Kinh tế tuần hoàn: cơ hội, thách thức và giải pháp cho Việt Nam

0
54
Hải Phòng là một trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước. (Nguồn: Haiphongport)

Mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng của nhiều quốc gia. Nếu như mô hình kinh tế truyền thống chỉ quan tâm tới việc khai thác tài nguyên trong sản xuất thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng tròn khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn cho Việt Nam để phát triển kinh tế bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Việt Nam cần có giải pháp cụ thể để có thể tận dụng cơ hội và giải quyết các thách thức đặt ra khi phát triển kinh tế tuần hoàn.

  1. Khái niệm kinh tế tuần hoàn:

Theo William McDonough (2018), kinh tế tuần hoàn (Circular Economy)  mô tả một hệ thống kinh tế dựa vào các mô hình kinh doanh thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” bằng việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi các nguyên liệu trong các quá trình sản xuất/phân phối và tiêu dùng ở các cấp độ vi mô (sản xuất, các doanh nghiệp, người tiêu dùng), cấp độ trung gian (ví dụ như các khu công nghiệp sinh thái), cấp độ vĩ mô (thành phố, vùng, quốc gia và rộng hơn nữa), với mục tiêu đạt được phát triển bền vững với ngụ ý đảm bảo chất lượng môi trường tốt, sự thịnh vượng về kinh tế và công bằng xã hội, đáp ứng lợi ích hiện tại và tương lai.

Trong khi đó, các mô hình phát triển kinh tế truyền thống – kinh tế tuyến tính (Linear Economy), dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, thông qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường, với các mô hình này dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn”, trong đó tài nguyên đầu vào, chất thải, khí thải và năng lượng được tối thiểu hóa ngay từ trong quy trình sản xuất và tiêu dùng từ thiết kế, bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tân trang và tái chế lâu dài dựa trên động lực kinh tế, hướng đến một nền kinh tế phát thải bằng không. Trong kinh tế tuần hoàn, việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức như sửa chữa (repair), tái sử dụng (reuse), tái chế (recycle) và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ (sharing) hoặc cho thuê (leasing).

Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn giúp đáp ứng các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tiếp cận chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn mang lại những lợi ích trong bối cảnh khan hiếm tài nguyên, biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, cách tiếp cận này không chỉ là những điều chỉnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của nền kinh tế truyền thống - kinh tế tuyến tính mà còn là một sự thay đổi hệ thống tạo ra khả năng phục hồi lâu dài, cơ hội kinh doanh cũng như mang lại những lợi ích môi trường và xã hội. Đồng thời, đây cũng là tiền đề để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs 2030) thông qua bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, như giảm tỷ lệ về “suy giảm” tài nguyên, gìn giữ cho đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai; nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất để hỗ trợ thực hiện 100% tỷ lệ tái chế chất thải thành nguyên liệu.

Đây là con đường hướng đến nền kinh tế các-bon thấp, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nặng. Tính toán của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, kinh tế tuần hoàn thông qua việc đo lường, kiểm soát các hoạt động từ phía nhu cầu có thể giúp giảm hơn một nửa lượng khí thải phát ra từ các ngành công nghiệp.

  1. Việt Nam và kinh tế tuần hoàn:

  Từ thực tế trên, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều bước chuyển đổi hướng đến phát triển nhanh và bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn như: Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2010-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 41-NQ-TW ngày 15/11/2004  của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 24-NQ-TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường 2014; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn 2018…

Đặc biệt, trong Luật Bảo vệ môi trường (Luật số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020) đã có một điều khoản về kinh tế tuần hoàn (Điều 142), trong đó kinh tế tuần hoàn được xác định là mô hình kinh tế mà trong đó, các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường.

