Kinh tế thế giới bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ

0
165
(minh họa)

Trong nửa đầu năm và nhất là trong quý III/2024, ngày càng nhiều nền kinh tế lớn và đang nổi nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng khi lạm phát tiếp tục giảm. Theo khảo sát của Reuters, 7 trên 10 nền kinh tế lớn đã nới lỏng chính sách tiền tệ thời gian qua.

Tại Mỹ, Cục dự trữ liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất 0,5% trong tháng 9/2024 trên cơ sở đánh giá lạm phát còn ở mức cao song đang giảm ổn định xuống mục tiêu 2%, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục giảm lãi suất hướng tới chính sách tiền tệ trung dung (neutral monetary policy).

Tại Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương (PBOC) triển khai nới lỏng tiền tệ quy mô lớn, bao gồm cắt giảm ở mức 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại và giảm lãi suất thế chấp đối với nhà ở, giảm lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược 7 ngày từ 1,7% xuống 1,5% (động thái có thể làm giảm lãi suất cho vay trung hạn 0,3% và lãi suất cho vay cơ bản từ 0,2 – 0,25%). Theo nhận định của Capital Econonom, đây là gói kích thích kinh tế quan trọng nhất của PBOC từ giai đoạn đại dịch Covid. Tiếp theo, Trung Quốc đã công bố gói hỗ trợ tài khóa trị giá 28 tỷ USD cho các dự án đầu tư của chính quyề các địa phương trong năm nay.

Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 18/10 giảm lãi suất thêm 0,25%, đánh dấu lần cắt giảm thứ hai trong năm 2024 và lần đầu tiên liên tiếp cắt giảm lãi suất trong 13 năm qua. Tỷ lệ lạm phát tại Eurozone giảm xuống mức 1,7% trong tháng 9/2024 trong khi một số nền kinh tế khu vực tăng trưởng thấp, bao gồm đàu tầu kinh tế Đức.

Một số nền kinh tế lớn khác cũng cắt giảm lãi suất. Ngân hàng Trung ương Anh đã giảm lãi suất từ mức 5,25% xuống 5% trong tháng 8/2024 và khả năng tiếp tục hạ lãi suất sau khi lạm phát giảm xuống mức 1,7% trong tháng 9/2024. Ngân hàng Trung ước Canada đã 3 lần giảm lãi suất trong năm 2024 và được dự báo sẽ tiếp tục giảm lãi suất xuống 3,75% vào cuối tháng 10/2024.

Tại châu Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 11/10 hạ lãi suất cơ bản xuống 3,25%, đánh dấu lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sau 22 tháng, sau khi lạm phát giảm xuống 1,6% so với mục tiêu 2% của BOK. Một số nền kinh tế đang nổi như Indonesia và Philippines gần đây đã giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, cũng như “đón đầu” quyết định cắt giảm lãi suất của Fed. Ngày 17/10, Ngân hàng Trung ương Thái Lan bất ngờ quyết định giảm lãi suất mua lại một ngày xuống 2,25%, mặc dù cơ quan này trong thời gian qua đã lên tiếng không tán thành quan điểm nới lỏng chính sách tiền tệ.

Với một loạt động thái của các nền kinh tế phát triển và đang nổi, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trở nên rõ nét hơn trong giai đoạn 2024 – 2025 với một số điểm lưu ý.

Về quy mô, ngoại trừ Trung Quốc nới lỏng tiền tệ quy mô lớn, việc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu được nhận định sẽ ở mức độ vừa phải do các quan ngại về lạm phát dai dẳng và các rủi ro toàn cầu gia tăng. Điển hình tại Mỹ, các thành viên Fed dù cắt giảm lãi suất song vẫn quyết định tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng thay vì nới lỏng. Một số nền kinh tế lớn và đang nổi như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Singapore, Malaysia giữ mức lãi suất cơ bản, thậm chí để ngỏ khả năng tăng lãi suất (Australia) nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này cho thấy khác biệt trong chính sách tiền tệ toàn cầu dù đã được thu hẹp song vẫn tồn tại, có thể tác động đến các tính toán điều hành vĩ mô của các nước thời gian tới.

Về tác động, nới lỏng chính sách tiền tệ có thể hỗ trợ tăng trưởng ở mức độ nhất định song cũng đi kèm hạn chế. Sau động thái cắt giảm lãi suất của PBOC, Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 4,9% năm 2024 và 4,7% năm 2025 (so với các mức dự báo 4,7% và 4,3% trước đây). Tuy nhiên, nhiều cơ quan nghiên cứu nhận định chính sách tiền tệ không đủ để Trung Quốc tăng trưởng 5% năm 2024, theo đó cần triển khai “chính sách tài khóa quyết liệt” với quy mô có thể lên tới hàng trăm tỷ USD nhằm thúc đẩy đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng. Một số nền kinh tế đang nổi châu Á không còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ khi lãi suất cơ bản đang ở mức khá thấp.

Theo khuyến nghị của IMF, các nước cần chú trọng hơn nữa các công cụ tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng. Đây cũng là khuyến nghị của IMF với Việt Nam nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô – tài chính tương đối ổn định trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ hạn chế. IMF khuyến nghị Việt Nam và một số nền kinh tế đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đồng thời tăng cường các mạng lưới an sinh xã hội tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong cơ cấu dân số và lao động.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here