Cựu Thứ trưởng Tài chính Nga Sergey Aleksashenko mới đây đã chỉ ra những bất cập trong các biện pháp mà Chính phủ Nga áp dụng trong thời kỳ khủng hoảng kép hiện nay, đồng thời đề xuất những giải pháp giúp Nga sống sót qua cuộc khủng hoảng, trong bài phân tích đăng tải trên Business-gazeta.ru.
Mọi thứ không đến nỗi tệ?
Cuộc khủng hoảng hiện nay được cho là có một không hai, bởi nó phát sinh không phải từ sự mất cân bằng tự nhiên nảy sinh từ bên trong nền kinh tế của một quốc gia. Cuộc khủng hoảng gần đây nhất xảy ra vào năm 2008 khi hệ thống ngân hàng Mỹ không chống đỡ được những rủi ro tài chính và lan rộng ra khắp nền kinh tế. Lần này, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng rõ ràng không chỉ thuần túy là cuộc khủng hoảng kinh tế, mà còn là cuộc khủng hoảng y tế. Do đó, một mặt, các quy luật của suy thoái kinh tế sẽ được nhận diện. Mặt khác, chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm đồng bộ và gần như tức thời trong nền kinh tế của các nước phát triển.
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ mức độ lan rộng của dịch bệnh, mọi người có thể có được miễn dịch hay không, dương tính trở lại với SARS-CoV-2 như thế nào, liệu có thể tìm ra một loại vaccine hay không, bao nhiêu người đang mang trong mình căn bệnh này nhưng không có biểu hiện triệu chứng… Tất cả những gì mà chúng ta nói về cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng trong tương lai hoàn toàn chỉ dựa trên giả thuyết. Chính quyền các nước hiểu rất rõ rằng không thể đồng thời loại bỏ tất cả các hạn chế đi lại. Do đó, một tình huống mâu thuẫn đang được đặt ra: các hạn chế đi lại được duy trì, nhưng các hoạt động dân sinh và nền kinh tế cần phải được dần khởi động lại, đồng thời cần xem xét kinh nghiệm của những nước láng giềng. Mỗi nước thử nghiệm một chiến thuật khác nhau: Một số nước bắt đầu mở cửa lại các cửa hàng và điểm phục vụ nhu cầu xã hội thiết yếu, một số nước bắt đầu mở cửa lại trường học và nhà trẻ. Thành phố Bắc Kinh dỡ bỏ kiểm dịch đối với những người đến từ các khu vực khác có tình hình dịch tễ học ổn định. Vì vậy, trong mọi trường hợp, phục hồi kinh tế cần ít nhất một năm rưỡi. Một số lĩnh vực kinh tế như vận tải hàng không, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng phải mất từ 2 đến 4 năm và có thể lâu hơn để có thể phục hồi.
Rõ ràng, đối với một quốc gia rộng lớn như Nga, việc quyết định các biện pháp hạn chế nào được áp dụng và không áp dụng, khi nào nên loại bỏ chúng và theo trình tự nào sẽ không thể được đưa ra từ Moskva và không thể áp dụng đồng thời cho tất cả các bang. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump muốn cởi trói hoạt động kinh tế trong cả nước, nhưng các cố vấn đã thuyết phục được ông chủ Nhà Trắng rằng điều này sẽ không hiệu quả. Quả thực, tại một số bang, dịch bệnh đã giảm được 2-3 tuần và các hệ thống y tế đang đối phó hiệu quả với nó, trong khi ở một số bang khác, dịch bệnh vẫn đang gia tăng. Ngay cả ở New York tình hình căng thẳng dường như đang giảm, nhưng số ca nhiễm bệnh mới vẫn còn rất lớn. Ở Nga cũng xảy ra điều tương tự: Moskva là tâm dịch và cũng có những khu vực có số lượng ca bệnh rất thấp, thậm chí chỉ có một vài trường hợp. Phải chăng do người dân không được xét nghiệm? Các thống đốc nhận thức rõ hơn về những gì đang xảy ra tại khu vực của họ, vì vậy quyết định của Tổng thống Vladimir Putin chuyển trách nhiệm sang các Thống đốc là khá hợp lý, bất kể hệ thống quyền lực ở Nga được cấu trúc như thế nào.
