Kinh tế Pháp: thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách đều đáng lo ngại

0
152

     Sau 4 năm liên tục giảm, thâm hụt thương mại của Pháp năm 2016 đã tăng cao trở lại, lên tới 48,1 tỉ euro, tăng 2,5 tỉ euro so với năm 2015, và cao hơn 2,8 tỉ euro so với mục tiêu 45,3 tỉ euro mà Chính phủ đặt ra. Quốc vụ khanh phụ trách thương mại ông Matthias Fekl đã thừa nhận: “năm 2016 không tốt đẹp cho thương mại Pháp”.

Thâm hụt thương mại Pháp càng đáng lo ngại khi kim ngạch nhập khẩu năng lượng đã giảm đáng kể, giảm 8 tỉ euro trong năm 2016 nhờ giá dầu giảm. Như vậy, thâm hụt các mặt hàng sản xuất, trừ nông nghiệp, năng lượng và thiết bị quân sự, đã lên tới 35 tỉ euro, vượt mức kỷ lục của năm 2011 và tăng cao hơn 10 tỉ euro so với năm 2015. Điều này cho thấy sự yếu kém trong hệ thống sản xuất của Pháp nói chung và của nền công nghiệp Pháp nói riêng, đặc biệt chứng tỏ khả năng cạnh tranh của Pháp đã không hề có cải thiện kể từ năm  2012.

Cụ thể, xuất khẩu của Pháp năm 2016 đã giảm 0,6% do xuất khẩu của 3 lĩnh vực truyền thống là hàng không, xe hơi và nông nghiệp (bị ảnh hưởng thời tiết xấu) đều có thành tích yếu kém. Trong khi đó, nhập khẩu đã tăng 0,1% so với năm 2015, trong đó nhập khẩu máy móc công nghiệp, nhất là từ Đức, đã tăng rất mạnh. Lĩnh vực dịch vụ cũng tiến sát mức báo động đỏ khi đạt mức thặng dư chỉ là 0,4 tỉ euro trong khi con số này của năm 2015 lên tới 8,8 tỉ euro. Lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng vì du lịch giảm sút sa các vụ khủng bố. Tính ra trong năm 2016, Pháp đã mất 1 triệu khách du lịch, đặc biệt lượng khách du lịch đến từ Châu Á giảm tới 30%.

Hiện nay, đang có điều ngược đời cho các doanh nghiệp Pháp, họ phải chịu đựng cùng lúc hai sự cạnh tranh: một đến từ các nước chuyên sản xuất hàng hóa với giá thấp như Tây Ban Nha và các nước Maghreb, một đến từ các nước có những hàng hóa chất lượng rất cao như Đức. Như vậy, Pháp nằm giữa hai loại nước này, tức giá cả hàng hóa có vẻ quá đắt và chất lượng chưa đủ cao.

Trước năm 2003, thương mại Pháp vẫn đạt mức thặng dư, nhưng sau đó liên tục thâm hụt và năm 2011 đã đạt mức kỷ lục, lên đến 74,5 tỉ euro. Chính phủ dự kiến thâm hụt thương mại năm 2017 sẽ là 48,9 tỉ euro.

Một thâm hụt khác của Pháp cũng đáng thất vọng là thâm hụt ngân sách. Theo thống kê chính thức, thâm hụt ngân sách của Pháp năm 2016 là 69 tỉ euro. Đây là một kết quả vừa vui, vừa buồn. Vui bởi vì so với dự báo trước đó thâm hụt giảm được 1 tỉ euro trong bối cảnh các nguồn thu thuế gây thất vọng, giảm 1,4 tỉ euro so với dự kiến. Buồn bởi vì mức thâm hụt của năm 2016 giảm được quá ít, chỉ giảm 1,5 tỉ euro so với năm 2015. Ngoài ra tỉ lệ thâm hụt ngân sách của Pháp so với GDP năm 2016 là 3,1%, vẫn cao hơn mức trần 3% do EU quy định. Pháp luôn xếp ở phía cuối bảng xếp hạng của EU về chi tiêu ngân sách, năm 2016 xếp hạng 26/28 nước EU.

Chính phủ Pháp đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2017 là 2,7% GDP, phấn đấu đến năm 2020 cân bằng được chỉ tiêu ngân sách. Những dự báo được cho là quá lạc quan.

Theo Le Monde, Les Echos, Le Figaro

Nguồn: ĐSQVN tại Pháp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here