Làm gì để nắm bắt cơ hội cho hạt gạo Việt Nam ở châu Phi?

0
47
Cần tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại gạo giữa Việt Nam và các nước châu Phi thông qua các hội chợ, triển lãm sản phẩm. (Nguồn: BDT)

Người châu Phi ưu ái dùng hàng Việt và có nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với danh mục xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Khối thị trường châu lục này vẫn thực sự nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ta.

Cần tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại gạo giữa Việt Nam và các nước châu Phi thông qua các hội chợ, triển lãm sản phẩm. (Nguồn: BDT)

Châu Phi đối mặt khủng hoảng lương thực

Gạo đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực của châu Phi. So với các khu vực khác trên thế giới, châu Phi, đặc biệt là khu vực châu Phi cận Sahara, mức sản xuất và tiêu thụ gạo lớn thứ tư sau Đông Nam Á, Nam Á và Đông Á.

Tại các quốc gia châu Phi, nguồn cung lương thực trong nước không đủ do tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột, chiến tranh và gia tăng dân số (từ hơn 810  triệu người năm 2000 lên đến hơn 1,2 tỷ năm 2017). Châu lục này mới chỉ tự đáp ứng 60% tổng nhu cầu lương thực trong khu vực.

Theo số liệu từ Ngân hàng dữ liệu trực tuyến của Tổ chức nông lương thế giới (FAOSAT) năm 2020, nhập khẩu gạo của châu Phi tăng khoảng 4,7 lần, từ khoảng 4 triệu tấn (năm 1994) lên khoảng 14,8 triệu tấn (năm 2017), trong đó khu vực Tây Phi nhập khẩu gạo lớn nhất, chiếm 56% trong tổng sản lượng nhập khẩu gạo của toàn châu lục.

Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng thiếu lương thực tại châu Phi. Theo PGS. TS. Lê Phước Minh, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có thể kể tới một số nguyên nhân như: Diện tích đất trồng tại châu lục này khoảng 1 tỷ ha, song diện tích đất nông nghiệp hiện nay được sử dụng mới chỉ khoảng 210 triệu ha và khoảng hơn 600 triệu ha đất nông nghiệp vẫn bị bỏ hoang.

Biến đổi khí hậu, hạn hán và lũ lụt thường xuyên xảy ra với mức độ tàn phá ngày một nghiêm trọng (như trật lụt ở Nigeria năm 2018 tại 10 tiểu bang; hạn hán năm 2022 tại Ethiopia, Kenya, Somalia) làm mùa màng thất bát.

Đặc biệt, PGS.TS Lê Phước Minh nhận định, hiện nay, nguyên nhân kép dẫn đến khủng hoảng lương thực nghiêm trọng trên thế giới nói chung và châu Phi nói riêng là dịch bệnh và xung đột.

Theo ông, dịch bệnh, đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine đã làm đứt gãy nguồn cung, khiến giá lương thực tăng 64%, bằng với mức khủng hoảng lương thực thế giới năm 2008, giá phân bón, dầu khí tăng cao, gây ra lạm phát trên toàn thế giới, hệ lụy là mất an ninh lương thực và tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng ở châu lục này.

Trong bối cảnh trên, các tổ chức quốc tế gia tăng viện trợ. Cụ thể, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) thành lập  quỹ “Cơ sở sản xuất lương thực khẩn cấp châu Phi” trị giá 1,5 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho 20 triệu nhà nông trên khắp lục địa.

Nhằm giúp ngăn chặn nạn đói ở vùng Sừng châu Phi, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cam kết cấp khoản viện trợ 1,18 tỷ USD. Hay để tăng sản lượng ngũ cốc quốc gia và đối phó với tình trạng giá lương thực tăng cao, Chương trình sản xuất lương thực khẩn cấp của AfDB tài trợ 151,18 triệu Euro và Tổ chức Hợp tác Nhật Bản hỗ trợ 68,14 triệu Euro.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Về vấn đề lương thực tại châu Phi, Phó Trưởng Ban Quan hệ quốc tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trương Thị Bích Ngọc cho rằng, hiện nay, châu Phi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, nhiều quốc gia bị đứt gãy nguồn cung.

Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng, xuất khẩu lương thực, thực phẩm nói chung của Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường châu Phi hiện còn rất nhiều dư địa, đặc biệt là một số quốc gia như: Nam Phi, Bờ Biển Ngà, Senegal, Algeria, Nigeria, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania, Ai Cập, Angola… Thực tế cho thấy, hiện sản phẩm gạo của Việt Nam đã có mặt tại 35 trên tổng số 55 quốc gia châu Phi.

Theo thống kê sơ bộ, trong những năm qua, xuất khẩu gạo Việt Nam sang châu Phi thường chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta ra thế giới (tương đương khoảng 1,5 triệu tấn). Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của toàn thị trường châu Phi khoảng 13-15 triệu tấn và dự kiến còn tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên hiện nay, xuất khẩu gạo Việt sang châu lục này vẫn còn giao dịch nhiều qua trung gian là các thương nhân châu Âu và Trung Đông.

Ngoài ra, theo bà Bích Ngọc, một khối lượng gạo lớn xuất vào Ai Cập và Nam Phi sau đó cũng được tái xuất sang các nước khác, chẳng hạn từ Ai Cập xuất sang một số nước Bắc và Tây Phi và từ Nam Phi xuất sang các nước miền Nam châu Phi. Do xuất qua trung gian nên giá gạo Việt Nam vào thị trường này thường bị đẩy lên khá cao.

Tuy vậy, với diện tích rộng trên 30 triệu km2, dân số khoảng 1,3 tỷ người, người châu Phi ưu ái dùng hàng Việt và có nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, khối thị trường châu Phi vẫn thực sự là những thị trường đa dạng cơ hội cho doanh nghiệp Việt.

Khắc phục khó khăn

Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, bên cạnh những cơ hội xuất khẩu còn nhiều tiềm năng, doanh nghiệp Việt nam khi xuất khẩu gạo sang châu Phi cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như khoảng cách địa lý xa xôi, cước vận tải biển tăng cao mà trong số đó khó khăn lớn nhất là tìm đối tác tin cậy và quản trị rủi ro khi thanh toán.

Còn theo PGS.TS Lê Phước Minh, những khó khăn của hạt gạo Việt tại châu Phi không ít, đó là: Cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo khác trên thế giới như: Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan. Năm 2018, tỷ trọng xuất khẩu gạo của Việt Nam cho châu Phi ở mức khiêm tốn 3,9%, xếp thứ 5 trong số 10 nhà xuất khẩu lớn cho châu lục này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt còn phải cạnh tranh về giá khi nhiều nước châu Phi thích nhập khẩu gạo từ Ấn Độ do giá rẻ hơn và thời gian vận chuyển ngắn hơn.

Phí vận chuyển tăng cao do giá dầu thế giới tăng dẫn đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam giảm. Ngoài ra, khoảng cách địa lý xa, nguy cơ hàng hóa dễ bị hỏng dẫn đến đối tác từ chối nhận hàng và tình trạng bất ổn an ninh (cướp biển, xung đột vũ trang, bạo lực) ở một số khu vực châu Phi cũng gây rủi ro trong khâu vận chuyển.

Thêm vào đó, rủi ro trong thanh toán, hiện tượng lừa đảo trong các hợp đồng mua bán, đặc biệt ở các nước Tây Phi, phương thức thanh toán phố biến vẫn là hàng đổi hàng… cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp gạo Việt chinh phục thị trường rộng lớn này.

