Tin Kinh tế Trung Quốc

0
58
(Internet)
(Internet)

1. Trung Quốc dự thảo Luật chống độc quyền để kiềm chế sức mạnh của các công ty công nghệ

Theo Financial Times, website của Tổng Cục quản lý và giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc mới đây đã công bố dự thảo trưng cầu ý kiến “Hướng dẫn chống độc quyền trong lĩnh vực kinh tế nền tảng”, khiến cổ phiếu tại của các công ty Alibaba, Tencent và Meituan giảm mạnh.

Động thái này được cho là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc nhằm phân định hành vi hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ, đây cũng là hạn chế mới nhất đối với nền tảng kỹ thuật số sau khi Trung Quốc tạm hoãn đợt IPO công khai đầu tiên của Ant Group (công ty công nghệ tài chính thuộc tập đoàn Alibaba) vào tuần trước. Sau khi thông tin được công bố, giá cổ phiếu của Meituan giảm 11%, giá cổ phiếu của Alibaba và Tencent cũng giảm lần lượt là 5% và 4%.

Trước đây, các nhà quản lý Trung Quốc tương đối thờ ơ đối với vấn đề chống độc quyền. Trong khi đó, các công ty công nghệ Trung Quốc lại luôn xây dựng một hệ sinh thái ngày càng khép kín. Ví dụ, người dùng không thể sử dụng WeChat Pay (ứng dụng thanh toán di động của Tencent) để mua sản phẩm trong sàn thương mại điện tử Taobao của Alibaba hoặc việc chia sẻ các link sản phẩm của Taobao trong WeChat cũng không thuận tiện.

Dự thảo trưng cầu ý kiến mới là lần đầu tiên Tổng Cục quản lý và giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc nhắm trực tiếp vào các hành vi hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực Internet.

Scott Yu, chuyên gia chống độc quyền tại Công ty Luật Trung Luân nhận định, “Điều này sẽ làm thay đổi cục diện cạnh tranh của các công ty internet Trung Quốc”.

Các hành vi mà các cơ quan quản lý sẽ chấn chỉnh bao gồm: sử dụng các điều khoản độc quyền để cản trở cạnh tranh, đối xử phân biệt với người tiêu dùng dựa trên hành vi và dữ liệu tiêu dùng của họ, buộc người tiêu dùng phải “mua kèm” sản phẩm.

Dự thảo được công bố trong bối cảnh các công ty công nghệ Trung Quốc ngày càng giành nhiều quyền kiểm soát về tỷ trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Doanh số của Alibaba chiếm gần 1/5 doanh số hàng tiêu dùng của Trung Quốc, trong khi Amazon chỉ chiếm khoảng 5% doanh số bán lẻ của Mỹ.

Lương Khải Đức, luật sư Công ty Luật Asherst tại Hồng Kông, cho rằng điều này cũng phù hợp với xu hướng toàn cầu về việc các cơ quan quản lý áp dụng các biện pháp đối với công ty công nghệ lớn. Lương Khải Đức nhận định: “Chính phủ Trung Quốc dường như đã quyết định thực hiện các biện pháp tích cực hơn để kiềm chế sức mạnh và vị thế chi phối xã hội của các nền tảng internet lớn”.

Tuần trước, sau khi công bố Dự thảo quy tắc mới về các khoản vay trực tuyến, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã dừng phát hành công khai lần đầu (IPO) trị giá 37 tỷ USD của Ant Group. Tháng 10/2020, Trung Quốc cũng đã công bố dự thảo Luật bảo vệ thông tin cá nhân. Ngoài ra, Luật kiểm soát xuất khẩu các vật liệu và công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc cũng sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2020.

Ngành thương mại điện tử của Trung Quốc từ lâu đã được biết đến với cạnh tranh gay gắt và hành xử độc đoán. Ví dụ, một số cửa hàng trực tuyến cho biết Alibaba không công bằng khi buộc họ chỉ được bán hàng trên nền tảng của Alibaba. Cách làm này tại Trung Quốc được gọi là “chọn một trong hai”. Quy định mới coi cách làm “chọn một trong hai” là hành vi độc quyền.

Vu Kiếm Hoa, Luật sư Công ty luật Đại Bang (Thượng Hải) nhận định, điều này thể hiện thái độ của Trung Quốc, chính phủ đang cố gắng kiểm soát các công ty công nghệ, chính phủ có đủ biện pháp để làm được điều này.

2. Trung Quốc tăng cường cải cách, tối ưu hóa môi trường kinh doanh

Mới đây, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành “Kế hoạch phân công nhiệm vụ trọng điểm trong Hội nghị trực tuyến về việc toàn quốc tăng cường cải cách “phân quyền, quản lý, phục vụ” và tối ưu hóa môi trường kinh doanh” (Kế hoạch).

 Kế hoạch xác định rõ 25 nhiệm vụ trọng điểm trên năm phương diện, cụ thể như sau:

(i) Kết hợp thực hiện tốt các chính sách vĩ mô với việc tăng cường cải cách “phân quyền quản lý, phục vụ”, nâng cao tính kịp thời, chính xác trong thực hiện các chính sách vĩ mô. Cơ chế hóa các biện pháp tốt trong thực hiện cơ chế phân bổ trực tiếp ngân sách tài chính xuống cấp cơ sở, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế, phí. Tạo thuận lợi hơn nữa về huy động vốn cho doanh doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ổn định và mở rộng việc làm, đơn giản hóa các thủ tục việc làm của sinh viên tốt nghiệp.

(ii) Giải phóng sức sống, sức sáng tạo. Phân loại thúc đẩy cải cách hệ thống phê duyệt hành chính bằng, biên soạn và công bố danh mục cấp phép hành chính ở cấp trung ương, cắt giảm các phê duyệt trùng lặp, xóa bỏ các phê duyệt không cần thiết.

(iii) Quản lý công bằng và chất lượng. Cải thiện các biện pháp có hiệu quả như giám sát “hai ngẫu nhiên kép, một công khai”[1], giám sát tín dụng, “internet + giám sát”, giám sát liên ngành, đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn giám sát trong các lĩnh vực.

(iv) Dịch vụ thuận tiện, giá cả hợp lý. Thực hiện “xử lý thủ tục hành chính trực tuyến”, cho phép doanh nghiệp và người dân lựa chọn hình thức xử lý trực tuyến hoặc truyền thống.

(v) Phát huy tính tích cực của các bên, hình thành sức mạnh thúc đẩy cải cách.

3. Tổng số lượng tài chính cam kết của các nhãn hiệu và sở hữu trí tuệ của Trung Quốc có thể vượt 200 tỷ Nhân dân tệ năm 2020

Phát biểu tại Hội chợ Sản phẩm và Công nghệ Sáng chế quốc tế Trung Quốc lần thứ 12, Giám đốc Văn phòng Sở hữu trí tuệ Nhà nước Trung Quốc Shen Changyu cho biết, tổng số lượng tài chính cam kết của các nhãn hiệu và sở hữu trí tuệ của Trung Quốc trong năm 2020 được dự báo vượt quá 200 tỷ Nhân dân tệ (NDT) (30,16 tỷ USD); việc xây dựng Định hướng phát triển Sở hữu trí tuệ (IP) và Kế hoạch năm năm lần thứ 14 đang được đẩy nhanh, giúp tăng cường hơn nữa tiến trình chuyển đổi IP và phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp dựa nhiều vào các sáng chế.

Tháng 5/2020, chính quyền trung ương Trung Quốc ban hành hướng dẫn đẩy nhanh đổi mới hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, trong đó nêu rõ cần thiết phải cải tiến các quy định liên quan đến sáng tạo, sử dụng, giao dịch và bảo vệ IP. Theo Shen, liên quan đến việc sử dụng IP, Trung Quốc đã phối hợp thúc đẩy thiết lập một cơ chế, xây dựng một nền tảng và thúc đẩy nhiều nhiệm vụ trong ngành công nghiệp này; khả năng sử dụng IP đã không ngừng được nâng cao và lợi ích tiếp tục gia tăng.

Theo số liệu chính thức, trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng tài chính cam kết của các nhãn hiệu và sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đạt 166,4 tỷ NDT (25,09 tỷ USD) tăng 35% so với cùng kỳ năm 2019; từ tháng 01-08/2020, tổng dung lượng xuất nhập khẩu bản quyền IP ở Trung Quốc đạt 193 tỷ NDT (29,11 tỷ USD), tăng 4,2% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 37 triệu NDT (5,58 tỷ USD) tăng 26,4 % so với cùng kỳ.

[1] Hai ngẫu nhiên, một công khai: lựa chọn ngẫu nhiên đối tượng kiểm tra, lựa chọn ngẫu nhiên thanh tra viên; công khai tình hình kiểm tra và kết quả cho công chúng.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here