Kinh tế Mỹ

0
45
(AFP)
(AFP)

1. Tổng thống Mỹ đề xuất tăng thuế để hỗ trợ gói kích thích kinh tế

Ngày 26/4/2021, ông Brian Deese, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia đã bảo vệ kế hoạch tăng thuế lợi tức đầu tư đối với các hộ gia đình giàu nhất nước, ông cho rằng kế hoạch tăng thuế này không phải là gánh nặng quá lớn và không phải là rào cản đối với đầu tư kinh doanh.

Ông Deese cho biết Tổng thống Biden dự kiến sẽ tăng thuế lợi tức đầu tư đối với 0,3% hộ gia đình ở Mỹ, những hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 1 triệu USD. Đề xuất tăng thuế này sẽ nhắm vào những hộ gia đình mà phần lớn thu nhập thường không đến từ tiền lương. Ông nói “Đối với những người Mỹ điển hình, phần lớn thu nhập của họ đến từ tiền lương. Vì vậy, đối với những người kiếm được dưới 1 triệu USD một năm, khoảng 70% thu nhập của họ đến từ tiền lương. Nhưng đối với những người kiếm được trên 1 triệu USD, thì ngược lại, khoảng 30% thu nhập của họ đến từ tiền lương”. Mặc dù Deese không tiết lộ chi tiết mức thuế nhưng một số thông tin cho rằng chính quyền sẽ nâng thuế lợi tức đầu tư lên 39,6% đối với các hộ gia đình có thu nhập hơn 1 triệu USD/năm. Tổng thống Biden dự kiến ​​sẽ chính thức đưa ra đề xuất này vào ngày 28/4 như một giải pháp để có nguồn tài trợ cho khoản chi trong “Kế hoạch gia đình Mỹ” sắp tới, dự kiến sẽ tốn khoảng 1 nghìn tỷ USD. Đạo luật này, được cho là sẽ bao gồm các biện pháp nhằm giúp người lao động Mỹ học các kỹ năng mới, mở rộng trợ cấp cho việc chăm sóc trẻ em và miễn học phí đại học cộng đồng cho tất cả mọi người. Ông Deese cũng cho rằng khoản thu được khi đánh thuế suất cao hơn đối với những người Mỹ giàu nhất sau đó được sử dụng trong các chương trình và trợ cấp đã được chứng minh là giúp tăng trưởng kinh tế.

2. Bổ sung khí đốt vào hợp tác khí hậu Mỹ – Trung

Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết giảm tiêu thụ than của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2026, chậm hơn so với mong muốn của các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu, nhưng vẫn là một thách thức đối với nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Một điều có thể giúp ích đồng thời làm êm đẹp mối quan hệ với Mỹ là hợp tác nhiều hơn trong phát triển và thương mại khí đốt tự nhiên.

Trung Quốc đang trong quá trình giảm sử dụng than theo tỷ lệ phần trăm trong cơ cấu năng lượng. Năm 2020, mặc dù có một lượng lớn đầu tư vào điện tái tạo như một phần trong nỗ lực kích cầu của quốc gia, nhiệt điện than cũng vẫn chứng tỏ khả năng tồn tại dai dẳng. Trong tháng 3, sản lượng nhiệt điện của Trung Quốc đã tăng 25,7% so với ngoái, vượt mức tăng trưởng sản lượng điện nói chung gần 10 điểm phần trăm. Các chính sách của Bắc Kinh đối với các nhà máy điện than mới cũng thất thường trong những năm gần đây. Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, đầu năm 2021, Trung Quốc có 247 gigawatt công suất điện than đang được phát triển. Con số này cao hơn 21% so với mức cuối năm 2019 và gấp khoảng 6 lần tổng sản lượng điện than của Đức.

Trong khi đó, Mỹ là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên quan trọng cho châu Á, đang bị sa lầy trong cuộc chiến giành thị phần với Qatar, Australia và những nước khác. Trong tương lai, các kho cảng xuất khẩu khí đốt của Mỹ sẽ được phát huy hơn với sự giúp đỡ của Trung Quốc, nhất là từ khi các kế hoạch mở rộng thị trường của Qatar làm cho các tính toán của các nhà đầu tư Mỹ thêm kém chắc chắn. Trước khi quan hệ Trung – Mỹ lao dốc năm 2018, tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc Sinopec đang xem xét giúp xây dựng dự án đường ống và cảng xuất khẩu LNG ở Alaska. Theo nghiên cứu từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, dù Trung Quốc đang mua rất nhiều năng lượng của Mỹ trong năm qua, tính đến tháng 2/2021, nước này vẫn chưa thực hiện được mức cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Hợp tác khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ quan trọng để phòng ngừa các kịch bản xấu nhất về môi trường trong nhiều thập kỷ tới, mà còn giúp xây dựng một số hàng rào an toàn cho mối quan hệ đang có nguy cơ xấu đi vượt khỏi tầm kiểm soát. Cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn trở thành những nhà lãnh đạo trong thị trường năng lượng tái tạo, nhưng khí đốt là sự hội tụ lợi ích rõ ràng và hiếm có.

3. Nhà Trắng thúc đẩy mục tiêu phát triển 80% lưới điện sạch ở Mỹ vào năm 2030

Theo cho một quan chức chính quyền cấp cao, Nhà Trắng hy vọng sẽ tận dụng được sự ủng hộ ngày càng tăng từ các công ty dịch vụ công ích, nghiệp đoàn và các nhóm môi trường của Mỹ về thẩm quyền năng lượng sạch quốc gia để thúc đẩy Quốc hội thông qua đạo luật quy định lưới điện của Mỹ tiếp nhận 80% điện năng từ các nguồn không phát thải vào năm 2030. Tuy mục tiêu này không đạt được tham vọng của Tổng thống Biden về việc không phát thải carbon của lưới điện vào năm 2035, nhưng là một dấu mốc tạm thời có thể được thông qua theo quy trình điều hòa ngân sách mà không cần sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa.

Yêu cầu các công ty dịch vụ công cộng ngừng sử dụng than và khí đốt tự nhiên là nền tảng trong kế hoạch của Tổng thống Biden nhằm cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn bộ nền kinh tế Mỹ trong thập kỷ tới. Theo một phân tích của các nhà nghiên cứu tại tổ chức Đổi mới Năng lượng và Đại học California, lưới điện của Mỹ hiện đang có tỷ lệ 40% điện sạch, có thể đạt được 80% vào năm 2030 với các công nghệ hiện có mà không làm tăng thêm chi phí cho người sử dụng vì chi phí năng lượng tái tạo và pin đã giảm rất nhiều.

Chính sách này nhận được sự ủng hộ từ các thành viên của cả hai đảng trong Quốc hội, mặc dù đảng Cộng hòa chưa chấp nhận mốc thời gian đầy tham vọng của chính quyền do lo ngại sẽ làm tăng chi phí và làm mất việc làm trong các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.

Nhà Trắng đang cân nhắc các lựa chọn pháp lý khác nhau và trao đổi với các nhà lập pháp của cả hai đảng. 13 công ty dịch vụ lớn đã gửi thư tới Tổng thống Biden để ủng hộ mục tiêu của ngành điện là cắt giảm 80% lượng khí thải dưới mức năm 2005 vào năm 2030.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here