1. Venezuela ghi nhận lạm phát năm 2020 hơn 3.700%
Đài quan sát Tài chính Venezuela (OVF), do Quốc hội đối lập thành lập, công bố tốc độ lạm phát tích lũy của Venezuela năm 2020 là 3.713%. Với con số này, quốc gia Nam Mỹ đã ghi nhận tình trạng siêu lạm phát trong 3 năm liên tiếp. Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 12 mặt hàng thực phẩm và đồ uống không cồn có mức tăng cao nhất (65,1%), tiếp đó là dịch vụ viễn thông (27,6%) và ngành dịch vụ (26,3%). Nhà kinh tế José Guerra chỉ ra rằng mức lương tối thiểu của người dân Venezuela được ghi nhận thấp nhất trong lịch sử, chỉ chiếm 0,88% giá trị của rổ thực phẩm cơ bản vốn được định mức là 250 USD vào tháng 12/2020 và nhấn mạnh tình trạng siêu lạm phát đã nhấn chìm Venezuela, phá hủy sức mua của người dân nước này. Ông cũng cho biết, về cơ bản, lạm phát năm 2021 sẽ phụ thuộc vào khả năng ổn định tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Trung ương Venezuela (BCV) và khẳng định Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh các lĩnh vực sản xuất trong nước nhằm kiểm soát tốc độ lạm phát phi mã hiện nay. Đồng thời, nghị sỹ Quốc hội đối lập cho rằng hiện tượng đô la hóa sẽ tiếp tục diễn biến đậm nét, sâu sắc trong các giao dịch và dự báo, sớm hay muộn, Chính phủ của Tổng thống Maduro sẽ phải cân nhắc việc xóa bao nhiêu số 0 trên đồng nội tệ Bolivar nhằm đối phó với siêu lạm phát.
2. Venezuela báo cáo lạm phát 24% trong tuần đầu của năm 2021
Kinh tế gia của công ty tư vấn Ecoanalítica, Giorgio Cunto cho biết Venezuela ghi nhận tốc độ lạm phát vượt quá 20% vào cuối tuần đầu tiên của tháng 1/2021 và nhấn mạnh đây là mức lạm phát cao thứ hai kể từ tháng 2/2019. Trước đó, công ty tư vấn Aristimuño Herrera & Asociados đưa ra dự báo Venezuela sẽ đạt mức lạm phát 1.695% vào cuối năm 2021, giảm 2.018 điểm phần trăm so với số liệu do Đài quan sát Tài chính Venezuela công bố cho năm 2020 là 3.713%.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết Chính phủ nước này sẽ tạo ra và sử dụng các phương thức thanh toán ngoại tệ bằng kỹ thuật số nhằm đảm bảo nền kinh tế không bị đô la hóa và nhấn mạnh rằng việc đưa đồng đô la vào hệ thống thanh toán quốc gia đã hoạt động như một “van thoát hiểm cho các hoạt động thương mại, thỏa mãn nhu cầu của các tác nhân quan trọng trong đời sống kinh tế”. Ông Maduro khẳng định khoảng 77,3 giao dịch thương mại của Venezuela trong năm 2020 được thực hiện bằng đồng Bolivar, trong khi việc thanh toán bằng đồng USD chỉ chiếm 18,6% và tuyên bố “Venezuela có chính sách tài chính độc lập, không giống như Ecuador hay Panama vốn lệ thuộc vào đồng USD. Chúng tôi sẽ quyết tâm bảo vệ đồng Bolivar”.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)