Kinh tế Tuyên Quang xếp thứ ba tại vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

0
59
Năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu GRDP đạt 9,01%. (Ảnh: Lê Hanh)

2024 là Tuyên Quang phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là dịch vụ, du lịch.

Trong năm, tất cả 20/20 chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 9,02% (xếp thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ và xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố cả nước).

Thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 4.099 tỷ đồng, tăng 33,1% so với năm 2023; GRDP bình quân đầu người ước đạt 61,92 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 23.730 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt trên 11.330 tỷ đồng, tăng 4,85% so với năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 35.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Năm vừa qua, Tuyên Quang đã tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, mở rộng không gian, động lực, thúc đẩy sự phát triển; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm. Đơn cử như: Khánh thành và đưa vào sử dụng đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đến trung tâm huyện Yên Sơn; cầu Bạch Xa (huyện Hàm Yên); cầu Xuân Vân (huyện Yên Sơn)…

Năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu thu ngân sách Nhà nước đạt 5.405 tỷ đồng; GRDP đạt 9,01%; GRDP bình quân đầu người đạt 65,76 triệu đồng/người/năm; trồng mới 9.700 ha rừng tập trung; thu hút trên 3 triệu lượt khách du lịch…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng, để đạt được những mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 ngay từ đầu năm, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Song song với đó, hoàn thành đưa vào sử dụng cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ; đường Hồ Chí Minh đoạn chợ Chu – ngã ba Trung Sơn.

Bên cạnh đó, thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần  kinh tế tham gia vào đầu tư, phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Phát triển hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh phục vụ chuyển đổi số; tiếp tục phát triển hạ tầng hạ tầng mạng lưới viễn thông tập trung chuyển dịch theo hướng hạ tầng số đáp ứng được nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh; xây dựng và cung cấp dịch vụ 5G tại thành phố Tuyên Quang, khu vực trung tâm các huyện và các khu, điểm du lịch, khu, cụm công nghiệp, các khu tập trung đông dân cư, các khu dịch vụ.

“Tỉnh cũng sẽ giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai đúng tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm. Qua đó, tỉnh phấn đấu có thêm 13 dự án đưa vào hoạt động như: Nhà máy thuỷ điện Yên Sơn; Nhà máy sản xuất giày Kiến Xương Tuyên Quang; Nhà máy gỗ huyện Yên Sơn; Nhà máy may công nghệ cao Hàm Yên Tuyên Quang LGG 3…”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; giữ vững, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (Par Index), Chỉ số hài lòng (Sipas), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Đặc biệt, hướng tín dụng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; đầu tư vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cho vay để phát triển bền vững sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here