KORUS FTA: Nền tảng của mối quan hệ kinh tế Mỹ-Hàn Quốc?

0
701
68583258 - usa and south korea puzzle from flags.
Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa Mỹ-Hàn đã tăng 68% trong thập kỷ qua, từ 100,8 tỷ USD năm 2011 lên 169,1 tỷ USD năm 2021.

Vào đúng tháng Ba cách đây 10 năm, Hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Hàn Quốc (KORUS FTA) đã có hiệu lực. Hiệp định  được coi là cơ hội để giải quyết những căng thẳng kinh tế trong mối quan hệ, mở rộng các cơ hội thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai đồng minh.

Những trở ngại cơ bản

KORUS FTA là một trong ba FTA được Mỹ đàm phán vào cuối thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, trong đó KORUS FTA là hiệp định có ý nghĩa chiến lược và kinh tế nhất. Khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu đàm phán KORUS FTA vào năm 2006, kỳ vọng là các cuộc đàm phán sẽ diễn ra nhanh chóng. Cuối cùng phải mất hơn sáu năm đàm phán, tranh luận và trì hoãn trước khi KORUS FTA được cả hai chính phủ thông qua và thực hiện.

Trong khi Mỹ và Hàn Quốc kết thúc các cuộc đàm phán trong vòng hơn một năm, hiệp định đã vấp phải trở ngại chính trị và những lo ngại trong nước ở cả hai quốc gia đã làm chậm quá trình phê duyệt và thực hiện.

Tuy nhiên, chính trị không phải là trở ngại duy nhất đối với việc thông qua KORUS FTA ở Mỹ. Đã có những quan ngại trong nước về khả năng tiếp cận thị trường đối với xuất khẩu ô tô và thịt bò của Mỹ. Các nhà sản xuất ô tô của Mỹ đã liên tục đối mặt với những thách thức tại thị trường Hàn Quốc và lo ngại rằng KORUS FTA không thể giải quyết được các quan ngại của họ, trong khi các nhà sản xuất thịt bò Mỹ cũng phải đối mặt với các hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc do một trường hợp bệnh bò điên trước đó tại Mỹ.

Những quan ngại này cuối cùng đã được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán bổ sung về ô tô cũng như một thỏa thuận thương mại về thịt bò cho phép xuất khẩu hầu hết thịt bò Mỹ dưới 30 tháng tuổi đến Hàn Quốc.

Sự phản đối đối với KORUS FTA tiếp tục kéo dài ở Mỹ khi thâm hụt thương mại của nước này với Hàn Quốc tăng lên sau khi hiệp định có hiệu lực. Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó đã chỉ trích thâm hụt thương mại và KORUS FTA, đồng thời đe dọa rút khỏi hiệp định này trước khi đàm phán lại để giải quyết những lo ngại chủ yếu liên quan đến tiếp cận đối với xuất khẩu ô tô và kéo dài giai đoạn loại bỏ biểu thuế xe tải nhẹ của Mỹ.

Tuy nhiên, sự phản đối với KORUS FTA không chỉ xảy ra ở Mỹ. Nông dân Hàn Quốc lo ngại rằng các nhà sản xuất nông nghiệp lớn hơn của Mỹ sẽ đẩy họ ra khỏi thị trường địa phương. Họ cũng phản đối việc mở cửa nông nghiệp hơn nữa đối với Mỹ trong các nỗ lực đàm phán lại của chính quyền Tổng thống Trump.

Định hình quan hệ kinh tế Mỹ-Hàn như thế nào?

Trang Newsxpres so sánh dữ liệu thương mại hàng năm từ trước khi thực hiện KORUS FTA đến năm 2021 cho thấy thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc đã phát triển đáng kể trong thập kỷ qua. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa hai nước đã tăng 68% trong thập kỷ qua, từ 100,8 tỷ USD năm 2011 lên 169,1 tỷ USD năm ngoái. Trong giai đoạn đó, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Hàn Quốc đã tăng 64%, trong khi xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ tăng 71%.

