Trung Quốc đã ký và đang triển khai 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại và đầu tư. Nước này đang tiếp tục đàm phán 24 FTA nữa với các đối tác. Trong khu vực Nam Á, Trung Quốc mới ký FTA với Pakistan và Maldives.
Đối với Bangladesh, hiện nước này đang được hưởng những ưu đãi từ Trung Quốc thông qua Hiệp định Thương mại Châu Á – Thái Bình Dương (APTA), cũng như chính sách tự do hóa thuế quan đơn phương của Chính phủ Trung Quốc dành cho các nước kém phát triển nhất. Theo đó, Bangladesh được hưởng những ưu đãi thuế quan đối với 83 sản phẩm của nước này khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Bangladesh sang Trung Quốc gồm: đay và các sản phẩm đay, hàng may sẵn, da đã qua xử lý.
Trung Quốc chính thức đề xuất ký FTA với Bangladesh năm 2014. Tới năm 2016, Bản Ghi nhớ về vấn đề này đã được hai nước ký kết. Hiện hai nước đang tiến hành nghiên cứu tính khả thi của việc ký FTA. FTA với Trung Quốc sẽ thúc đẩy đáng kể kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh sang Trung Quốc, giúp tạo thêm nhiều việc làm mới, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp mới được thành lập. Những mặt hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc cũng sẽ đến tay nhiều người tiêu dùng và các doanh nghiệp Bangladesh hơn. Bên cạnh đó, do Trung Quốc đang chuyển đổi sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng, nên nhu cầu trong lĩnh vực dịch vụ là tương đối lớn.
Việc ký FTA sẽ mang đến những lợi ích to lớn cho lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ của Bangladesh, đặc biệt là ngành chế biến thực phẩm, da và dệt may, xuất khẩu lao động và tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, để FTA mang lại lợi ích cho cả hai nước, quá trình đàm phán cần xem xét những vấn đề như thuế quan, các cơ chế hiệu quả để dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan, nguồn gốc xuất xứ, hợp tác hải quan, các biện pháp bảo vệ, cơ chế giải quyết tranh chấp và cơ quan giám sát việc triển khai FTA.
Đối với Bangladesh, ký FTA với Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của Bangladesh sẽ mở ra cơ hội vàng cho Bangladesh, tạo điều kiện cho hàng hóa nước này được thâm nhập thị trường lớn thứ 3 thế giới, sau EU và Mỹ. Tuy nhiên, cũng sẽ có những trở ngại và thách thức từ Mỹ và Ấn Độ. Ấn Độ sẽ coi FTA này như là một chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tới thị trường truyền thống của Ấn Độ, từ đó ngày càng thâm nhập và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Nam Á.
Theo một nghiên cứu được tiến hành năm 2017 bởi CUTS – một cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Ấn Độ, Ấn Độ nên lo ngại về khả năng ký FTA giữa Bangladesh và Trung Quốc. Mối quan hệ truyền thống giữa Ấn Độ và Bangladesh có thể sẽ bị đe dọa bởi Trung Quốc sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Bangladesh. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng dệt may và các hàng hóa khác từ Bangladesh; điều này khiến cho nhu cầu nhập khẩu từ Ấn Độ sẽ giảm đáng kể. Về phía Mỹ, nước này cũng sẽ nhìn nhận FTA như là một trở ngại địa chính trị nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương.
Hiện Bangladesh chưa ký FTA với bất kỳ đối tác nào. Chính vì vậy, những luận điểm cho rằng việc ký FTA với Trung Quốc hay bất kỳ đối tác nào sẽ đe dọa nền công nghiệp nội địa của Bangladesh đã trở nên lỗi thời và không còn phù hợp. Bangladesh cũng không nên kỳ vọng sẽ được hưởng thêm quy chế phi hạn ngạch và phi thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu của nước này tới các nền kinh tế phát triển. Thay vào đó, điều Bangladesh cần làm hiện nay là đàm phán và ký FTA với các đối tác. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Đối thoại chính sách Bangladesh, trước mắt, các đối tác tiềm năng để Bangladesh thúc đẩy đàm phán và ký FTA gồm: Argentina, Brazil, Chile, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Mexico, Hàn Quốc, Nga, Nam Phi và Ukraine.
(Nguồn: tin từ ĐSQVN tại Bangladesh)