Việc thống nhất nhiều nội dung trong Nghị định thư liên quan đến công tác liên vận đường sắt giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc sẽ kịp thời giải quyết những phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong khuôn khổ Hội nghị Đường sắt biên giới Việt – Trung lần thứ 44 tại Hà Nội, ngày 12/12, hai bên đã ký kết Nghị định thư Hội nghị Đường sắt biên giới Việt – Trung lần thứ 44.
Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh, Trưởng đoàn Đường sắt Việt Nam cho biết, thực hiện nhiệm vụ Bộ Giao thông vận tải Việt Nam giao, từ ngày 11-12/12/2024, Cục Đường sắt Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội nghị Đường sắt biên giới Việt – Trung lần thứ 44. Đây là hội nghị thường niên được tổ chức luân phiên giữa đường sắt hai nước nhằm đàm phán, tháo gỡ và đi đến thống nhất những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung vào Nghị định thư đường sắt Việt – Trung hằng năm.
“Sau hai ngày làm việc nỗ lực khẩn trương, thảo luận nghiêm túc trên tinh thần hợp tác hữu nghị, những vấn đề liên quan đến công tác liên vận đường sắt giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã được các thành viên trong hai đoàn đại biểu Việt Nam và Trung Quốc thống nhất”, Cục trưởng Trần Thiện Cảnh cho biết thêm.
Việc thống nhất nhiều nội dung trong Nghị định thư liên quan đến công tác liên vận đường sắt giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc sẽ kịp thời giải quyết những phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi để thúc đẩy hàng hóa, hành khách liên vận quốc tế và khách du lịch giữa hai nước.
Về phía Trung Quốc, ông Dương Bân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục Nam Ninh, Trưởng đoàn Đường sắt Trung Quốc khẳng định, với sự thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển, việc hợp tác hữu nghị đường sắt hai nước có điều kiện và môi trường xung quanh rất tốt.
“Tôi tin rằng, dưới sự định hướng của lãnh đạo cao nhất hai nước, chúng ta chỉ cần nắm chặt cơ hội, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, ngành đường sắt hai bên chắc chắn sẽ góp phần lớn hơn vào việc phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, ông Bân bày tỏ.
Đại diện đoàn đại biểu Trung Quốc bày tỏ tin tưởng, dưới sự định hướng của lãnh đạo cao nhất hai nước, ngành đường sắt hai bên sẽ nắm bắt cơ hội, giúp đỡ lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác toàn diện, thực chất, cũng như tiếp tục mở rộng tiềm năng quá cảnh và xuất nhập cảnh, qua đó góp phần quan trọng trong phục vụ phát triển kinh tế – xã hội hai nước.
Tại Hội nghị, hai bên cũng đã thống nhất về công tác tổ chức vận tải, vận tải hành khách, hàng hóa, thiết bị thông tin, các vấn đề kĩ thuật khác… mang lại lợi ích về đường sắt của các bên, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa đường sắt hai nước nói riêng và nhân dân hai nước Việt – Trung nói chung.
Hiện Cục Đường sắt Việt Nam cũng đang được Bộ Giao thông vận tải Việt Nam giao nhiệm vụ phối hợp với Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc nghiên cứu sửa đổi Hiệp định Đường sắt biên giới ký năm 1992 với mục đích tách bạch giữa quản lý nhà nước với hoạt động của doanh nghiệp.
Cục Đường sắt Việt Nam hy vọng sẽ nhận được sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của Tập đoàn Đường sắt Quốc trong quá trình trao đổi, đàm phán sửa đổi hiệp định để hoàn thành nhiệm vụ này.
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt giữa Việt Nam-Trung Quốc liên tục tăng trưởng; trong đó, năm 2022 ghi nhận sản lượng đạt xấp xỉ 1,2 triệu tấn. Năm 2023, khối lượng giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sang năm 2024, khối lượng hàng hóa liên vận quốc tế đã từng bước phục hồi và tăng trưởng.
Thống kê trong 11 tháng của năm nay, chuyến tàu container hai chiều đã vận tải 33.400 TEU container, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 145%, trong đó nhập cảnh Trung Quốc 12.400 TEU container, so với cùng kỳ tăng 29%; từ Trung Quốc xuất cảnh Việt Nam 21.000 TEU container, so với cùng kỳ tăng 460%.
Thanh Hà