Sự tăng vọt trong hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc đã mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của các nền kinh tế Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là “con dao hai lưỡi”, khiến các nước này dễ bị tổn thương hơn trước những rủi ro kinh tế trong tương lai.
Theo đánh giá của nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak Singapore – Malcolm Cook, trong khi Trung Quốc đang trở thành một thị trường xuất khẩu và là đối tác thương mại quan trọng của toàn bộ 10 nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thì những cấu thành trong sự gia tăng trao đổi thương mại với Trung Quốc lại có sự khác biệt giữa các nền kinh tế trong khu vực.
Không chỉ xuất khẩu hàng hóa từ Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam sang Trung Quốc tăng vọt, mà tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của những nước này sang Trung Quốc nhanh hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc trong giai đoạn 2013-2018.
Đối với Indonesia và Philippines, thâm hụt thương mại gia tăng với Trung Quốc có thể trở thành vấn đề chính trị khi các chính quyền hiện tại bị các phe phái đối lập trong nước chỉ trích là quá dễ dàng để Trung Quốc gây ảnh hưởng.
Ông Cook lưu ý rằng, từ năm 2013-2018, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng lên đối với từng quốc gia ASEAN, trong khi thị phần nhập khẩu của nước này cũng tăng đối với tám trong số mười nước, ngoại trừ Việt Nam và Lào có thị phần nhập khẩu suy giảm.
Cũng trong giai đoạn 2013-2018, tầm quan trọng của Mỹ với vai trò đối tác thương mại của ASEAN tiếp tục được thúc đẩy và không bị Trung Quốc thay thế. Thị phần xuất khẩu vào Mỹ của từng nước ASEAN cũng gia tăng. Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Campuchia, Philippines và Việt Nam, trong khi thị phần nhập khẩu từ Mỹ của sáu nước thành viên ASEAN, đặc biệt là Campuchia, cũng được mở rộng.
Theo ông Cook, những đánh giá cho rằng có sự suy giảm tương đối của Mỹ và việc Trung Quốc đang thay thế vai trò của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á liên quan đến vấn đề trao đổi thương mại là không chính xác.
Thế Vũ