Kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại

0
66
“Ảnh minh họa”

 Các tổ chức quốc tế lớn như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên Hợp quốc (UN) cùng chung nhận định kinh tế toàn cầu bắt đầu tăng trưởng chậm lại.

Kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2018, sau đó đã xuất hiện những diễn biến mới khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, mối quan hệ căng thẳng giữa các nước lớn, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang có dấu hiệu leo thang, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhìn chung, mức độ tăng trưởng vẫn còn mạnh mẽ ở các nền kinh tế phát triển, nhưng đã chậm lại ở nhiều nước.

Các tổ chức quốc tế lớn như IMF, WB và UN cùng chung nhận định kinh tế toàn cầu bắt đầu tăng trưởng chậm lại, trong đó IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới khả quan nhất, tăng 3,9% (trong đó các nước công nghiệp phát triển tăng 2,3%; các nước đang phát triển tăng 4,9%). Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự đoán thương mại toàn cầu đang chững lại trong thời gian tới.

Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng vững chắc và dự báo đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2018, khoảng 3,1%, nhờ chính sách cắt giảm thuế phát huy hiệu quả, kích thích đầu tư và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đạt các mức kỳ vọng của chính phủ. Thâm hụt thương mại của Mỹ giảm nhẹ (giảm 3,5%) xuống còn 58,1 tỷ USD trong tháng 8 do nhập khẩu dầu từ nước ngoài giảm, nhưng thâm hụt thương mại từ Trung Quốc vẫn tăng do nhập khẩu từ nước này tăng cao.

Mặc dù bất ổn chính trị và sự kiện Brexit tác động, kinh tế khu vực châu Âu tiếp tục cho thấy triển vọng khả quan. Tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 2,2% năm 2018 và 2% năm 2019. Tuy nhiên, áp lực về giá và tăng trưởng việc làm ở khu vực này vẫn duy trì ở mức cao. Chỉ số PMI tổng hợp tháng 8 đạt mức 54,4 điểm, tăng so với tháng 7/2018. Đã hơn 7 tháng sau khi Anh rời khỏi EU, nhưng hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận hậu Brexit gây ra nhiều áp lực với hoạt động kinh tế trên toàn EU.

Kinh tế Nhật Bản tương đối tốt trong 9 tháng đầu năm 2018. Chỉ số PMI sản xuất 8 tháng đầu năm đều ở trên mức 50 điểm, tuy nhiên có xu hướng giảm dần từ mức 54,7 trong tháng 1 xuống còn 52,5 trong tháng 8/2018. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại hàng hóa mở rộng do nhập khẩu dầu thô tăng. Sản lượng công nghiệp giảm liên tiếp 3 tháng gần đây.

Kinh tế Trung Quốc đang có thêm các dấu hiệu “hạ nhiệt” giữa bối cảnh Mỹ áp đặt các mức thuế thương mại mới đối với hàng hóa Trung Quốc. Hoạt động đầu tư vào các tài sản cố định của Trung Quốc đã chậm lại nhiều hơn dự đoán xuống còn 5,3% trong 8 tháng đầu năm 2018, trong lúc doanh số bán lẻ chững lại, phản ánh nhu cầu nội địa yếu đi và niềm tin kinh doanh sụt giảm. Thị trường chứng khoán sụt giảm, đồng NDT chưa có dấu hiệu phục hồi.

Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm xuống 6,6% năm 2018 và 6,4% năm 2019. Đà giảm tốc tăng trưởng của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, theo đó, tăng trưởng kinh tế của các nhóm nước này sẽ không cao hơn các năm 2016 và 2017 do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đóng góp lớn vào tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế này. Tăng trưởng của nhóm nước ASEAN-5 sẽ đạt khoảng 5,3% năm 2018 và 5,3% năm 2019, cao hơn các năm trước.

