1. Đã có 27/31 tỉnh/thành/khu tự trị của Trung Quốc công bố tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm
Đến nay, đã có 27/31 tỉnh/thành, khu tự trị của Trung Quốc công bố tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm. Quảng Đông, Giang Tô và Sơn Đông là 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về tổng lượng kinh tế, trong đó có 14 tỉnh có tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 2%. Tỉnh Quý Châu có mức tăng trưởng cao nhất cả nước, đạt 3,2%.
Tỉnh Quảng Đông đứng đầu cả nước với GDP đạt 7.839,7 tỷ NDT (khoảng 1.152,8 tỷ USD), tăng 0,7% so với cùng kỳ; Giang Tô đứng thứ 2, đạt 7.380,8 tỷ NDT (khoảng 1.085,4 tỷ USD), tăng 2,5%; Sơn Đông ở vị trí thứ 3 đạt 5.218,6 tỷ (khoảng 767,4 tỷ USD), tăng 1,9%, cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.
Tỉnh Quý Châu GDP đạt 1.265 tỷ NDT (khoảng 186 tỷ USD), tăng 3,2%, hiện là tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng trong số các tỉnh/ thành công bố. Hiện Quý Châu đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và đô thị hóa.
GDP Hồ Bắc – tâm điểm của dịch Covid-19 giảm 10,4%, tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất cả nước, tuy nhiên đã thu hẹp so với mức giảm 19,3% trong 6 tháng đầu năm. Nếu so với năm 2019, tỉnh Hồ Bắc từ vị trí thứ 7 trong số các tỉnh/thành ở trong nước, rút xuống đứng vị trí thứ 10 về tổng lượng GDP trong 6 tháng đầu năm 2020, dự kiến đứng thứ 8 về GDP trong năm 2020. Ngoài ra, dự kiến tổng lượng GDP của các tỉnh Phúc Kiến, Hồ Nam, An Huy đều tăng so với năm 2019.
Xét về vùng miền, các tỉnh miền Tây có tốc độ tăng trưởng ấn tượng hơn. Các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như Quý Châu, Tây Tạng, Cam Túc và Ninh Hạ, Thanh Hải. Những địa phương này phụ thuộc ít vào ngoại thương, nên ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 ít hơn so với khu vực miền Đông.
2. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Mỹ đạt kỷ lục
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 9/2020, Trung Quốc nhập khẩu 3,9 triệu tấn dầu thô từ Mỹ, đạt mức cao kỷ lục, tăng hơn 100% so với cùng kỳ. Theo dữ liệu thương mại của Refinitiv, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 6,21 triệu tấn dầu thô từ Mỹ trong tháng 10-11/2020.
Nhập khẩu dầu thô từ Brazil đạt 4,49 triệu tấn, tăng mạnh so với mức 2,96 triệu tấn cùng kỳ. Brazil thay thế Iraq trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba của Trung Quốc, Iraq tụt xuống thứ năm, Mỹ xếp thứ tư. Từ tháng 1-9/2020, Trung Quốc đã nhập khẩu 33,69 triệu tấn dầu thô từ Brazil, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Trong tháng 7/2020, công ty dầu khí Petrobras (Brazil) cho biết, Trung Quốc chiếm 70% lượng dầu xuất khẩu của Brazil.
Dữ liệu cho thấy, trong tháng 9/2020, Saudi Arabia đã lấy lại vị thế là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất sang Trung Quốc, sau hai tháng liên tục xếp sau Nga. Trong tháng 9/2020, Trung Quốc nhập khẩu 7,78 triệu tấn dầu thô từ Saudi Arabia, tương đương 1,89 triệu thùng/ngày, tăng mạnh so với mức 1,24 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2020.
