Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Bạc Liêu cán mốc 1 tỷ USD

0
132
Tỉnh Bạc Liêu có 3 mặt hàng xuất khẩu chính là tôm, gạo và muối. (Nguồn: Tạp chí Thủy sản)

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của tỉnh ước đạt 1 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17,21% so cùng kỳ. Trong đó, tôm đông ước đạt 973,6 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17,26% so cùng kỳ.

Tỉnh Bạc Liêu có 3 mặt hàng xuất khẩu chính là tôm, gạo và muối. (Nguồn: Tạp chí Thủy sản)

Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu hết đến năm 2025 xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD.

Năm 2023, Nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc đã hoàn thành và đưa vào khai thác bước đầu xuất khẩu được 46 tấn tôm sang thị trường Hàn Quốc và hiện đang tiếp tục tìm đơn hàng mới. Ước đến cuối năm nay xuất khẩu 95.016 tấn thủy sản, đạt 100% kế hoạch, tăng 14,97% so cùng kỳ; trong đó, tôm đông đạt 91.854 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 15,12% so cùng kỳ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, tỉnh Bạc Liêu có 3 mặt hàng xuất khẩu chính là tôm, gạo và muối. Theo đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm, chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới.

Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu sớm trở thành “Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước” hướng đến tạo thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu” và để thực hiện thành công nâng cao, phát triển chuỗi giá trị ngành Tôm Bạc Liêu trong thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính của tỉnh, khuyến khích phát triển hình thức nuôi công nghệ cao mô hình nông hộ.

Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng để xây dựng thương hiệu cho từng mặt hàng. Đặc biệt là xây dựng và thực hiện tốt các chương trình giám sát dịch bệnh, vùng giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh: “Nếu như những năm trước đây, phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ tập trung xuất tôm đông và chủ yếu là xuất thô mang lại giá trị không cao.

Về lâu dài, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến việc chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao, đa dạng các mặt hàng để thâm nhập ngày càng sâu, rộng hơn các thị trường xuất khẩu lớn. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp làm tăng khả năng cạnh tranh về xuất nguyên liệu thô với các nước có nền công nghiệp nuôi tôm lớn”.

Song song với đó, theo ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, doanh nghiệp hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí nguồn nguyên liệu và hướng đến thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.

Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, thời gian tới, nếu muốn xuất khẩu tôm vào thị trường Liên minh châu Âu (EU), phải tăng cường sản phẩm thế mạnh như sản phẩm hữu cơ, bền vững; có biện pháp bán hàng và thanh toán phù hợp; tận dụng triệt để các lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để nâng sức cạnh tranh.

Đối với thị trường Trung Quốc (chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam), doanh nghiệp phải linh động với hình thức xuất khẩu, lựa chọn cách thức thanh toán. Nhất là cập nhật các chính sách nhập khẩu của Trung ương và địa phương và đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh…

Để đáp ứng được các yêu cầu trên, thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu sản phẩm hàng hóa và quảng bá sản phẩm gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu tôm Bạc Liêu.

Cùng đó, tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; tích cực tranh thủ các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công Thương để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here