Việc Chính quyền Nga sau khi chuyển giao trách nhiệm cho các khu vực nhưng lại không muốn phân bổ thêm tiền cho họ, hoàn toàn phù hợp với tâm lý chung của Điện Kremlin, đó là không muốn chi tiền cho bất kỳ ai trong cuộc khủng hoảng này. Nếu nhìn vào số liệu thống kê của Rosstat (Cơ quan thống kê Liên bang Nga) được công bố trong thời gian gần đây, thì trong quý I/2020, không có thiệt hại nghiêm trọng về người được ghi nhận. Tuy nhiên, do không có thống kê hàng tuần kịp thời và đầy đủ thì không có cơ sở để hiểu những gì đang thực sự xảy ra trong nền kinh tế. Trong khi đó, Chính quyền Nga cho rằng không cần thiết phải chi tiền nếu mọi thứ đều tốt. Không rõ liệu họ đang chờ đợi một lựa chọn thậm chí còn tồi tệ hơn hay đơn giản chỉ vì họ cảm thấy tiếc tiền.
Kinh tế thời chiến của Nga
Bức tranh kinh tế đang hết sức ảm đạm với nhiều tham số khó có thể dự đoán như giá dầu, khối lượng dầu xuất khẩu, khối lượng dầu sản xuất và xuất khẩu, tỷ giá hối đoái, lạm phát, suy giảm kinh tế, thu thuế giá trị gia tăng, giảm nhập khẩu, giảm thu nhập hộ gia đình và thuế thu nhập ở các khu vực. Ngay trong tháng 5-6/2020, ngân sách liên bang và khu vực có thể phải đối mặt với nguồn thu sụt giảm. Năm nay, mức thâm hụt trong cả ngân sách liên bang và khu vực sẽ rất lớn. Nếu giả định rằng nguồn thu ngân sách vào các tháng 5-6-7 sẽ giảm 50% và sau đó nền kinh tế sẽ bắt đầu tăng chậm và nguồn thu thuế sẽ được cải thiện, thì rõ ràng có thể hiểu được rằng chỉ trong một vài quý Nga có thể chi cạn Quỹ phúc lợi quốc gia (NWF). Do vậy, có lẽ, Bộ Tài chính Nga tiết kiệm chi tiêu chính là để bù đắp lỗ hổng này.
Để bù đắp lỗ hổng này, sẽ không chỉ cần có khoản dự trữ tích lũy, mà còn cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Tình hình hiện nay chính là một tình huống thời chiến, chỉ khác ở chỗ kẻ thù là vô hình. Rõ ràng, trong những điều kiện như vậy, nền kinh tế đã thay đổi đáng kể về cơ cấu và các ưu tiên. Và đối với một tình huống thời chiến, việc đưa ra một chính sách tiền tệ mềm dẻo, mà chính phủ đang nói đến, là một quyết định đúng đắn. Trong trường hợp của Nga, điều này có nghĩa như sau: Các ngân hàng sẽ mua trái phiếu cho vay liên bang (OFZ) từ Bộ Tài chính và ngay sau đó cầm cố chúng cho Ngân hàng trung ương Nga để nhận các khoản vay dài hạn, có thể trong 6 tháng, 1 năm hoặc thậm chí 2 hoặc 3 năm, tức là Bộ Tài chính cho vay bằng tiền từ Ngân hàng trung ương.
Liệu tiền trong Quỹ phúc lợi quốc gia có đủ dùng trong thời gian dài, mà như công bố vào ngày 1/4/2020 là có số dư 11.100 tỷ ruble hay không? Chúng ta sẽ bắt đầu từ việc là ở quỹ đó chỉ có 7.400 nghìn tỷ ruble là tiền thực (bởi một phần trong số 11.100 tỉ ruble chỉ là tài sản trên giấy, một phần khác Bộ Tài chính đã chi vào đầu tháng 4 để Chính phủ Nga mua lại Ngân hàng Sberbank từ Ngân hàng trung ương). Với việc chi tiêu trong 2-3 quý, thậm chí 1 năm, thì số tiền này là đủ. Nhưng liệu có đủ cho 5-6 năm, như Bộ trưởng Tài chính tuyên bố cách đây không lâu hay không, thì vẫn là một câu hỏi lớn, đặc biệt trong bối cảnh Quỹ phúc lợi quốc gia bị thất thu do gặp khó khăn trong xuất khẩu dầu thô hiện nay.