Theo Reuters, trong tháng 9/2020, Nga đã xuất khẩu 7,48 triệu tấn dầu thô sang Trung Quốc, tương đương 1,82 triệu thùng/ngày, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Nga đứng đầu danh sách các nước xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc với tổng lượng 64,62 triệu tấn, cao hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái; Saudi Arabia xuất khẩu 63,57 triệu tấn dầu thô sang Trung Quốc, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
3. Thị trường trái phiếu tăng trưởng nhanh
Trong 9 tháng đầu năm 2020, lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng 13%, do các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đồng thời, giá dầu thấp cũng khiến lượng dự trữ dầu tăng nhanh.
Chủ tịch Bloomberg Peter Grauer nhận định thị trường trái phiếu của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng thời gian qua và ngày càng trở thành bộ phận quan trọng và năng động của thị trường toàn cầu; cho biết mức độ giao dịch các trái phiếu mệnh giá Nhân dân tệ của các nhà đầu tư nước ngoài luôn đạt đỉnh mới và thị trường trái phiếu của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn trưởng thành.
Theo ông Peter Grauer, việc tạo lập một môi trường quản lý giám sát minh bạch và việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ là những xu hướng tích cực biến Trung Quốc thành một thị trường trái phiếu đáng để đầu tư; điều đáng khích lệ là các cơ quan quản lý giám sát của Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực tạo thuận lợi cho việc mở rộng phát triển thị trường hơn nữa và tăng cường sự tiếp cận đối với chứng khoán phái sinh và tài chính công nghệ. Bloomberg sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy hơn nữa quá trình quốc tế hóa thị trường trái phiếu Trung Quốc trong tháng 11/2020 khi hoàn thành việc đưa Trung Quốc vào chỉ số Bloomberg Barclays Global Aggregate Index.
Chứng khoán của Trung Quốc khi đó sẽ chiếm 6% chỉ số và trái phiếu bằng đồng nội tệ Trung Quốc sẽ trở thành cấu phần tiền tệ lớn thứ 4 sau đồng đô la Mỹ, Euro và đồng Yên. Ông Peter Grauer nhấn mạnh việc Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường tài chính bất chấp môi trường toàn cầu bất chắc đem lại những cơ hội lâu dài cho các nhà đầu tư toàn cầu và các tổ chức tài chính ở Trung Quốc.
Trong một tin khác, người sáng lập tập đoàn Alibaba Jack Ma cho biết việc tập đoàn tài chính công nghệ khổng lồ Ant Group niêm yết kép tại cả thị trường chứng khoán Hồng Công và Thượng Hải có thể là một hoạt động niêm yết lớn nhất trong lịch sử; đây cũng là lần đầu tiên việc định giá của một tập đoàn công nghệ lớn được quyết định ở bên ngoài New York, một điều vượt ngoài sức tưởng tượng 3 năm trước đây, cho thấy những thay đổi phi thường đang diễn ra trên thế giới.
Theo báo cáo, việc niêm yết kép của Ant Group trị giá 35 tỷ USD vượt thành tích niêm yết của Saudi Aramco trị giá 29,4 tỷ USD tháng 12/2019. Theo Jack Ma, hệ thống tài chính toàn cầu được thiết lập sau Chiến tranh thế giới 2 là trì trệ và chỉ tập trung chống rủi ro.
Hệ thống làm mọi việc để chống rủi ro và làm ngơ trước các cơ hội phát triển cho tầng lớp thanh niên và cho các nước đang phát triển, điều vốn là nguồn gốc của nhiều vấn đề trên thế giới hiện nay. Một ví dụ điển hình là việc Ủy ban giám sát ngân hàng Basel đã hạn chế đổi mới sáng tạo của Châu Âu trong các lĩnh vực công nghiệp bao gồm số hóa tài chính. Jack Ma cho rằng, sau Chiến tranh thế giới 2, các nhà lãnh đạo đã có tầm nhìn xây dựng một hệ thống tài chính cho tương lai và đó chính là hệ thống thế giới đang vận hành ngày nay; và ngày nay thế giới phải có trách nhiệm tương tự trong việc đổi mới hệ thống hiện hành cho những người trẻ, những thế hệ tương lai.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)