Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) vừa phối hợp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HUBA) phối hợp tổ chức Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2024.
Tại diễn đàn, TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC nhận định, trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng các mô hình hướng đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trở thành yêu cầu cấp bách mà mỗi quốc gia, doanh nghiệp quan tâm; trong đó, sự phát triển đồng thời cả kinh tế số – kinh tế xanh được coi là trụ cột chính trong nỗ lực hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa các quy trình hoạt động, giảm thiểu chi phí, tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả. Trong khi chuyển đổi xanh tập trung giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ sạch và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm…
Theo ông Trần Du Lịch, sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh sẽ thúc đẩy sự phát triển các mô hình kinh tế mới giúp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đưa Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.
“Việc áp dụng tiến bộ công nghệ trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề sẽ tạo công cụ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh một cách toàn diện. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tự tin chuyển đổi, Nhà nước cần sớm có khung khổ pháp lý vững chắc làm động lực thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi”, ông nói.
Phó GS. TS. Bùi Quang Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích, về mặt lý thuyết, mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, đất đai và lao động giá rẻ là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng; ngược lại, mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, năng suất chất lượng, hiệu quả, chuyển đổi số, đảm bảo phát triển bền vững và bao trùm là mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Chuyển đổi kép góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam chưa xanh và không đóng góp nhiều cho phát triển bền vững (năng lượng tái tạo, ô nhiễm môi trường (đặc biệt rác thải nhựa), phát thải khí nhà kính.
Phó GS. TS. Bùi Quang Tuấn khẳng định: “Có thể nói, kinh tế xanh của Việt Nam còn đang ở dạng tiềm năng, trong khi thể chế tuy có được cải thiện nhưng còn nhiều điểm nghẽn, thiếu đột phá.
Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội cho đổi mới mô hình tăng trưởng bởi xu hướng công nghệ mới đang phát triển, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trở thành tất yếu. Lợi thế quốc gia có dân số đông, trẻ và mức độ tiếp cận công nghệ tốt. Bên cạnh đó phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vẫn tiếp tục phát triển; sản xuất và tiêu dùng thông minh hơn. Tác động của biến đổi khí hậu vừa là thách thức vừa là cơ hội để đổi mới và thích ứng”.
Để thúc đẩy chuyển đổi kép, ông Bùi Quang Tuấn khuyến nghị, cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, chính sách, có thí điểm, đặc thù, đột phá; khuyến khích đầu tư mạnh hơn cho ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu và phát triển; định nghĩa rõ ràng các khái niệm liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để có cơ sở thực thi, tránh mập mờ hay chồng chéo.
Ngoài ra, phải xây dựng được hệ sinh thái xanh – số – đổi mới sáng tạo với cơ sở dữ liệu lớn được chia sẻ rộng rãi; có sự liên kết giữa các chủ thể.
Với TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Bình An, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một trong 10 thành phố hàng đầu thế giới chịu tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Mặc dù quy mô GRDP thành phố luôn dẫn đầu so với cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, thu nhập trung bình của người dân vẫn còn ở mức thấp…
Ông Phạm Bình An nhấn mạnh: “Điều này đòi hỏi TP. Hồ Chí Minh phải tìm kiếm các giải pháp, động lực và không gian phát triển kinh tế mới”.
Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành các chương trình, đề án liên quan để triển khai và phát triển các mô hình kinh tế mới như Đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó, tập trung chuyển đổi theo hướng “xanh” và “số” trong cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Phạm Bình An, TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng hệ thống giải pháp, chính sách hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, tập trung hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, công nghệ, tiêu dùng bền vững, trong đó doanh nghiệp là trung tâm trong việc thực hiện chuyển đổi.
Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh đã mở ra nhiều cơ hội và động lực cho hành trình chuyển đổi số-xanh. Nhưng để đảm bảo tốc độ và hiệu quả trong quá trình chuyển đổi, một số hạn chế và bất cập cần được nhìn nhận và giải quyết.
Gia Thành