Chính phủ Nga cho phép doanh nghiệp chậm nộp các khoản thanh toán thuế, cũng như đề xuất của nhà bất đồng chính kiến Navalny về việc không đánh thuế trong thời gian kiểm dịch bởi doanh nghiệp sẽ không có lợi nhuận khi hoạt động kinh tế của họ bị đóng băng. Không chỉ không có thuế thu nhập các doanh nghiệp cũng sẽ không thực hiện nhiều khoản thanh toán xã hội khác. Dù có cho trì hoãn hay không thì các doanh nghiệp cũng không có tiền để trả bởi bảng cân đối kế toán của họ sẽ chỉ thể hiện những khoản thua lỗ liên tục.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và những người làm việc trong lĩnh vực này hiện là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Các doanh nghiệp lớn ở Nga chủ yếu là các nhà xuất khẩu nguyên liệu thô, nhà sản xuất vũ khí, một số ngân hàng, công ty vận tải và doanh nghiệp truyền thông. Tất nhiên, thu nhập của họ có thể giảm, nhưng họ sẽ tiếp tục hoạt động, điều đó có nghĩa là người lao động trong các ngành nghề này vẫn đi làm và được trả lương. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải ngừng hoạt động trong thời gian cách giãn cách xã hội. Tình cảnh khó khăn nhất đang chờ đợi họ ở phía trước. Họ không có cơ hội nhận được các hợp đồng từ chính phủ, mà chỉ giới hạn trong lĩnh vực dịch vụ gắn với dân cư. Và nếu việc cấm dân chúng rời khỏi nhà, thì toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân sẽ không có thu nhập.
Làm thế nào để giải quyết bài toán này? Hãy nhìn vào các quốc gia khác và xem những gì họ cho là cần thiết để hỗ trợ khu vực tư nhân thông qua việc bơm ngân sách. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nhận được khoản trợ cấp ngân sách không hoàn lại hay khoản vay ngân hàng với lãi suất bằng 0. Ở các quốc gia khác nhau, sự kết hợp của các yếu tố này cũng khác nhau, nhưng như một quy luật, cả hai đều được sử dụng. Ở Mỹ, doanh nghiệp có thể nhận được một khoản vay ngân sách với lãi suất bằng 0, và có thể được xóa nợ nếu khoản vay được chi trả cho tiền lương và thuê mặt bằng. Ở Anh, Đức và một số nước châu Âu khác, chính phủ trả từ 60 đến 80% tiền lương của những người bị mất thu nhập. Riêng ở Anh, họ áp dụng thêm một cơ chế hỗ trợ ngân sách, đó là bất kỳ doanh nghiệp nhỏ nào cũng có thể đăng ký và nhận khoản vay không lãi suất trị giá 25.000-50.000 bảng Anh từ ngân hàng trong 6 tháng. Như vậy, bất kỳ sự hỗ trợ nào đối với người dân và doanh nghiệp được xem là có ý nghĩa khi các biện pháp rất đơn giản được thông qua và sớm được thực hiện. Ở Nga, điều này lại xảy ra theo cách khác: Các biện pháp được công bố, sau đó mất 1 tuần dành cho việc soạn thảo luật, sau đó cần thêm 2 tuần để chuẩn bị nghị định của chính phủ, sau đó cần ban hành hướng dẫn từ Bộ Tài chính. Và kết quả là, sau 1 tháng mới nhận ra rằng các biện pháp này bao gồm cả những điều kiện mà không ai có thể tận dụng sự hỗ trợ như vậy.
Tỷ lệ quân bình vàng của các nhà tài chính
Khoản tiền 2.000 tỷ ruble mà Alexey Navalny đề xuất để phân bổ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ dường như là quá lớn. Theo các đánh giá khác nhau, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nga có khoảng 15 triệu người làm việc. Theo đó, nếu chia 2.000 tỷ ruble cho 15 triệu người, thì mỗi người sẽ nhận được 133.000 ruble. Con số này rõ ràng là quá nhiều. Ngoài ra, tại thời điểm khủng hoảng, việc đặt ra nhiệm vụ làm cho mọi người trở nên giàu có và hạnh phúc là sai lầm. Trong trường hợp khẩn cấp, mọi người cần được hỗ trợ để họ có thu nhập tối thiểu. Ở Nga, thu nhập trung bình là 25.000 ruble. Nếu 15 triệu người này nhận được 20.000 ruble trong 3 tháng liên tiếp, thì tổng số tiền sẽ chỉ bằng một nửa so với những gì Navalny đề xuất.
Vấn đề của nước Nga là không có công nghệ để thực hiện việc quản lý thống nhất dân số. Mỗi tổ chức làm việc với công chúng lại có cơ sở dữ liệu riêng. Nhưng các số liệu gần như không bao giờ trùng khớp. Đăng ký nơi cư trú thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ, và nếu một người nào đó không sống ở nơi họ đăng ký, thì không thể tìm thấy họ. Khi tổ chức các chiến dịch bầu cử, các ứng cử viên vào ghế đại biểu đi thu thập chữ ký tại các khu vực bầu cử thì mới thấy rõ rằng cơ sở dữ liệu của Bộ Nội vụ không đầy đủ và có nhiều sai sót. Thanh tra thuế biết bạn nhận thu nhập ở khu vực nào, ai trả lương cho bạn, nhưng không biết bạn sống ở đâu, số tài khoản ngân hàng của bạn là gì và cách người ta gửi tiền cho bạn. Ở Mỹ, điều này có thể được thực hiện bằng séc, bởi vì có cơ sở đối chứng để kiểm tra. Nhưng ở Nga không lưu hành séc, và dù rất muốn, nhưng cơ quan thuế của Nga cũng không thể làm được điều này. Ngoài ra, họ cũng không có số liệu trẻ em và người nghỉ hưu không làm việc.
Do đó, nói về hỗ trợ cho người dân, chúng ta phải hiểu rõ rằng Nga không có khả năng về mặt công nghệ để đưa tiền cho tất cả mọi người. Trong tình huống này, cần tập trung vào các tầng lớp dễ bị tổn thương nhất, trước hết là những người có thu nhập thấp. Họ là những người về hưu và gia đình có nhiều trẻ em. Lương hưu trung bình là 14.000 ruble. Tất cả những người nhận được ít hơn 125% mức lương hưu trung bình sẽ được nhận bổ sung 5.000 ruble một tháng. Trong cuộc khủng hoảng, điều này sẽ giúp cả người nghỉ hưu và, có lẽ, một phần gia đình của họ. Các gia đình có trẻ em có thể viết đơn xin trợ cấp (giả sử, 10.000 ruble mỗi tháng) và nộp cho chi nhánh ngân hàng gần nhất. Trước tiên, ngân hàng ngay lập tức trả cho tháng đầu tiên, sau đó gửi tất cả các tài liệu tới Bộ Bảo trợ xã hội, cơ quan này sẽ hoàn trả cho ngân hàng các khoản chi và lập sổ đăng ký người nhận ở tháng tiếp theo.
Một biện pháp khác có thể được áp dụng cho một phần quan trọng (không phải cho toàn bộ người dân) là trợ cấp cho việc thanh toán dịch vụ công và nhà ở. Chẳng hạn, trợ cấp 2.000 ruble cho mỗi gia đình để giúp họ chi trả tiền cho các dịch vụ này. Cơ chế rất đơn giản: Khi soạn thảo chứng từ thanh toán, trung tâm dịch vụ công (hoặc tương đương) nhập vào thêm vào phần “trợ cấp” cho những người mà khoản tiền 2000 ruble chiếm hơn 15-20% trong tổng số thanh toán dịch vụ hàng tháng. Điều này sẽ cho phép tách biệt những người sở hữu căn hộ lớn. Ngoài ra, các gia đình ở thành thị chủ yếu trả tiền cho toàn bộ các dịch vụ công ích và nhà ở, còn những gia đình ở nông thôn chủ yếu chi trả cho tiền điện (họ không có nguồn cung cấp gas hoặc nước nóng).
Việc hỗ trợ ngân sách như vậy cần được áp dụng cho đến khi sự suy giảm hoạt động kinh tế dần biến mất. Tức là, khi nền kinh tế đã khởi động lại được khoảng 90-95% và đang vận hành thì có thể dừng lại các khoản thanh toán này. Mặc dù có thể vẫn còn các đối tượng cần được hỗ trợ ngân sách, nhưng các quyết định đối với họ có thể được đưa ra riêng lẻ. Nếu tập trung vào Moskva, nơi kiểm dịch được công bố vào cuối tháng 3, thì tối thiểu, các khoản thanh toán như vậy sẽ được thực hiện vào tháng 4 và tháng 5. Sau đó, quyết định được thực thi tùy thuộc vào việc gia hạn kiểm dịch ở một khu vực cụ thể. Nói chung, khi không có sự hiểu biết rõ ràng về thời điểm dịch bệnh sẽ chấm dứt, các biện pháp chỉ có thể được thực hiện tùy theo diễn biến của tình hình.
Việt Hà