Xuất khẩu của Singapore tiếp tục đà suy giảm, xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng ảm đạm và các chuyên gia phân tích cho rằng sự phục hồi xuất khẩu của Singapore trong 6 tháng còn lại của năm 2019 hiện không có triển vọng.
Xuất khẩu nội địa (không tính dầu mỏ) trong tháng 6/2019 giảm tháng thứ 4 liên tiếp, giảm hai con số; vận tải biển trong lĩnh vực điện tử – lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, giảm khoảng 1/3. Theo Cục doanh nghiệp Singapore, xuất khẩu nội địa giảm 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức suy giảm lớn nhất so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 2/2013 và giảm sâu hơn rất nhiều so với dự báo mà Bloomberg đưa ra là 9,6%. Xuất khẩu nội địa trong nửa đầu năm 2019 ở mức thấp nhất kể từ 6 tháng đầu năm 2009, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong tháng 6/2019, xuất khẩu trong lĩnh vực điện tử giảm 31,9%, tiếp tục mức suy giảm xác lập vào tháng 5/2019 là 31,6%. Xuất khẩu trong lĩnh vực công nghệ của Singapore suy giảm rất lớn so với các đối thủ trong khu vực, điều này cho thấy các biển động trong chuỗi cung ứng khu vực có thể khiến các công ty đa quốc gia xuất khẩu công nghệ tại Singapore gặp khó khăn hơn. Xuất khẩu của Singapore sang các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Hồng Công, Trung Quốc, châu Âu đều sụt giảm, dẫn đến sự sụt giảm xuất khẩu của Singapore.
Các chuyên gia hy vọng xuất khẩu sẽ có sự phục hồi trong những tháng cuối năm nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể đạt được thỏa thuận thương mại từ nay đến tháng 11. Tuy nhiên, sự phục hồi này nếu có cũng sẽ rất khiêm tốn và như vậy nền kinh tế phụ thuộc lớn vào thương mại của Singapore cũng sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn. Tình hình sẽ còn ảm đạm, chi tiêu có thể bị cắt giảm và số lượng việc làm cũng giảm xuống.
Sự suy giảm lan tỏa nhanh chóng sau khi các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 của Singapore, số liệu thống kê nhanh cho thấy tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2019, công bố tuần trước, chỉ ở mức 0,1%.
Các số liệu tiêu cực cho thấy kinh tế Singapore vẫn chưa phục hồi trong quý II/2019, thay vào đó là tốc độ suy giảm tăng vọt. Tuy nhiên, suy giảm kinh tế được dự báo ở thời điểm này dù nghiêm trọng hơn giai đoạn 2013-2015, song sẽ không tồi tệ như những gì từng diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Về chính sách tài khóa và tiền tệ, Singapore có thể sử dụng chính sách tiền tệ để phục vụ mục tiêu trung hạn, trong khi chính sách tài khóa phải sẵn sàng trong trường hợp các biện pháp mạnh chống suy giảm kinh tế theo chu kỳ được sử dụng. Dự báo sẽ có sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ của Singapore, theo hướng nới lỏng chính sách và giảm nhẹ tỷ giá. Nguy cơ suy thoái và lạm phát nhẹ sẽ buộc Cơ quan tiền tệ Singapore xem xét lại chính sách tỷ giá, và điều này được dự báo sẽ diễn ra trong tháng 10/2019./.
(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore).