Kinh tế Mỹ

0
52
(AFP)
(AFP)

1. Cam kết cắt giảm phát thải của Tổng thống Biden đòi hỏi những thay đổi lớn ở Mỹ

Để đáp ứng mục tiêu của Tổng thống Biden về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ vào năm 2030 đòi hỏi phải định hình lại các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Một số lĩnh vực của nền kinh tế đã sẵn sàng cho sự thay đổi nhưng một số khác vẫn có những thách thức lớn. Các ngành sẽ phải đối mặt với những chi phí đáng kể mới, trog khi chưa được xác định chính xác và chưa rõ sẽ được trợ cấp bao nhiêu từ các chính sách thuế hoặc ưu đãi của chính phủ.

Các học giả, các nhà tư vấn và những nhà nghiên cứu khí thải của Mỹ cho rằng việc đạt được các mục tiêu của Tổng thống Biden đòi hỏi những thay đổi lớn trong hai lĩnh vực chính là sản xuất điện và cung cấp năng lượng cho ô tô và xe tải. Theo báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, ngành giao thông vận tải tạo ra 29% lượng khí thải của Mỹ, sản xuất điện là 25% và ngành công nghiệp là 23%.

Năm 2020, 39,5% điện năng của Mỹ đến từ các nguồn không phát thải carbon như hạt nhân, gió và năng lượng mặt trời. Theo Nathan Hultman, Giám đốc Trung tâm Bền vững Toàn cầu tại Đại học Maryland, cách dễ nhất để đạt được mức giảm đáng kể là đóng cửa phần lớn các nhà máy nhiệt điện than, và hạn chế các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên.

Lĩnh vực giao thông vận tải đang trở nên “sạch” hơn, chủ yếu là do các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu được nâng cao và các nhà sản xuất ô tô lớn chuyển sang đầu tư vào xe điện. Tuy nhiên cũng cần phải đẩy nhanh các thay đổi để đạt được mục tiêu đề ra. Việc phát triển xe điện sẽ đòi hỏi nguồn cung cấp pin và chất bán dẫn đáng tin cậy. Ngoài ra, còn những thách thức khác như tăng số lượng các trạm sạc trước khi xe điện được đưa ra thị trường một cách rộng rãi. Số lượng xe điện ngày càng tăng cũng đòi hỏi nhiều điện hơn, đồng nghĩa với việc phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt tự nhiên, loại nhiên liệu đang tạo ra 40% điện năng của Mỹ.

Nông nghiệp đóng góp khoảng 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hàng năm của Mỹ và so với các ngành công nghiệp khác thì có ít nhiệm vụ giảm lượng khí thải carbon hơn. Các công ty lớn chế biến ngũ cốc và thịt đã tự nguyện đặt ra các mục tiêu để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngành dầu khí. Giám đốc điều hành của Viện Dầu mỏ Mỹ, Mike Sommers cho biết việc cắt giảm một nửa lượng khí thải của Mỹ vào năm 2030 sẽ mang đến “một sự thay đổi rất, rất quan trọng đối với cách sử dụng năng lượng”.

Lĩnh vực chính để giảm lượng khí thải là ngành công nghiệp nặng. Sản xuất thép, xi măng và hóa dầu đòi hỏi lượng năng lượng lớn và thải ra lượng khí thải đáng kể. Theo Emily Grubert, trợ lý giáo sư về kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Viện Công nghệ Georgia, việc giảm lượng khí thải công nghiệp sẽ rất tốn kém. Exxon Mobil Corp. đã đề xuất kế hoạch trị giá 100 tỷ USD để thu giữ lượng khí thải carbon dọc theo Kênh tàu Houston đã được công nghiệp hóa mạnh mẽ. Các công ty cho biết rất cần sự hỗ trợ của chính phủ trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính.

2. Mỹ cần đảm bảo ổn định năng lực khai thác khoáng sản thiết yếu.

Các nhà phân tích cho biết Mỹ cần phải tập trung vào việc xây dựng năng lực khai thác trong các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công nghệ năng lượng sạch.

Tại hội thảo trực tuyến do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức, Andrew Miller, nhà phân tích của Benchmark Minerals Intelligence, cho rằng việc xây dựng năng lực khai thác là thách thức khó khăn nhất để đảm bảo chuỗi cung ứng của Mỹ dựa vào các khoáng sản quan trọng. Ví dụ như chuỗi cung ứng pin xe điện, trong khi các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng như xây dựng các nhà máy pin mới có thể được thực hiện tương đối nhanh khi có vốn đầu tư thì các công việc thiết yếu như khai thác các khoáng sản quan trọng lại khó khăn hơn vì liên quan đến vấn đề địa chất và năng lực kỹ thuật tiên tiến.

Theo Jane Nakano, chuyên gia cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ phải nhập khẩu hơn một nửa mức tiêu thụ hàng năm 31 trong số 35 loại khoáng sản và đất hiếm quan trọng và trong số đó có 14 loại hoàn toàn dựa vào nhập khẩu. Mỹ khai thác đất hiếm tại mỏ Mountain Pass ở California, sau đó xuất khẩu tinh chất quặng để chế biến vì không đủ năng lực để chế biến trong nước. Cũng theo Nakano, sản xuất khoáng sản đất hiếm của Mỹ đã giảm trong vài thập kỷ qua do toàn cầu hóa và do các nhà hoạch định chính sách của Mỹ quyết định ưu tiên bảo vệ môi trường trong nước hơn là lo ngại phụ thuộc vào nhập khẩu.

Nakano và Miller cho rằng những khoáng sản này là chìa khóa để thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng xanh. Theo Miller, ai kiểm soát các chuỗi cung ứng này sẽ thực sự nắm giữ chìa khóa cho toàn bộ quá trình chuyển đổi năng lượng trong những thập kỷ tới. Trung Quốc đã đầu tư một cách chiến lược vào năng lực khai thác ở các quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Congo và Mỹ nên hướng tới mô hình đó. Trong khi Trung Quốc kiểm soát 70 – 80% sản lượng chế biến nhưng chỉ có khoảng 25% nguyên liệu thô đầu vào cho sản xuất pin thực sự được khai thác ở Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc không tự khai thác nhưng họ kiểm soát dòng chảy thương mại.

Các chuyên gia cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc nhìn nhận một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và lưu ý rằng trong khi đầu tư vào các công nghệ như tái chế, một trong những chiến lược Nhật Bản đã tìm cách áp dụng để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu đó, việc hợp tác với các nước đang phát triển giàu tài nguyên là rất quan trọng.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here