1. Xuất nhập khẩu của Trung Quốc phục hồi
Ngày 07/8/2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố số liệu cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 7/2020 tăng 6,5%, trong đó xuất khẩu tăng 10,4%, nhập khẩu tăng 1,6%. Trong 07 tháng đầu năm 2020 đạt 17,16 nghìn tỷ NDT (khoảng 2,45 nghìn tỷ USD), giảm 1,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 9,4 nghìn tỷ NDT (giảm 0,9%) và nhập khẩu đạt 7,76 nghìn tỷ NDT (giảm 2,6%).
Tình hình xuất nhập khẩu Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2020 có một số đặc điểm chính, như sau:
(i) Xuất nhập khẩu tăng trưởng dương từ tháng 6/2020. Riêng, trong tháng 7/2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt 2,93 nghìn tỷ NDT (khoảng 418,5 tỷ USD), tăng 6,5% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 1,69 nghìn tỷ NDT (tăng 10,4%); nhập khẩu đạt 1,24 nghìn tỷ NDT (tăng 1,6%);
(ii) Trong 7 tháng đầu năm 2020, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng với kim ngạch 7,83 nghìn tỷ NDT (khoảng 1.118,5 tỷ USD), (tăng 7,2%), chiếm 45,6% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc;
(iii) Trong 7 tháng đầu năm, ASEAN tiếp tục trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với kim ngạch 2,51 nghìn tỷ NDT (khoảng 358,5 tỷ USD), tăng 6,6%, chiếm 14,6% tổng kim ngạch thương mại của nước này; Liên minh châu Âu (EU) xếp thứ 2 với 2,41 nghìn tỷ NDT, tăng 0,1%; Mỹ đứng thứ 3 với 2,03 nghìn tỷ NDT, giảm 3,3%, chiếm 11,8% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc; Nhật Bản đạt 1,22 nghìn tỷ, tăng 1,1%; kim ngạch thương mại với các nước dọc tuyến “Vành đai và Con đường” đạt 5,032 nghìn tỷ NDT, chiếm 29,3% tổng kim ngạch thương mại của nước này.
(iv) Kết cấu thương mại tiếp tục được tối ưu hóa, tổng xuất nhập khẩu thông thường đạt 10,35 nghìn tỷ NDT, giảm 0,5%, chiếm 60,3% tổng kim ngạch ngoại thương, tăng 0,7 điểm % so với cùng kỳ;
(v) Trong tháng 7/2020, xuất khẩu một số mặt hàng như dệt may, cơ điện tăng mạnh: các mặt hàng truyền thống tập trung sức lao động như hàng dệt may (tăng 54,5%) so với cùng kỳ; các sản phẩm cơ điện (tăng 13,7%); ngoài ra, Trung Quốc tăng nhập khẩu các mặt hàng như quặng sắt (tăng 11,8%), đậu nành (17,7%), dầu thô (12,1%), than (tăng 6,8%), khí tự nhiên (tăng 1,9%).
2. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng
Ngày 07/8/2020, Cục Dự trữ ngoại hối Trung Quốc cho biết, tính đến cuối tháng 7/2020, quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt 3.154,4 tỷ USD, tăng 42,1 tỷ USD so với cuối tháng 6/2020 (tăng 1,4%), duy trì tăng trưởng liên tiếp trong 4 tháng.
Người phát ngôn của Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc Vương Xuân Anh cho rằng trong tháng 7/2020, thị trường ngoại hối của Trung Quốc hoạt động ổn định, cung và cầu ngoại hối về cơ bản cân bằng. Các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu đã có những chính sách kích thích tài khóa và duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Trên thị trường tài chính quốc tế, chỉ số đồng USD giảm nhẹ và giá tài sản của các nước lớn tăng. Do tác động của các yếu tố như chuyển đổi tỷ giá hối đoái, thay đổi giá tài sản nên quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng.
Ông Vương Xuân Anh cho rằng hiện tình hình dịch bệnh toàn cầu và tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhân tố bất ổn, không xác định gia tăng. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc đạt được kết quả tích cực, hoạt động kinh tế dần khôi phục bình thường. Thời gian tới, Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển chất lượng cao, với khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ, việc hình thành cục diện phát triển mới, phát triển mô hình “tuần hoàn kép” với “tuần hoàn trong nước” là chính, tuần hoàn trong nước và quốc tế cùng phát triển sẽ tiếp tục hỗ trợ sự ổn định chung của dự trữ ngoại hối.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)