Liệu gói cứu trợ 2,2 nghìn tỷ USD của Tổng thống Trump có thể vực dậy nền kinh tế Hoa Kỳ ?

0
129
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Trong bài viết mới đây, ông Zhou Mi, chuyên gia nghiên cứu của Học viện Hợp tác kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc đã đưa ra một số bình luận về tác động của những chính sách gần đây của Tổng thống Trump đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.

Vào ngày 27/03, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật Cứu trợ và an ninh kinh tế vi-rút Corona (CARES) trị giá 2,2 nghìn tỷ USD để giúp phục hồi nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trước đó, vào ngày 23/03, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố thực hiện nới lỏng định lượng không giới hạn (unlimited quantitative easing) nhằm góp phần cải thiện tình hình tại thị trường tài chính. Đây là một trong những gói giải pháp kích thích lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cụ thể, CARES bao gồm 4 nhóm giải pháp chính: (i) đảm bảo việc làm và lương cơ bản cho một bộ phận người lao động; (ii) trợ cấp doanh nghiệp, người lao động, các hộ gia đình; (iii) hỗ trợ hệ thống y tế; (iv) duy trì ổn định kinh tế và hỗ trợ các lĩnh vực chịu ảnh hưởng.

Đây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ áp dụng các gói kích thích mang tính toàn diện nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực lên nền kinh tế nước này. Việc áp dụng các gói kích thích tại Mỹ đã được tiến hành từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt với dự luật “New Deal” nhằm đối phó với cuộc Đại Khủng hoảng. Các gói kích thích cũng lần lượt được sử dụng trong 5 cuộc suy thoái kinh tế gần đây tại Hoa Kỳ trong các năm 1964, 1971, 1975, 1981 và 2001. Đặc biệt kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008, Chính phủ Mỹ đã tăng cường áp dụng hàng loạt các chính sách tài khóa; tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; mua lại các tài sản nợ xấu;… để giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái, khủng hoảng.

So với các gói kích thích đã được sử dụng, CARES có tổng giá trị lớn hơn, được triển khai trên nhiều lĩnh vực hơn và được thực hiện dưới các hình thức đa dạng hơn. Nếu nghiên cứu kỹ nội dung của CARES, người ta có thể thấy gói kích thích này phản ánh sự bất đồng giữa các nhóm lợi ích khác nhau trên chính trường Hoa Kỳ, được thể hiện qua cách phân bổ nguồn lực và thủ tục hành chính ở các mức độ khác nhau. Hơn nữa, một số điều khoản trong đạo luật cũng không được quy định rõ ràng, cho phép chính quyền Trump có dư địa trong  quá trình thực hiện. Vì thế, giới quan sát vẫn dấy lên hoài nghi về tính hiệu quả và đồng bộ của gói kích thích này, nhất là khi gói hỗ trợ này ít được sử dụng để hỗ trợ lĩnh vực sản xuất và kích cầu tiêu dùng.

Trong bối cảnh hiện tại, đại dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục làm gián đoạn toàn bộ ngành công nghiệp dịch vụ tại Hoa Kỳ. Ngoài một số dịch vụ có thể được cung cấp qua hình thức trực tuyến, phần lớn các lĩnh vực dịch vụ còn lại gặp khó khăn trong việc chuyển đổi hình thức (từ truyền thống sang trực tuyến). Hơn nữa, để có thể chuyển đổi mô thức kinh doanh từ truyền thống sang trực tuyến, cả nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu thụ phải hình thành thói quen tiêu dùng mới và đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng trực tuyến. Ngành công nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực chế tạo chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với dịch vụ do cần có lao động để vận hành máy móc. Vấn đề hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà ngay cả những tập đoàn với tiềm lực dồi dào cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, nguồn vốn cứu trợ từ CARES cũng chỉ có thể giúp các doanh nghiệp “trì hoãn” thời điểm công bố phá sản, thay vì giải quyết tận gốc vấn đề. Bên cạnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thói quen chi tiêu nhiều hơn tiết kiệm trong bối cảnh thất nghiệp tăng cao càng đẩy các hộ gia đình Mỹ vào tình trạng tồi tệ hơn. Theo số liệu tháng 12/2019 của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, tiết kiệm cá nhân của người Mỹ chỉ ở mức 7,5% thu nhập sau thuế. Theo tính toán của các nhà phân tích dựa trên thói quen tiêu dùng, quy mô của CARES và số lượng đối tượng thụ hưởng, CARES chỉ có thể giúp  tượng thụ hưởng duy trì mức sống cơ bản trong 10 ngày. Tuy nhiên đây chỉ là lý thuyết, trong thực tế, tình hình có thể do tình hình dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp.

Rút ra từ những lần khủng hoảng trước đó, mỗi khi kinh tế Hoa Kỳ “môi hở” thì kinh tế toàn cầu lại lâm vào tình trạng “răng lạnh” do quy mô, vai trò của kinh tế nước này đối với kinh tế thế giới. Việc thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ một cách thiếu tính toán trong môi trường bất ổn không chỉ khiến cho tình hình tồi tệ hơn, mà còn có nguy cơ làm méo mó nền kinh tế về lâu dài. Điển hình là sau đợt cắt giảm thuế năm 2019, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng lên nhanh chóng khi khoản thu từ sự gia tăng số lượng doanh nghiệp không giúp cân bằng được số ngân sách bị mất do các chính sách giảm thuế mới gây ra. Để giải quyết tình trạng trên, các chính phủ có xu hướng tiến hành tăng cường chi tiêu công. Tuy nhiên, hành động này sẽ làm gia tang áp lực lên bảng cân đối tài chính của các chính quyền liên bang, tăng nợ quốc gia. Xu hướng này nếu không được giải quyết sẽ gây ảnh hưởng lên tất cả các nhà đầu tư trên thế giới đang nắm giữ, sở hữu các tài sản  quy đổi về đồng đô la Mỹ./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here