1. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo kêu gọi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung chất bát dẫn
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo trong phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Detroit vào ngày thứ Hai đã tiếp tục kêu gọi Hạ viện Mỹ khẩn trương thông qua dự luật “Tạo ra các trợ cấp hữu ích để sản xuất chất bán dẫn” (hay còn gọi là dự luật CHIPS) nhằm thoát khỏi tình trạng gián đoạn nguồn cung trong tương lai cũng như giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc trong lĩnh vực này. Trong phát biểu, bà Raimondo đã nhấn mạnh tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn đang diễn ra trên toàn cầu đã khiến các nhà máy ô tô ở Mỹ phải ngừng hoạt động; đây là bằng chứng cho thấy Mỹ cần phải can dự nhiều hơn vào chuỗi cung ứng, đặc biệt là đối với các linh kiện quan trọng như chip bán dẫn. Bà Raimondo cho biết hiện hoạt động lắp ráp chip của Mỹ chỉ chiếm 12% tổng sản lượng toàn cầu, giảm mạnh so với mức 40% trong những năm 1990. Để có thể vực dậy và khuyến khích đầu tư chip bán dẫn tại Mỹ, bà Raimondo khẳng định Hạ viện Mỹ cần phải thông qua dự luật CHIPS ngay lập tức. Theo CNBC, hiện dự luật Cạnh tranh và Đổi mới nước Mỹ (USICA) đã được lưỡng đảng tại Thượng viện ủng hộ và thông qua từ tháng 6/2021, song đã bị trì hoãn tại Hạ viện. Dự luật CHIPS là một phần của gói dự luật USICA kể trên, bao gồm khoản đầu tư cho sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ lên tới 52 tỷ USD. CNBC cho biết thêm, sự thiếu hụt nguồn cung ứng chip đã tạo ra nhiều vấn đề đối với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, song các nhà sản xuất ô tô ở Detroit, Michigan đã phải chịu ảnh hưởng nhiều hơn các nơi khác.
2. Xu hướng người lao động Mỹ bỏ việc để tự khởi nghiệp
Người lao động tại Mỹ được cho là đang ngày càng muốn có một công việc linh hoạt hơn, có thể khám phá nhiều hơn năng lực của bản thân và thoát khỏi bộ máy quản trị quan liêu của các công ty, doanh nghiệp. Theo đó, đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ đã kích thích tinh thần kinh doanh và tự kinh doanh của người lao động Mỹ, ngày càng có nhiều người lao động đang trở thành các nhà tư vấn và tiểu thương. Xu hướng lao động này cho thấy người lao động Mỹ đang ngày càng tìm tới sự linh hoạt trong công việc, nhu cầu cần giải tỏa các lo ngại phải tiếp xúc với người nhiễm virus, hoặc không còn cảm thấy phù hợp với môi trường văn phòng như trước thời điểm đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, một số ý kiến đã bày tỏ lo ngại xu hướng sẽ làm tình trạng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp trở nên nghiêm trọng hơn, qua đó tạo thêm áo lực buộc lãnh đạo các doanh nghiệp phải điều chỉnh chính sách về việc làm nhằm giữ chân người lao động. Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, so với số liệu vào thời điểm trước đại dịch, tổng số lao động tự kinh doanh hiện đã tăng 6% trong khi tổng số lao động trong thị trường việc làm vẫn thấp hơn gần 3%. Dữ liệu của Cục điều tra dân số (Census) cũng cho biết đã có 4,54 triệu đăng ký doanh nghiệp mới trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng đăng ký doanh nghiệp mới lớn nhất kể từ 2004, trong đó có tới 2/3 đăng ký là các doanh nghiệp một thành viên. Số liệu của Bộ Lao động cũng cho thấy tỷ lệ lao động Mỹ làm cho một công ty quy mô ít nhất 1.000 nhân sự đã lần đầu tiên giảm kể từ năm 2004. Việc xu hướng người lao động tự kinh doanh được cho là xuất phát từ một số nguyên nhân. Thứ nhất, người lao động Mỹ đang ngày càng muốn có sự linh hoạt về thời gian trong công việc để thu xếp chăm lo cho gia đình, từ đó tìm kiếm các cơ hội làm ăn mới phù hợp với bản thân. Thứ hai, sự phổ biến của các nền tảng thương mại trực tuyến, phần mềm hỗ trợ và dịch vụ của một số công ty đã giúp người lao động có thêm nhiều lựa chọn trong việc phát triển hoạt động tự kinh doanh của mình. Thứ ba, các khó khăn trong việc tìm người trông trẻ hoặc sự hỗ trợ hạn chế của các doanh nghiệp cũng đã tác động tới người lao động, nhất là lao động nữ. Thứ tư, chính các khoản hỗ trợ tài chính của Chính quyền liên bang, trong đó có cả khoản hỗ trợ bổ sung cho lao động thất nghiệp đã cung cấp cho người lao động cơ hội tài chính để theo đuổi việc tự kinh doanh. Thứ năm, một phần trong lực lượng lao động đã bỏ việc là do phản đối các quy định về bắt buộc tiêm vắc-xin.
3. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng việc dỡ bỏ thuế quan hàng hóa Trung Quốc sẽ giúp giảm lạm phát tại Mỹ
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, ông Jacob Lew trong trả lời phỏng vấn với CNBC cho rằng việc dỡ bỏ các mức thuế mà Chính quyền Mỹ đã áp lên hàng hóa Trung Quốc trong giai đoạn căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ giúp cải thiện tình trạng lạm phát, song đánh giá hiện không tồn tại không gian chính trị để thực hiện bước đi này. Theo cựu Bộ trưởng, Mỹ và Trung Quốc hiện tại có những khác biệt sâu sắc và rất khó để bất kỳ bên nào có thể đưa ra việc thương lượng, trao đổi. Ông Lew khẳng định thương mại cần là một sân chơi bình đẳng, song cũng đánh giá thuế quan ngay từ đầu đã không phải là một biện pháp hiệu quả để đáp trả các đòn tấn công thương mại của Trung Quốc vào người tiêu dùng Mỹ. CNBC dẫn số liệu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết vào đầu năm 2021, mức thuế trung bình của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc là khoảng 19,3%; trong khi mức thuế của Trung Quốc với các sản phẩm của Mỹ là khoảng 20,7%. Trước khi chiến tranh thương mại diễn ra vào đầu năm 2018, mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc trung bình là 3,1%; trong khi mức thuế Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ là 8%. Theo báo cáo của Moody’s Investors Service vào đầu 2021, các doanh nghiệp Mỹ đang phải chịu phần lớn các gánh nặng chi phí từ các mức thuế này. Đánh giá về tình hình lạm phát hiện nay tại Mỹ, ông Lew cho rằng hiện vẫn chưa có chuyên gia nào nghĩ tới viễn cảnh siêu lạm phát, song nhấn mạnh phản ứng của thị trường đối với tình hình lạm phát hiện rất mạnh. Ông cũng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách cần phải đi đúng hướng và đảm bảo các biện pháp sẽ sử dụng nhằm chống lạm phát không được làm nền kinh tế phát triển chậm lại tới mức giảm tốc độ tăng trưởng.
4. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) lo ngại biến thể Omicron làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát
Phát biểu tại điều trần tại Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, Chủ tịch FED Jerome Powell bày tỏ lo ngại biến thể mới của COVID-19 có nguy cơ làm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trở nên tồi tệ hơn. Tình trạng gián đoạn nguồn cung ứng là một trong các yếu tố đã dẫn tới lạm phát tăng mạnh thời gian qua. Theo ông Powell, các lo ngại lớn hơn về biến thể mới sẽ làm giảm mức độ sẵn sàng làm việc trực tiếp của người lao động, dẫn tới việc thị trường việc làm tiếp tục phục hồi chậm lại và làm trầm trọng hơn tình trạng gián đoạn nguồn cung ứng. Chính sự mất cân bằng trong chuỗi cung ứng đã khiến các nhà sản xuất khó có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng hàng hóa đang gia tăng bên cạnh tình trạng giá năng lượng và thuê nhân công tăng cũng là các yếu tố thúc đẩy lạm phát. Dù vậy, ông Powell vẫn tỏ lạc quan cho rằng các chuyên gia tại FED đang kỳ vọng lạm phát sẽ giảm đáng kể trong năm tới khi sự mất cân bằng trong cán cân cung – cầu có xu hướng giảm. Theo Wall Street Journal, FED tại cuộc họp đầu tháng 11 đã thông qua kế hoạch thu hẹp chương trình mua tài sản và cho biết chương trình dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 6/2022. FED được cho là muốn kết thúc việc mua tài sản trước khi tiến hành tăng trở lại mức lãi suất, vốn vẫn đang được giữ ở mức gần bằng 0. Một số quan chức ở FED đang cân nhắc tới khả năng tiếp tục đẩy nhanh quá trình cắt giảm các khoản mua vào cuộc họp giữa tháng 12 nhằm có thể kết thúc chương trình vào tháng 3/2022. Điều này sẽ giùp các quan chức tại FED có thể linh hoạt hơn trong quyết định tăng trở lại lãi suất vào nửa đầu năm tới.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)