Vượng báo (Đài Loan) ngày 24/01/2019 đăng bài phân tích của Giáo sư Khoa tài chính tiền tệ kiêm Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu tiền tệ hai bờ Đại học Đạm Giang/TamKang University (Đài Loan) Lý Nhiêu Tường:
Cục thống kế nhà nước Trung Quốc công bố tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 6,6%, thấp nhất trong 28 năm qua. Trong tình hình đó, dự kiến việc “bốc thang thuốc mạnh” là không thể tránh khỏi; nhưng vấn đề là khi kinh tế giảm tốc đã trở thành trạng thái bình thường thì hiệu quả của thang thuốc mạnh liệu được bao nhiêu?
3 chỉ dấu tiêu cực: (1) Chỉ số PMI ngành chế tạo tháng 12/2018 giảm xuống còn 49,4, lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng 50 kể từ tháng 8/2016, thấp hơn dự báo thị trường; còn chỉ số PMI cùng kỳ do Tin tức tài chính Trung Quốc công bố ngày 02/01/2019 chỉ là 49,7, lần đầu tiên rơi vào vùng suy thoái, xuống dưới ngưỡng 50 kể từ tháng 0/2017, làm cho thị trường hoang mang, cổ phiếu, hối suất chao đảo; (2) Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu tháng 11/2018 giảm còn 5,4%, đến tháng 12/2018 cả hai chiều đều giảm: nhập khẩu giảm còn 7,6%, mức giảm thấp nhất trong vòng 2 năm rưỡi qua, xuất khẩu giảm còn 4,4%, cũng là mức giảm thấp nhất trong vòng 2 năm qua; (3) Đầu tháng 1/2019 khá hiếm gặp khi Apple hạ dự báo doanh thu quý I, chủ yếu xét đến kinh tế Trung Quốc từ nửa cuối 2018 bắt đầu giảm tốc, cộng thêm tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, tiêu thụ điện thoại thông minh khu vực Đại Trung hoa sụt giảm rõ rệt. Yếu tố khác như doanh nghiệp tư nhân phá sản, đóng cửa, nợ quá hạn của doanh nghiệp tăng lên, kể cả doanh nghiệp nhà nước “Gang thép Bột Hải”-top 500 thế giới, sau 2 năm rơi vào khủng hoảng nợ gần 200 tỉ NDT, cũng tuyên bố phá sản, cơ cấu lại.
Thang thuốc mạnh hỗ trợ duy trì ổn định nhưng khó thay đổi chiều hướng. Tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu là cỗ xe tam mã thúc đẩy kinh tế Trung Quốc, đương nhiên cũng là trọng điểm cho thang thuốc mạnh. Thực tế, phía Trung Quốc đã sớm biết kinh tế chắc chắn sẽ giảm tốc, đầu tháng 10/2018 Quốc Vụ viện đã công bố phương án hoàn thiện thể chế, cơ chế thúc đẩy tiêu dùng, hy vọng qua đó mở rộng nội nhu, kích thích tiêu dùng nhưng e rằng thực tế không được như mong muốn. Bởi vì, trong tình hình giá nhà Trung Quốcc đứng ở mức cao không xuống, tiền thuê tăng và tiền lương tăng chậm sẽ làm suy yếu khả năng tiêu dùng các sản phẩm khác. Thứ đến, tỉ lệ đòn bẩy gia đình của Trung Quốc đã đạt đến 110,9%, vượt qua Mỹ; hơn nữa tỉ lệ nợ gia đình trên GDP tăng lên từng năm. “Báo cáo sức khỏe tài sản gia đình thành phố Trung Quốc năm 2018” của Ngân hàng Quảng Phát cho thấy, ở Trung Quốc có đến 80% tài sản đều nằm ở bất động sản, thu hút quá nhiều thanh khoản gia đình đã dẫn đến chèn ép tiêu dùng gia đình. Tiếp nữa, CPI năm 2018 tăng 2,1%, lần đầu tiên vượt trên 2% trong vòng 4 năm qua, thể hiện áp lực lạm phát tăng cao. Theo đó, chính sách kích thích tiêu dùng tất yếu bị triệt tiêu ít nhiều, khó phát huy tác dụng trong ngắn hạn. Mấy năm gần đây, do tiền lương không ngừng tăng lên, giá thành lao động tăng, dẫn đến đầu tư không ngừng suy giảm; trong thời gian tới, lực lượng lao động giảm dần từng năm thì đầu tư càng khó khăn.
Quốc Vụ viện 2018 tuyên bố thực hiện “giảm thuế, giảm phí”, đầu tháng 1/2019 lại tuyên bố sẽ đưa ra một loạt biệt pháp giảm thuế diện rộng mới đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thực hiện trong 3 năm, dự kiến mỗi năm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khoảng 200 tỉ NDT. Nhưng có học giả cho rằng, các biện pháp này có thể chỉ có tác dụng khích lệ đối với một số doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, sẽ không có tác dụng thực chất quá lớn. Còn để thị trường đủ thanh khoản, từ 2018 đến nay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã 5 lần giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, tổng cộng đã giải phóng lượng vốn gần 3850 tỉ NDT, thực sự đã có hiệu quả duy trì ổn định.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, GDP năm 2018 đạt gần 13300 tỉ USD, chiếm 16% tổng lượng toàn cầu; đóng góp vào kinh tế thế giới gần 30%. Tuy nhiên, xét đến các “chứng bệnh” và “xu thế” như nợ đọng khổng lồ, giá thành lao động tăng, lực lượng lao động và dân số vàng giảm dần từng năm, sản xuất dư thừa trong thời gian dài đang chờ tiêu hóa, chiến tranh lạnh lâu dài Mỹ-Trung thì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng giảm tốc sẽ trở thành xu thế bình thường, tác động đối với tăng trưởng của kinh tế thế giới và các nước không thể xem thường, chính phủ và doanh nghiệp các nước cần sớm có biện pháp ứng phó.
Tin từ Văn phòng KT-VH Việt Nam tại Đài Bắc.