Ký kết FTA vẫn còn xa vời đối với Bangladesh

0
80

Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với những đối tác quan trọng vẫn còn là điều xa vời đối với Bangladesh bởi nhiều quốc gia đã không còn quan tâm nhiều tới việc ký kết này bất chấp những nỗ lực đã đạt được thời gian qua. Do vậy, bên cạnh FTA, Chính phủ Bangladesh đang muốn ký kết các Hiệp định Thương mại ưu đãi với các đối tác thương mại. Theo Bộ trưởng Thương mại Bangladesh Tofail Ahmed, việc ký kết FTA và các Hiệp định Thương mại ưu đãi sẽ giúp Bangladesh duy trì khả năng cạnh tranh do Bangladesh sẽ tiếp tục nhận được những lợi ích về thuế quan ngay cả khi nước này vừa ra khỏi Nhóm các nước kém phát triển nhất.

Theo Bộ trưởng Ahmed, Chính phủ đang cố gắng ký FTA với Sri Lanka và đã đặt ra thời hạn là ngày 31/9 năm nay để ký FTA với nước này; tuy nhiên, phía Sri Lanka triển khai rất chậm do tình hình chính trị tại đây đang diễn ra bất ổn. Ông Ahmed cho biết mặc dù hy vọng về việc ký FTA với Sri Lanka ngày càng trở nên mong manh hơn, nhưng quá trình này vẫn sẽ tiếp tục. Ông Ahmed cho biết ngoài Sri Lanka, Bangladesh muốn ký FTA với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tiến trình triển khai vẫn rất chậm chạp. Nguyên nhân là do nếu FTA được ký kết, Bangladesh sẽ là nước được hưởng lợi nhiều hơn Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, hiện Bangladesh đã gửi đề xuất ký FTA tới Thái Lan và hai bên vẫn đang tiếp tục trao đổi. Theo Bộ trưởng Ahmed, việc ký kết FTA với một số nước bị trì hoãn là do mỗi nước đều tính toán tới lợi ích của mình. Thí dụ, Malaysia muốn ký kết với FTA với Bangladesh, nhưng Bangladesh lại chưa muốn bởi nếu Malaysia được hưởng chính sách miễn thuế từ FTA thì nước này sẽ càng có lợi thế hơn Bangladesh. Hàng năm xuất khẩu hàng hóa của Bangladesh sang Malaysia là 300 triệu USD, trong khi đó xuất khẩu của Malaysia sang Bangladesh đạt 2 tỷ USD. Chính vì vậy, mặc dù hai nước đã trải qua nhiều năm tiến hành đàm phán, nhưng việc ký kết vẫn chưa thể diễn ra.

Theo Chuyên gia cao cấp của Trung tâm Đối thoại chính sách Bangladesh, Mustafizur Rahman, Bangladesh cần tiếp tục sẵn sàng đàm phán với các đối tác thương mại lớn trong việc ký FTA bởi Bangladesh sẽ không còn được hưởng những ưu đãi do nước này đã ra khỏi Nhóm các nước kém phát triển nhất (LDCs). Bên cạnh đó, ông Rahman cho rằng từ mô hình FTA Ấn Độ – ASEAN,  Bangladesh cũng cần phải đàm phán với các nước và tổ chức thương mại để ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện, bao trùm cả thương mại, du lịch và đầu tư. Điều phối viên thường trực của Liên hợp quốc (LHQ) tại Bangladesh Mia Seppo cho biết xuất khẩu của Bangladesh sẽ phải đối mặt với 6,7% thuế bổ sung, dẫn tới thiệt hại cho xuất khẩu của nước này 2,7 tỷ USD mỗi năm. Mức thiệt hại đó tương đương với 8% kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh trong năm 2015. LHQ ước tính xuất khẩu của Bangladesh sẽ giảm khoảng 5,5 – 7,5% sau khi nước này ra khỏi Nhóm LDCs. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh tới các nước dành cho Bangladesh ưu đãi là 24,7 tỷ USD, chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Hiện tại, Bangladesh đang được hưởng chính sách phi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này tại 38 quốc gia, trong đó có 28 nước thuộc EU.

Việc ký kết FTA đang trở thành xu thế trong hệ thống thương mại toàn cầu do các Hiệp định thương mại tự do đa phương trong khuôn khổ WTO đang ngày càng mất dần ưu thế. Trên toàn thế giới hiện có trên 200 FTA. Tuy nhiên, hiện Bangladesh vẫn chưa ký kết FTA với bất kỳ quốc gia nào.

Tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh – (The Daily Star, 28/6)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here