuận quy chế đối tác phát triển của ASEAN hai năm trước đây tại Viêng Chăn. Năm ngoái, Ủy ban Hợp tác phát triển ASEAN-Đức được thành lập để xúc tiến quan hệ song phương. Cả hai bên đã thảo luận và xác định những lĩnh vực mới cho hợp tác trong tương lai, bao gồm đào tạo kỹ thuật và kỹ năng, du lịch, năng lượng xanh và tái tạo, phát triển bền vững, thúc đẩy các ngành công nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai.
Đức có lý do để thực hiện một loạt động thái đáng chú ý này. Điều quan trọng nhất, Đức có lịch sử can dự lâu năm với ASEAN, cả song phương lẫn trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU). Bằng việc ký kết TAC, Đức đang tính đến cách thức chiến lược để nước này có thể đóng một vai trò lớn hơn trong hệ thống tổng thể ASEAN. Trong suốt những thập niên qua, các vấn đề kinh tế và cung cấp hỗ trợ phát triển đã là tiêu điểm chính của quốc gia này.
Về phía ASEAN, tổ chức này cũng mong muốn thành viên hùng mạnh nhất của châu Âu này tham gia Hiệp ước được ký năm 1976 nói trên, với nguyên tắc chung không sử dụng vũ lực và không can thiệp vào các công việc nội bộ của những nước thành viên. Berlin đã không sẵn lòng có một vai trò cao hơn bên ngoài khuôn khổ EU, nhưng với những thay đổi kịch tính mới ở châu Âu, cụ thể là vấn đề Brexit, và sự yếu đi của chủ nghĩa đa phương cũng như quản lý dựa trên luật lệ, nước Đức nghĩ rằng bây giờ chính là lúc để tái cam kết với những quy tắc và giá trị đó ở mọi cấp độ.
Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc gần đây, Đức và Pháp đã cho ra mắt “Liên minh Đa phương” nhằm thúc đẩy sự ủng hộ quốc tế cho sự can dự và hợp tác đa phương cả bên ngoài lẫn bên trong Liên hợp quốc. Liên minh này là một mạng lưới lỏng lẻo gồm những quốc gia cùng ủng hộ những nỗ lực chung về chống bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và số hóa.
Ngoài ra, căn cứ vào sự không thể đoán định về tương lai của EU cũng như những quan hệ của tổ chức này với những cường quốc lớn như Mỹ và Trung Quốc, từng thành viên EU đang tìm kiếm những kênh bổ sung để tăng cường các quan hệ song phương và bảo tồn các lợi ích quốc gia – Đức không phải là ngoại lệ. Bên trong châu Âu, Pháp có tầm nhìn xa, tham gia TAC năm 2006, trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên làm như vậy – tiếp theo là EU và Anh ở Phnom Penh năm 2012. Paris thậm chí còn đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng họ, do có chiến lược biển ở Thái Bình Dương.
Năm 1998, TAC được sửa đổi để cho phép các nước bên ngoài khu vực Đông Nam Á tham gia. Trung Quốc và Ấn Độ là hai cường quốc lớn đầu tiên ký vào năm 2003, tiếp theo là Nhật Bản, Australia, New Zealand, và các nước đối thoại khác.
Trong trường hợp của EU, phải mất gần 15 năm kể từ khi Brussels nộp đơn xin tham gia vào tháng 12/2006. Dĩ nhiên, tiến trình tham gia phải mất thời gian, vì ASEAN phải sửa đổi TAC lần thứ 3 để cho phép cái gọi là “các tổ chức khu vực” tham gia. Sửa đổi này được ký năm 2010 nhưng có hiệu lực từ năm 2012.
Trong tình hình hiện nay, các quan hệ ASEAN-EU không được bằng phẳng, do có tranh chấp về dầu cọ với hai nước xuất khẩu lớn của thế giới về mặt hàng này là Indonesia và Malaysia – hai quốc gia cũng là những thành viên hàng đầu của ASEAN. Mặc dù ASEAN đã đồng ý trên nguyên tắc nâng cấp EU thành một đối tác chiến lược hồi đầu năm nay, khối này cho đến nay vẫn từ chối chính thức hóa việc đó cho đến khi EU giải quyết tranh chấp.
Do đó, các quan hệ và hợp tác EU-ASEAN rộng lớn hơn sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự thiếu đồng thuận giữa các thành viên ASEAN về những vấn đề liên quan đến các tiêu chuẩn và giá trị. Trong suốt những năm 1990 và 2000, EU tiếp tục cô lập Myanmar và gần đây nhất là Campuchia và Thái Lan liên quan đến những cáo buộc vi phạm nhân quyền và tự do báo chí.
Không khó để dự đoán rằng, với việc ba thành viên lớn nhất của EU ký TAC, các thành viên khác như Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan, Ba Lan và những nước khác sẽ theo chân không sớm thì muộn. Xu hướng này cũng phù hợp với ý định của các nhà lãnh đạo ASEAN là mở rộng TAC ra ngoài khu vực. Hiệp ước thân thiện và hợp tác này hiện có 39 bên ký kết từ tất cả các vùng địa chính trị và là công cụ chủ chốt của ASEAN đưa tất cả các đối tác đối thoại can dự vào hợp tác đa chiều như được vạch ra trong Viễn cảnh ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Hơn nữa, các nguyên tắc và mục tiêu của TAC ít nhiều tương tự như những nguyên tắc và mục tiêu được ghi trong Hiệp ước EU, nhất là những điều liên quan đến chính sách ngoại giao và quốc phòng chung. Ví dụ, các điều 4, 9 và 11 có những lập trường tương chung với TAC.
Cùng với sự suy giảm trong độ tin cậy chiến lược của Mỹ ở khu vực, TAC sẽ tiếp tục thu hút các bên ký kết mới trong những năm tới, củng cố hơn nữa quy tắc ứng xử này như là một trụ cột đối với hòa bình và ổn định khu vực. Không đến nỗi khó tin khi nói rằng TAC có thể biến đổi thành một điều gì đó rộng lớn hơn và to hơn, như là một Hiệp ước Hợp tác và Hữu nghị ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khi mà các cuộc thảo luận về cấu trúc khu vực trong tương lai đang lấy được đà.
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vào đầu tháng tới, AOIP sẽ được thảo luận giữa các nhà lãnh đạo hùng mạnh nhất thế giới. Vai trò của Thái Lan – Chủ tịch ASEAN sẽ rất quan trọng để đảm bảo rằng các cường quốc bên ngoài can dự vào ASEAN theo những cách thức cân bằng và chiến lược.
Ngọc Quang