Việt Nam đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện, đem lại hiệu quả nhất định như mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ… mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm) tạo ra Chitosan và SSE; sáng kiến không thải rác ra thiên nhiên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khởi xướng, sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang… Trong ngành nông nghiệp, mô hình vườn – ao – chuồng, mô hình nuôi tuần hoàn hữu cơ, mô hình thu hồi năng lượng từ chất thải… các các giải pháp chống ô nhiễm môi trường và góp phần giảm phát thải, giảm hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, để khái quát hóa tiếp cận kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, có thể nhận thấy hiện nay chúng ta chưa có những mô hình kinh tế tuần hoàn đầy đủ đúng nghĩa. Nhưng Việt Nam đang nỗ lực phát triền kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển. Việc chuyển đổi sang mô hình mang lại nhiều cơ hội và cũng đặt ra một số thách thức cho nước ta.

  1. Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam:

3.1 Cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam:

Thứ nhất, kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung của toàn cầu đã được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới, như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Ca-na-đa, Nhật Bản, Trung Quốc, Xin-ga-po…, chính vì vậy Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các nước đi trước và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Thứ hai, chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” góp phần phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững.

Thứ ba, việc khuyến khích và tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh sẽ có nhiều cơ hội cho đầu tư của khu vực tư nhân vào thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.

Thứ tư, chúng ta đã và đang hướng đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng so với cách thức tăng trưởng trước đây.

Thứ năm, áp lực của thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, lượng chất thải lớn, nhất là chất thải nhựa sẽ giảm xuống khi phát triển kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra chúng ta đang thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu các chất gây hiệu ứng nhà kính, vì chúng được thu hồi gần như triệt để, không phát thải ra môi trường. Phát triển kinh tế tuần hoàn chính là cách thức phát triển giúp cho đạt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu yêu cầu của SDGs.

Thứ sáu, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ nhận được sự đồng thuận cao và ủng hộ của xã hội, vì cách thức phát triển này giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

3.2 Một số thách thức đối với Việt Nam:

Một là, khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Hiện nay, Việt Nam còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển như: Quy định trách nhiệm của DN về thu hồi, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…

Hai là, nhận thức về kinh tế tuần hoàn và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Nhận thức đúng về kinh tế tuần hoàn cần được thực hiện từ việc thiết kế tới triển khai đối với từng ngành, từng lĩnh vực và cần được đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo, các cấp quản lý tới từng DN và người dân.

Ba là, nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đối sang phát triển kinh tế tuần hoàn còn yếu. Kinh tế tuần hoàn phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, để giải quyết tốt các vấn đề, từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình.

Bốn là, Việt Nam còn thiếu các DN đủ năng lực về công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội hiện nay đối với nhiều sản phẩm dễ sử dụng như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần sang chỉ sử dụng những vật liệu, sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; các DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ.

  1. Một số giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn:

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện, như: Khuyến khích đầu tư áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua chính sách ưu đãi thuế, phí, lãi suất và đất đai cho các dự án, doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; khuyến khích sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm, cung ứng từ các hoạt động sản xuất – kinh doanh đáp ứng tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ; phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu đô thị sinh thái; thay đổi thói quen người tiêu dùng, thực hiện lối sống bền vững; thúc đẩy tiêu dùng trung gian đối với thị trường nguyên liệu thứ cấp…

  Tóm lại, để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện, cụ thể:

  Thứ nhất, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước. Kinh nghiệm các nước đã và đang thực hiện kinh tế tuần hoàn đều có luật và quy định pháp lý rõ ràng. Việt Nam nên có lộ trình và tiến tới xây dựng luật cho phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nền kinh tế từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập mô hình, tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh Việt Nam và phổ biến rộng rãi đến doanh nghiệp, người dân, các nhà quản lý để có một nhìn nhận đúng và rất thực tiễn.

Thứ ba, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn cần phải dựa trên các mô hình đã có như các mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải) gần với các tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn, cần bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực từ thí điểm đến triển khai nhân rộng

Thứ tư, tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường dựa trên các tiêu chí của hiệu quả đầu tư, khuyên khích doanh nghiệp, người dân nhất là khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Thứ năm, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đó chuyển giao và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0, do vậy cần có cơ chế chính sách cho phát triển công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, chất thải phải là nguồn tài nguyên trong nền kinh tế xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng./.

Mây Nguyễn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here