Kinh tế thế giới năm 2018 phát triển không như dự báo và liên tiếp gặp nhiều rủi ro làm giảm tăng trưởng. Do vậy, nhiều dự báo liên tiếp hạ mức dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2019, như tháng 10/2018, IMF hạ mức dự báo tăng trưởng xuống 0,2 điểm phần trăm so với tháng 4/2018. Tháng 1/2019, Ngân hàng thế giới hạ mức tăng trưởng xuống 0,1 điểm phần tram so với mức dự báo tháng 6/2018. Nền kinh tế thế giới đứng trước nhiều vấn đề như cơ sở phục hồi yếu ớt, nhiều nguy cơ nổi rõ hoặc sự khó lường về chính sách, nhiều nhân tố rủi ro, bất lợi đan xen lẫn nhau. Dự báo, tình hình kinh tế thế giới năm 2019 là không lạc quan. Cụ thể có một số nhân tố tiêu cực ảnh hưởng dưới đây:
Một là, chính sách và hành động của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch toàn cầu. Các biện pháp bảo hộ mậu dịch toàn cầu không chỉ là một trong những nhân tố chính cản trở sự phục hồi của đầu tư, thương mại quốc tế mà còn có tác động tiêu cực ngày càng lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Hiện nay, chính sách kinh tế đối ngoại của nhiều nước mang màu sắc bảo hộ mậu dịch khá đậm, cọ sát mậu dịch giữa một số nước không được giải quyết, một số cơ chế đàm phán kinh tế, mậu dịch khu vực và quốc tế không được như dự kiến; các nước đang đứng trước cục diện nghiêm trọng hơn về phản toàn cầu hóa. Là thực thể kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ triển khai chủ nghĩa đơn phương và biện pháp bảo hộ mậu dịch gây ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế thế giới.
Hai là, rủi ro thị trường tiền tệ đang tích tụ. Năm 2018, các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới trải qua nhiều xáo động về cổ phiếu, hối phiếu và trái phiếu. Năm 2019, những rủi ro này sẽ tiếp tục tích tụ, có những xáo động sẽ nghiêm trọng hơn. Thứ nhất, một số nền kinh tế giảm tốc sẽ gây áp lực cho thị trường cổ phiếu bị trì trệ, nhất là chỉ số cổ phiếu của Mỹ nhiều năm nay đang đứng ở mức cao lịch sử. Một khi thị trường cổ phiếu của Mỹ bị xáo trộn nghiêm trọng, sẽ gây cho thị trường vốn toàn cầu hiệu ứng lan theo. Thứ hai, do việc FED tăng lãi suất làm cho một số nước, nhất là các thị trường mới nổi chịu áp lực phá giá đồng tiền bản địa rất lớn, gây ra nguy cơ khủng hoảng tiền tệ.
Ba là, mức độ nợ chính phủ toàn cầu tăng mạnh. Hiện tại, nợ công và tư nhân của thế giới đang ở mức cao lịch sử. Theo số liệu của IMF, năm 2018, tổng nợ chính phủ của các nền kinh tế so với GDP là 102,8% trong đó Mỹ và Nhật Bản lần lượt là 106,1% và 238,2%. Nợ của các nền kinh tế mới nổi trong 2018 so với GDP là 50,4% trong đó có một bộ phận vượt quá mức cảnh báo 60% như Sudan và Mozambique lên tới 167,5% và 112,9%; Braxin 88,4%, Pakistan là 72,5%.
Bốn là, điều phối, hợp tác về chính sách kinh tế quốc tế gặp khó khăn hơn. Nhiều năm gần đây, các nền kinh tế phân hóa khá nổi bật do vậy lợi ích và chính sách cũng bị phân hóa. Hiện nay, thế giới đang ở trong giai đoạn xây dựng lại qui tắc đầu tư và thương mại mới, tranh giành giữa các nước ngày càng gay gắt, sự phối hợp chính sách ngày càng khó khăn. Các nền kinh tế phát triển muốn chủ đạo hệ thống qui tắc và thể chế toàn cầu, xuất phát từ lợi ích riêng không dễ thông qua các biện pháp truyền thống để áp đặt qui định và tiếng nói riêng cho các nền kinh tế mới nổi, các nước đang phát triển. Trong quá trình này, sự vận hành bình thường của WTO và một số thể chế kinh tế thế giới bị ngăn trở; thể chế mới của G20 khó có thể đạt được tiến triển thực chất trong thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế.
Năm là, rủi ro về kiềm chế đấu tranh địa chính trị giữa các nước lớn chủ chốt. Sự kiểm soát về hợp tác chính sách và rủi ro của quốc tế và giữa các nước lớn chủ chốt là biến số lớn ảnh hưởng tới tình hình chính trị, kinh tế thế giới. Nhiều nước nằm trong khu vực có điểm nóng địa chính trị khu vực, cục diện chính trị khu vực có chiều hướng làm nảy sinh hiệu ứng đối với sự phát triển kinh tế. Các vấn đề điểm nóng về địa chính trị như Tây Á- Bắc Phi, bán đảo Triều Tiên, Châu Mỹ La tinh, Đông Âu đều tồn tại những khả năng bùng phát. Nếu các vấn đề này không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường kinh tế và nguồn cung cấp hàng cơ bản cho thế giới, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng kinh tế của các nước, khu vực liên quan.
Tóm lại, do các nhân tố nêu trên, năm 2019, kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ giảm tăng trưởng là khá lớn. Mặt khác, cạnh tranh giữa các nước lớn chủ chốt về kinh tế và địa chiến lược ngày càng nổi bật, các nước sẽ đấu tranh ngày càng gay gắt xoay quanh cải cách thể chế quản trị toàn cầu như WTO.
(TLSQVN tại Nam Ninh)