Giá cả diễn biến phức tạp

Giá cả hàng hóa thế giới diễn biến phức tạp do chiến tranh thương mại và bất ổn chính trị ở Trung Đông, nhìn chung đang có xu hướng gia tăng. Chỉ số giá thực phẩm tăng đáng kể trong 9 tháng khi đạt đỉnh trong tháng 4 với 91,71 điểm, sau đó liên tục giảm cho tới thời điểm kết thúc quý 3/2018 và tiếp tục đà giảm nhẹ trong tháng 9 đạt mức 84,77 điểm. Sau khi giảm giá trong 2 tháng đầu năm, giá dầu thô thế giới tăng mạnh trở lại bắt đầu từ tháng 3/2018; giảm nhẹ trong tháng 8, dao động ở mức 73 USD/thùng; và bật tăng vào ngày 25/9 lên mức 81,20 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014 sau cuộc họp các nước OPEC với quyết định không gia tăng sản lượng, trong khi JPMorgan cho rằng lệnh cấm vận Iran của Mỹ có thể làm sụt giảm 1,5 triệu thùng dầu/ngày. Đồng USD dự báo tiếp tục tăng giá trong những tháng cuối năm 2018 do kinh tế Mỹ tiếp tục khả quan, kế hoạch tăng lãi suất của Fed và xu hướng dòng vốn FDI dịch chuyển về Mỹ do chính sách giảm thuế mới.

Thương mại toàn cầu có dấu hiệu suy giảm khi cầu xuất khẩu các nước phát triển giảm sút (ngoại trừ Mỹ) trong khi xuất khẩu của các nền kinh tế xuất khẩu tại châu Á cũng chững lại do tác động của các rào cản thương mại ngày càng gia tăng.

Chỉ số triển vọng thương mại toàn cầu (WTOI) ở mức 100,3, thấp hơn so với 101,8 điểm trong lần công bố ở quý trước, cho thấy thương mại thế giới tiếp tục tăng trưởng nhưng ở nhịp độ chậm hơn.

Căng thẳng và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt giữa Mỹ và trung Quốc, tiếp tục leo thang. Đầu tháng 9/2018, Mỹ cũng bắt đầu đàm phán thương mại với Nhật Bản và phát tín hiệu cảnh báo áp thuế bổ sung với hàng hóa nhập khẩu từ nước này như đã làm với Trung Quốc, EU, Canada…

Dòng đầu tư toàn cầu gặp trở ngại

Những bất ổn về chính trị, xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, các cải cách thuế của Mỹ và cuộc cạnh tranh về thuế, dự kiến sẽ ảnh hưởng tới xu hướng đầu tư toàn cầu. Dòng vốn đầu tư FDI toàn cầu năm 2018 dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ ở mức 5%. FDI vào Trung Quốc có thể tăng do các chính sách tự do hóa dòng vốn FDI mới đây. FDI nội khối của các nước ASEAN cũng có thể tăng lên. Triển vọng tăng lãi suất tại các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ cũng có thể ảnh hưởng tới các dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các nền kinh tế đang nổi.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi cấu trúc sản xuất với sự thay đổi trong một loạt các ngành nghề dịch vụ, hành chính, tài chính, thương mại điện tử… và đặc biệt là đưa tới sự ra đời và sự phát triển cực nhanh của nền “kinh tế chia sẻ” như Grab, Airbnb.

Trong thời gian tới, một số rủi ro chính đối với môi trường kinh tế toàn cầu là căng thẳng và cọ sát thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (đặc biệt Mỹ với Trung Quốc) còn diễn biến khó lường trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại vẫn có chiều hướng gia tăng; tăng trưởng giảm tốc ở một số nền kinh tế chủ chốt (Trung Quốc); rủi ro gia tăng trên thị trường tài chính toàn cầu trước những điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ, cải cách thuế của các nền kinh tế lớn, rủi ro tín dụng, tình trạng nợ…; khả năng đảo chiều của dòng vốn đầu tư nước ngoài ở các thị trường mới nổi; tiến triển chậm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách cơ cấu ở nhiều nền kinh tế; giá dầu biến động khó lường trong bối cảnh gia tăng bất định ở khu vực Trung Đông; biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp; việc ứng phó với các biến động trong tương lai của các quốc gia có thể gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp./.

(Thời báo tài chính Việt Nam)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here