Trang mạng The East African ngày 12/2/2019 tiếp tục có bài đề cập đến tình hình liên kết kinh tế của các nước thành viên Cộng đồng Đông Phi (East African Community-EAC) trong và ngoài khu vực. Theo tác giả, vấn đề lớn nổi lên trong quá trình này hiện nay chính là việc làm thế nào để tăng cường liên kết kinh tế của khối này với các nước bên ngoài, điển hình là việc đưa Thỏa thuận đối tác kinh tế (EPA) giữa EU và Cộng đồng Đông Phi sớm đi vào triển khai và mang lại lợi ích thực sự cho các nước trong khu vực.
EPA là một thỏa thuận thương mại quan trọng giữa hai khối EU và EAC, theo đó các sản phẩm EAC có toàn quyền thâm nhập vào thị trường EU, 82,6% hàng hóa của EU được phép nhập khẩu vào thị trường EAC (17,4% hàng nhập khẩu còn lại từ EU thuộc diện “nhạy cảm” gồm phần lớn các sản phẩm nông nghiệp và sữa sẽ được miễn thuế dần trong vòng 15 năm kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực). Quá trình đàm phán EPA đã hoàn tất từ 16/10/2014 và đến nay tất cả các quốc gia thành viên EU đã ký kết. Hạn chót để các nước EAC ký kết ban đầu được đặt ra là ngày 01/10/2016 nhưng tại Hội nghị thượng đỉnh EAC sau đó, Tổng thống Tanzania John Magufuli chủ trì Hội nghị đã yêu cầu có thêm thời gian để Tanzania và các nước nghiên cứu thêm tác động của Thỏa thuận này đối với quá trình phát triển công nông nghiệp nói chung của các nước trong khu vực.
Sự bế tắc của thỏa thuận EPA với EU trên thực tế đã trở thành một trong những chủ đề trọng tâm thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh các nước EAC tại Arusha, Tanzania vào đầu tháng 2/2019 vừa qua. Tại phiên họp kín của Nguyên thủ các nước Kenya, Tanzania, Uganda, Rwanda, Burundi và Nam Sudan, cuộc thảo luận về EPA chiếm nhiều thời gian nhất, đặc biệt do Tanzania tiếp tục tỏ thái độ không hài lòng về EPA này, cho rằng thỏa thuận sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với doanh thu và sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp, cần thêm thời gian để các chuyên gia tới Bỉ trao đổi về các thiệt hại rủi ro liên quan đến việc thực hiện EPA này.
Tổng thống Burundi cũng cho rằng nước này sẽ không ký thỏa thuận (một phần do bị EU trừng phạt, quan hệ với EU xấu đi sau những bất ổn chính trị do Tổng thống Pierre Nkurunziza ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba gây tranh cãi vào năm 2015). Trong khi đó, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta rất muốn các nước ký EPA tại Hội nghị thượng đỉnh lần này (Kenya là quốc gia rất trông đợi việc thực hiện EPA sẽ giúp nước này đẩy mạnh xuất khẩu hoa quả vào thị trường EU). Tổng thống Uganda cho rằng các nước cần có lập trường chung, nên ký kết tập thể, việc ký thỏa thuận riêng rẽ sẽ làm tổn hại sự thống nhất của khu vực. Kết thúc Hội nghị, các Nguyên thủ đã thống nhất việc Tanzania sẽ có thêm bốn tháng để giải quyết các yêu cầu của mình.
Châu Phi hiện là khu vực có nhiều tiềm năng để EU thúc đẩy quan hệ. Trong những năm qua, thương mại của EU với Châu Phi ngày càng tăng. Mặc dù EU đã thâm hụt thương mại dai dẳng với châu Phi trong giai đoạn 2000-2014, nhưng thương mại của khối này tại đây đã thặng dư 22 tỷ euro (25,5 tỷ USD) trong năm 2015 và thặng dư 22,7 tỷ euro (25,84 tỷ USD) trong năm 2016. Ngoài ra, theo Viện toàn cầu McKinsey, cơ hội đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở châu Phi sẽ lên tới ít nhất 150 tỷ đô la hàng năm trong thập kỷ tới. Châu Phi cũng là nơi có tài nguyên thiên nhiên chiến lược cho các ngành công nghiệp sử dụng ít carbon đang ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Trong liên kết kinh tế với EU và các khu vực khác nói chung, các nước châu Phi nhìn chung hiện còn nhiều lo ngại về việc EPA sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển công nghiệp của họ và việc thực hiện Thỏa thuận Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA), được ký bởi hầu hết các nước châu Phi vào tháng 3/2018.
Sự lo ngại của các nhà lãnh đạo châu Phi cũng là chính đáng. Mặc dù EU tuyên bố rằng EPA sẽ bổ trợ cho AfCFTA, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng những lợi ích thương mại do EPA mang lại, như đã đàm phán, chủ yếu tập trung vào một số sản phẩm nông nghiệp – các nước kém phát triển nhất (LDC) ít có khả năng được hưởng lợi trong quá trình này. Một vài nhà nghiên cứu của Châu Phi có lập luận rằng về cơ bản EPA thực sự sẽ làm tổn thương thương mại nội bộ châu Phi, làm suy giảm doanh thu thương mại và làm suy yếu hoạt động công nghiệp hóa dựa vào thương mại ở châu Phi; tương lai gần các nước châu Phi sẽ phải chịu nhiều tổn thất trong khi còn lâu các nước này mới có thể tiếp cận được thị trường của EU.
Trong bối cảnh đó, những người ủng hộ EPA cho rằng cần thiết lập một quỹ đặc biệt để bù đắp cho những tổn thất ngắn hạn của các nước châu Phi. Hiện EU cũng đang thực hiện một số biện pháp để giúp củng cố AfCFTA. Gần đây, họ đã tuyên bố tăng gấp 7 lần sự hỗ trợ – từ €7 triệu ($8 triệu) trong năm 2014-2017 lên €50 triệu ($57 triệu) cho giai đoạn 2018-2020, triển khai các hoạt động hỗ trợ về thể chế và kỹ thuật, cũng như giúp cho việc thu thập và phân tích dữ liệu. Cách tiếp cận của EU với Châu Phi nhìn chung đã có một số tiến bộ, tuy nhiên EU vẫn chủ yếu là người đặt ra chương trình nghị sự, cung cấp hỗ trợ tài chính để thực hiện ý chí của mình.
Để EU có thể nắm bắt các cơ hội mà châu Phi mang lại theo cách có lợi cho cả hai bên, EU sẽ cần phải có thái độ thực tâm, cùng chia sẻ để xây dựng một loại hình quan hệ đối tác mới trong đó có sự đối xử bình đẳng với các nước châu Phi. Nói một cách đơn giản, mối quan hệ EU-Châu Phi mới phải dựa trên các hoạt động thương mại, thay vì viện trợ.
(ĐSQ Việt Nam tại Mozambique)