Ban Quản trị Trang NGKT trân trọng gửi tới quý độc giả bài viết của R. Sharma đăng trên New York Times ngày 13/10/2020 với tiêu đề “Liệu Việt Nam có phải là “phép màu châu Á” tiếp theo không?”, một số nội dung chính, như sau:
Năm 2020, Việt Nam được dự báo tăng trưởng ở mức 3% trong khi Philippines và một số quốc gia khác dự báo sẽ tăng trưởng âm 7-9%. Nhưng theo Sharma, không có bí ẩn về cách Việt Nam làm được điều này. Hiện tại, Việt Nam có nhiều nét tương đồng với công thức thành công của các nền kinh tế kỳ diệu ở Đông Á đã làm những năm trước đây: tạo dựng thịnh vượng từ xuất khẩu.
Hiện nay, các tập đoàn đa quốc gia từ mọi nơi đang đổ xô đến các khu chế xuất của Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia Trung Quốc muốn tránh chi phí lao động cao và các lệnh trừng phạt thương mại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, nên cũng tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trung bình 16%/năm trong nhiều thập kỷ nay, gấp đôi mức tăng trưởng xuất khẩu của Philippines là 8,6%. Ngày nay, khoảng 80% xuất khẩu của Việt Nam đến từ các công ty có yếu tố FDI. Ngay cả các công ty đa quốc gia tại Philippines cũng đang tìm kiếm cách mở rộng sang Việt Nam. Nguồn vốn FDI vào Philippines đã giảm 33% từ tháng 1 đến tháng 10/2020, trong khi Việt Nam tăng 9 tỷ đôla từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay.
Nhiều dấu hiệu cho thấy mô hình Đông Á đang hồi sinh tại Việt Nam: Chi tiêu cơ sở hạ tầng của Việt Nam là 8% GDP, trong khi đó Philippines chỉ chiếm khoảng 5%. Vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam chủ yếu đầu tư vào các nhà máy xuất khẩu dài hạn, tạo việc tạo việc làm ổn định trong sản xuất, thay vì vốn đầu tư ngắn hạn dựa trên các khoản vay như ở Philippines. Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, biển hiện bằng thặng dư thương mại đang gia tăng – giống như cách mà các nền kinh tế kỳ diệu Đông Á đã đạt được trước đây. Trong khi đó, Philippines chưa bao giờ có thặng dư thương mại trong những năm gần đây.
Trước đây, các nước phương Tây thường tấn công vào các nước phát triển khi bị thâm hụt thương mại, và thường bỏ qua các nước đang phát triển. Song giờ đây, khi bá quyền kinh tế phương Tây bắt đầu đi xuống, sự tấn công lại nhằm vào các nước đang phát triển. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hiện đang điều tra khả năng Việt Nam thao túng tiền tệ do Việt Nam duy trì thặng dư thượng mại liên tục với Hoa Kỳ. Mặc dù thặng dư thương mại gia tăng, cơ quan tiền tệ Việt Nam không chỉ kiểm soát tốt áp lực tăng giá của Việt Nam đồng mà thậm chí đã có một câu thần chú hạ tỷ giá vào tháng 4/2020. Điều này giống cách mà Trung Quốc đã kiểm soát đồng Nhân dân tệ trong hai thập kỷ qua – giờ đây Hoa Kỳ gọi Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ”. Các nền kinh tế từng được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê vào danh sách thao túng tiền tệ gồm có Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và Ấn Độ. Phía Philippines nhận định Việt Nam khác Phippines và Hoa Kỳ – những nước dùng tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định – còn Việt Nam đang tận dụng sự độc lập tiền tệ để thoát khỏi nghèo đói.
Philippines đang chuẩn bị áp dụng mức thuế thu nhập cao hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài với mức thuế thu nhập bắt buộc 25%. Điều này tạo nên làn sóng bất bình từ các nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, chính sách tỷ giá hối đoái “ít linh hoạt” của Việt Nam và Trung Quốc dường như có lợi hơn cho sự tăng trưởng dài hạn, so với chính sách “tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định”. Nghiên cứu “Tác động của tỷ giá hối đoái đối với tăng trưởng kinh tế dưới sự phân loại các chế độ trên thực tế” của J. Frenkel và các cộng sự tại Harvard năm 2019 cho thấy từ thời Bretton Wood đến nay, các thể chế thực hiện tỷ giá hối đoán tương đối cố định thường tăng trưởng kinh tế tốt hơn các thể chế duy trì tỷ giá hối đoái linh hoạt.
(Tổng Lãnh sứ quán Việt Nam tại Thượng Hải)