Báo cáo mới nhất của Tổ chức Standard & Poor cho rằng, trong 40 năm mở cửa và cải cách, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc thời kỳ đầu đều là 2 con số, trong 5-10 năm gần đây trong khoảng 7-10%, hai năm gần đây phấn đấu giữ ở mức 7% hoặc 6%; tuy nhiên dự đoán trong 10 năm tới có thể rơi xuống 4,6%, loay hoay trong phạm vi 5%. Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức S&P ông Shaun Roache cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có thể sẽ buộc hoặc khuyến khích Trung Quốc có xu hướng tự lực cánh sinh, sẽ làm giảm bước đi của Trung Quốc trong việc giành được, phát minh và ứng dụng kỹ thuật, dẫn đến giảm tốc độ nâng cao năng suất, mà năng suất chính là lực đẩy cuối cùng mà kinh tế Trung Quốc có thể dựa vào.
Dự báo trong tương lai, kinh tế Trung Quốc càng bản địa hoá thì tốc độ tăng trưởng càng chậm lại. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc S&P cho thấy, từ năm 1980 trở lại đây, năng suất của ngành chế tạo và ngành khoa học công nghệ Trung Quốc cao hơn rõ rệt ngành dịch vụ; tuy tỉ trọng ngành dịch vụ trong nền kinh tế Trung Quốc đang tăng lên nhưng chủ yếu nhờ vào sự tăng lên của số người được thuê làm trong ngành dịch vụ, trong khi 10 năm tới dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ giảm đi, nước này sẽ không còn có thể dựa vào sức lao động để tăng trưởng trong ngành này. Khi đứng trước thách thức cơ cấu dân số, Trung Quốc sẽ cần tìm biện pháp khác nâng cao tốc độ tăng năng suất lao động, mà kỹ thuật có thể giúp nâng cao năng suất, bao gồm nhập khẩu kỹ thuật nước ngoài. Theo đó, về công nghệ cao, Trung Quốc vẫn lạc hậu so với các nước tiên tiến, trong tương lai có thể thông qua hai con đường là bản địa hoá và phát minh sáng chế để phá vây. Ông Shaun Roache bày tỏ không nghi ngờ việc Trung Quốc có thể dựa vào sức mạnh của mình để đến một ngày sẽ vươn lên hàng đầu về công nghệ, nhưng điều này sẽ đòi hỏi thời gian. Mặc dù một số sản phẩm kỹ thuật then chốt, chẳng hạn bán dẫn, Trung Quốc vẫn phải dựa vào ngành doanh nghiệp cung ứng nước ngoài, nhưng ở rất nhiều sản phẩm kỹ thuật khác Trung Quốc vẫn duy trì vị trí cạnh tranh mạnh mẽ. Ông cũng nhận định, Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cải cách có trọng điểm, tiệm tiến, trong khi cạnh tranh Mỹ – Trung xoay quanh lĩnh vực kỹ thuật và thương mại sẽ đi vào bế tắc, điều này có nghĩa là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm tốc từng bước chứ không phải đột ngột./.
(Nguồn: Văn phòng Kinh tế – Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc, theo Vượng Báo)