Lộ trình chuyển đổi hiệu quả cho thuế tiêu thụ đặc biệt

0
64
(baodautu)
(baodautu)

Chính phủ đã đưa ra định hướng cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt từ hệ thống thuế tính theo tỷ lệ % sang hệ thống thuế hỗn hợp (bao gồm thuế tính theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối). Đây cũng là hướng đi phù hợp với xu hướng chung trên thế giới.

Trong nhóm ngành đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì ngành thuốc lá được quan tâm nhiều nhất vì đây là ngành không thực hiện theo nguyên tắc tận thu mà phải đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam đã tham gia các cam kết.

Hiện Chính phủ Việt Nam đã có những chiến lược, mục tiêu tổng thể và kế hoạch đặt ra đối với ngành thuốc lá, được quy định tại Quyết định 508/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/4/2023 về “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” (Quyết định 508) và Quyết định 2439/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính “Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 (Quyết định 2439), cũng như cam kết của Việt Nam thông qua Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nguyên tắc cơ bản của thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá là xây dựng giá và các biện pháp đánh thuế nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đồng thời, các nước tham gia trong đó có Việt Nam cũng được khuyến nghị thực hiện Điều 6 của Công ước khung. Đó là, các bên nên thực hiện và triển khai hệ thống thuế đơn giản và hiệu quả nhất phù hợp nhu cầu về tài chính và sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, xem xét thực hiện hệ thống thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp với một mức tuyệt đối sàn tối thiểu, vì các hệ thống thuế này có nhiều ưu điểm hơn so với hệ thống thuế tương đối đơn thuần.

Chiến lược cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt giai đoạn 2021-2030, Quyết định 508 và Quyết định 2439 nêu rõ: Xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, ô tô… để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.

Song song đó, trong “Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020”, Chính phủ cũng yêu cầu kiểm soát thuốc lá nhập lậu và thuốc lá giả. Cụ thể, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán thuốc lá nhập lậu, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách và đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá để ngăn chặn, đẩy lùi thuốc lá nhập lậu và hỗ trợ trang bị phương tiện, nhân lực cho lực lượng chống buôn lậu.

Có thể thấy, hệ thống thuế mới ngoài việc phải hỗ trợ để đạt các mục tiêu về ngân sách và sức khỏe còn cần phải làm sao cân bằng giữa mục tiêu giảm khối lượng tiêu thụ với các vấn đề kiểm soát thuốc lá nhập lậu và thuốc lá giả; cân đối với việc giảm thiểu các tác động tiêu cực về mặt xã hội mà chính sách mới có thể gây ra như nguy cơ người lao động trong ngành thuốc lá mất việc làm.

Lộ trình tính thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Tư vấn PwC Việt Nam, trong 3 phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện trên thế giới, số quốc gia chọn đánh thuế tuyệt đối nhiều nhất (66 quốc gia), tiếp đến là thuế hỗn hợp (61 quốc gia) và thuế theo tỷ lệ phần trăm (47 quốc gia) xét tại thời điểm năm 2018.

Số liệu năm 2021 từ WHO cũng chỉ ra, các quốc gia có xu hướng chuyển sang áp dụng cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt theo thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp (tăng 22,5% từ 102 quốc gia năm 2008 lên 125 quốc gia năm 2018, chiếm 69% số nước trong thống kê).Trong khi đó, số nước áp dụng cơ cấu thuế theo tỷ lệ phần trăm đơn thuần giảm 25% trong giai đoạn trên (từ 55 quốc gia xuống 41 quốc gia).

Theo WHO, thiết kế chính sách thuế thuốc lá cần ưu tiên tính đơn giản và cơ cấu thuế tuyệt đối đơn bậc là cơ cấu thuế tốt nhất vì nó có thể dễ dàng điều chỉnh thường xuyên theo lạm phát và tăng trưởng thu nhập. Đơn giản hóa cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế, giảm cơ hội tránh và trốn thuế, nâng cao nguồn thu và có tác động lớn hơn đến việc giảm sử dụng thuốc lá.

Trong tương lai, WHO đề xuất các quốc gia hiện đang áp dụng thuế theo tỷ lệ phần trăm như Việt Nam, đầu tiên, nên bắt đầu chuyển sang hệ thống hỗn hợp bằng cách thêm cấu phần thuế tuyệt đối hoặc đưa ra mức thuế tiêu thụ đặc biệt tối thiểu. Còn các quốc gia đang áp dụng hệ thống hỗn hợp nên xem xét việc tăng cấu phần thuế tuyệt đối chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng thuế tiêu thụ đặc biệt trước khi chuyển sang một hệ thống thuế tuyệt đối thuần túy.

Theo đánh giá của PwC Việt Nam, một cơ cấu thuế hiệu quả là cơ cấu có khả năng cân bằng các mục tiêu sức khỏe và tạo ra nguồn thu thuế bền vững đồng thời kiểm soát được việc tiêu dùng thuốc lá bất hợp pháp.

Trên cơ sở phân tích chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành của Việt Nam, các mục tiêu của Chính phủ và trên cơ sở tham khảo chính sách thuế của một số quốc gia điển hình, báo cáo của PwC Việt Nam đã nêu một số phương án cải cách cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt cùng với lộ trình thực hiện trong thời gian ngắn hạn và định hướng dài hạn.

Trong đó, phương án 1 là chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp sau đó tăng dần thành phần tuyệt đối và giảm dần thành phần tương đối. Trong tương lai, khi phù hợp sẽ chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc. Còn phương án 2 là chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đa bậc (ví dụ: 4 bậc). Sau đó thu hẹp dần số bậc để trở thành hệ thống tuyệt đối đơn bậc.

Mỗi phương án nêu trên đều có những ưu và nhược điểm riêng, nhưng nhìn chung, PwC Việt Nam cho rằng phương án 1 là phương án hợp lý hơn cho Việt Nam, phù hợp với định hướng cải cách của Bộ Tài chính.

Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, bà Đinh Thị Quỳnh Vân đề xuất, cần tăng thuế có lộ trình, minh bạch, mức tăng nên cao hơn tỷ lệ lạm phát. Đặc biệt, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần được thực hiện từng bước, với mức độ vừa phải; kế hoạch tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải có lộ trình hợp lý và có tính định hướng dài hạn nhằm đạt được một cách hài hòa mục tiêu Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng, nhưng cũng giúp đảm bảo sự ổn định trong thu ngân sách nhà nước, hạn chế sự gia tăng đột biến của thuốc lá lậu, từ đó hỗ trợ chuyển đổi ngành thuốc lá chuyển đổi sang cơ cấu sản phẩm có chất lượng tốt hơn, ít độc hại hơn.

(baodautu)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here