Sản lượng khai thác dầu thô tháng 6/2020 của Venezuela đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 8 thập kỷ.
Ngày 14/7/2020, OPEC cho biết, sản lượng khai thác dầu thô tháng 6/2020 của Venezuela đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/1943 (khi đó đạt 353.000 thùng/ngày) và tương tự thời điểm những năm 1935-1936. Sản lượng khai thác trong tháng 6/2020 đạt 393.000 thùng/ngày, giảm 32% so với tháng 5/2020 (573.000 thùng/ngày), giảm 52% so với quý I/2020 (821.000 thùng /ngày).
Về xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu trong tháng 6 chỉ đạt 379.000 thùng/ngày, đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1943, do hậu quả của việc Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt.
Về sản lượng lưu trữ, Công ty Dầu khí Nhà nước Venezuela PDVSA cho biết tính đến ngày 9/7 đã có tới 9 triệu thùng dầu thô Merey (chiếm 92% khối lượng lưu trữ tối đa) đang được lưu trữ trong kho dầu của cảng Jose để chờ xuất khẩu. Hiện PDVSA đã phải đóng cửa hơn 60 giếng khoan, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1995, Venezuela không vận hành bất kỳ giếng khoan nào, ngay cả trong bối cảnh diễn ra cuộc đình công của công nhân ngành dầu khí năm 2003. Với khả năng lưu trữ có hạn, Venezuela sẽ buộc phải tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác trong thời gian tới.
Về sản lượng khai thác, sản lượng khai thác những năm 1970 của ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela đã đạt tới ngưỡng cao nhất trong lịch sử là 3,7 triệu thùng/ngày. Tại thời điểm cố Tổng thống Hugo Chávez nắm quyền, sản lượng giảm xuống 2,6 triệu thùng/ngày và hiện nay dưới thời Tổng thống Nicolas Maduro, sản lượng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 80 năm qua. Các chuyên gia dầu khí nhận định đây là sự sụt giảm rất lớn đối với một quốc gia có doanh thu chủ yếu phụ thuộc vào dầu thô như Venezuela, ngành công nghiệp dầu mỏ hiện nay đã không còn là trụ cột và đòn bẩy cho nền kinh tế Venezuela.
CEPAL: Kinh tế Mỹ La tinh và Caribe sẽ sụt giảm mạnh 9,1% trong năm 2020.
Ngày 14/7, Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về Mỹ La tinh và Caribe (CEPAL) đã đưa ra bản cập nhật ước tính tăng trưởng kinh tế của khu vực. Trong đó Mỹ La tinh sẽ phải đối mặt với một thập kỷ suy giảm khi GDP bình quân đầu người trở lại mức năm 2010 là -9,9%. Nền kinh tế khu vực năm 2020 sẽ sụp đổ với mức suy giảm -9,1%, giảm thêm 3,8% so với dự báo tại thời điểm tháng 4/2020 (-5,3%), giảm thêm 10,4% so với dự báo tại thời điểm đầu năm 2020 khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19 (tăng 1,3%).
Cụ thể: Venezuela là nước có nền kinh tế giảm mạnh nhất với -26%, tiếp theo là Peru -13%, Argentina -10,5%, Brazil -9,2%, Mexico -9%, Ecuador -9%, El Salvador -8,6%, Nicaragua -8,3%, Cuba -8%, Chile -7,9%, Panama -6,5%, Honduras -6,1%, Colombia -5,6%, Costa Rica -5,5%, các đảo thuộc vùng Caribe -5,4%, Cộng hòa Dominica -5,3%, Bolivia -5,2%, Haiti -5%, Uruguay -5%, Guatemala -4% và giảm ít nhất là Paraguay -2,3%.
Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên mức 13,5%, tăng 2% so với dự báo tại thời điểm tháng 4/2020 và tăng 5,4% so với năm 2019. Số người thất nghiệp ở mức 44,1 triệu người, tăng 18 triệu người so với năm 2019. CEPAL cảnh báo tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi đó tỷ lệ thất nghiệp của khu vực tăng từ 6,7% năm 2008 lên 7,3% năm 2009.
Tỷ lệ nghèo đói tăng 37,3% trong năm 2020. Số người nghèo là 230,9 triệu người, tăng 45,4 triệu người so với năm 2019. Sự gia tăng lớn nhất sẽ xảy ra ở Argentina, Brazil, Ecuador, Mexico và Peru, trong khi đó số người nghèo đói cùng cực sẽ tăng thêm 28,5 triệu người và đặc biệt có tác động mạnh đối với nữ giới.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của khu vực sẽ giảm 23%, trong đó mức giá giảm 11% và khối lượng giảm 12%. Nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm nhu cầu của thị trường thế giới.
ECLAC cảnh báo khu vực với 626 triệu dân này đang bị coi là bất bình đẳng nhất thế giới, hiện phải đối mặt với tâm dịch vào thời điểm nền kinh tế yếu kém (chỉ đạt mức tăng trưởng 0,1% trong năm 2019). Trong năm 2020, bất bình đẳng sẽ tiếp tục gia tăng và lượng kiều hối sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)