Giải pháp mở rộng thị trường

Để thúc đẩy kết nối thông tin thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu gạo Việt sang thị trường châu Phi, PGS.TS Lê Phước Minh đề xuất: Trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc tăng kim ngạch xuất khẩu gạo sang châu Phi, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để thúc đẩy hợp tác chuyển giao kỹ thuật trồng lúa cho các nước châu Phi, giúp các nước châu Phi tự cung tự cấp lương thực. Đây cũng là một trong những cách để nâng cao tiềm lực kinh tế của Việt Nam ở châu Phi

Bên cạnh đó, cần tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại gạo giữa Việt Nam và các nước châu Phi thông qua các hội chợ, triển lãm sản phẩm, hàng nông sản offline hoặc virtual expo; Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp làm mũi nhọn trong hợp tác kinh tế giữa hai bên; Xây dựng chuỗi giá trị gạo theo tiêu chuẩn Halal để nâng cao tính cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu gạo vào thị trường các nước châu Phi.

Ngoài ra, cần tháo gỡ khó khăn trong phương thức thanh toán bằng cách mở đại diện ngân hàng thương mại tại một số nước châu Phi – những nước trọng điểm có nhiều dự địa hợp tác thương mại – đầu tư với Việt Nam hoặc liên doanh với một số ngân hàng có uy tín của Morocco, Nam Phi…

Thúc đẩy hợp tác Nam-Nam, hợp tác ba bên, bốn bên trong việc chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa cho châu Phi. Tranh thủ sự ủng hộ và tài trợ của các tổ chức quốc tế như: AfDB, CIRAD, USAID, FAO, IFAD… cho các chương trình an ninh lương thực cho châu Phi để Việt Nam có thể cùng chung tay giải quyết vấn đề xói đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp tại các nước châu Phi.

Trong khi đó, để thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nhằm thúc đẩy thị trường châu Phi, Phó Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế VCCI Trương Thị Bích Ngọc nêu kiến nghị:

Gấp rút xây dựng thương hiệu cho gạo: Đây là công việc rất cần thiết đối với mặt hàng gạo nói riêng và nông thủy sản nói chung, doanh nghiệp cần cung cấp các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có xuất xứ tốt để nâng tầm thương hiệu, xây dựng lòng tin đối với tiêu dùng.

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản nói chung và gạo nói riêng sang thị trường Châu Phi, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng ưu đãi từ 16 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với một số nước châu Phi (Nam Phi, Sudan, Mozambique, Morroco…).

Ngoài ra, theo bà Ngọc, các doanh nghiệp Việt Nam nếu có mong muốn đưa hàng hóa xuất khẩu nhanh chóng có mặt trên thị trường châu Phi thì cần phải thông qua kênh phân phối sẵn có của các đơn vị bán lẻ của các nước sở tại. Các công ty này đã có sẵn mạng lưới phân phối với hàng ngàn siêu thị, kho bãi, phương tiện vận chuyển…

Đặc biệt, bà Bích Ngọc nhấn mạnh: “Cần tăng cường trao đổi thông tin giữa các Cơ quan đại diện ngoại giao, thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Phi với các doanh nghiệp trong nước trên cơ sở hiệu quả, thực chất. Ví dụ: Cung cấp thông tin cụ thể về đơn hàng, nhu cầu nhập khẩu của nước bạn bao gồm đơn vị nhập khẩu, sản lượng, chủng loại hàng, tiêu chuẩn kỹ thuật, phương thức thanh toán đề xuất từ phía bạn… Trên cơ sở đó, VCCI có thể tìm kiếm kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phù hợp, giảm bớt các khâu trung gian.

Cuối cùng, Phó Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế VCCI đề xuất, cần tích cực tham gia vào các hội thảo giao thương, tọa đàm, các cuộc gặp B2B giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước châu Phi trong lĩnh vực xuất khẩu gạo nói riêng, lĩnh vưc lương thực thực phẩm nói chung, trong đó có cả các doanh nghiệp về vận tải để tìm ra giải pháp cho bài toán tối ưu chi phí và giảm thiểu rủi ro trong logistics giữa Việt Nam và các nước châu lục này.

Trần Liễu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here