Bất chấp sự gián đoạn từ đại dịch COVID-19, thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiếp tục được mở rộng. Xuất khẩu của Mỹ sang Hàn Quốc đạt mức cao nhất trước đại dịch là 61,9 tỷ USD vào năm 2019, nhưng đã tăng lên 73,2 tỷ USD vào năm ngoái. Hàn Quốc cũng có mức tăng trưởng tương tự, với xuất khẩu của nước này sang Mỹ tăng từ 73,3 tỷ USD ngay trước đại dịch lên 95,9 tỷ USD vào năm ngoái.

Các mô hình thương mại cũng có những thay đổi. Trước khi thực thi KORUS FTA, máy móc và phụ tùng điện là hai mặt hàng xuất khẩu lớn nhất từ Mỹ sang Hàn Quốc. Kể từ đó, xuất khẩu năng lượng, đặc biệt là xuất khẩu dầu thô và khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) đã trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang Hàn Quốc.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc, vốn đã tăng lên trong những năm đầu của hiệp định, bắt đầu giảm vào năm 2016 và tiếp tục như vậy cho đến khi đại dịch bùng phát. Đến năm 2019, thâm hụt thương mại thấp hơn một chút so với trước khi KORUS FTA có hiệu lực, nhưng đã tăng lên 22,7 tỷ USD vào năm 2021.

Xuất khẩu thịt bò và ô tô của Mỹ cũng đạt kết quả tốt. Xuất khẩu thịt bò sang Hàn Quốc đã tăng từ 525 triệu USD lên 1,1 tỷ USD vào năm ngoái. Xuất khẩu ô tô của Mỹ đã tăng từ 347 triệu USD năm 2011 lên 3,5 tỷ USD vào năm 2021. Về số lượng xe, xuất khẩu của Mỹ sang Hàn Quốc đã tăng từ 8.252 xe năm 2011 lên 30.759 xe vào năm ngoái.

Năm 2011, Mỹ đã xuất khẩu 17,9 tỷ USD dịch vụ sang Hàn Quốc nhưng con số này đã tăng lên mức 24,4 tỷ USD vào năm 2017. Tuy nhiên, xuất khẩu dịch vụ của Mỹ đã giảm trở lại mức 17,9 tỷ USD vào năm 2020 do sự sụt giảm của du lịch và các dịch khác bởi ảnh hưởng của đại dịch. Xuất khẩu dịch vụ của Hàn Quốc sang Mỹ tăng trưởng khiêm tốn hơn, từ 9,9 tỷ USD năm 2011 lên mức cao 11 tỷ USD năm 2019, nhưng cũng giảm xuống chỉ đạt 9,7 tỷ USD vào năm 2020.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đã tăng theo KORUS FTA. Theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), đầu tư của Mỹ vào Hàn Quốc tăng khiêm tốn từ 28,2 tỷ USD năm 2011 lên 33,9 tỷ USD năm 2020, nhưng đầu tư của Hàn Quốc vào Mỹ đã tăng 220%, từ mức 19,9 tỷ USD năm 2011 lên 63,7 tỷ USD năm 2020.

Trong khi KORUS FTA mang lại lợi ích cho cả Mỹ lẫn Hàn Quốc, cũng vẫn có các vấn đề mới nảy sinh. Khi Mỹ và Hàn Quốc hoàn tất quá trình đàm phán KORUS FTA vào năm 2007, Netflix mới bắt đầu phát trực tuyến, Twitter được một năm tuổi và Facebook cũng chỉ mới hoạt động được ba năm. Nền kinh tế kỹ thuật số đã định hình lại cách con người tiêu dùng và mua các nội dung trên mạng Internet theo những cách chưa rõ ràng vào thời điểm đó. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã định hình lại cách các chính phủ tiếp cận chính sách thương mại.

KORUS FTA sẽ vẫn là nền tảng của mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Hàn Quốc nhưng tương lai sẽ được định hình bởi những thay đổi đã xảy ra kể từ khi hiệp định được đàm phán ban đầu. Cho dù thông qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden hay các hình thức hợp tác khác, các vấn đề liên quan đến công nghệ, thương mại kỹ thuật số và biến đổi khí hậu sẽ định hình thập kỷ tiếp theo của quan hệ kinh tế Mỹ-Hàn.

Khắc Hiếu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here