Kinh tế Mỹ

0
48
(Twitter)
(Internet)

1. Mỹ không nên để Trung Quốc dẫn đầu về thương mại.

Ngày 26/5/2021, Bloomberg đưa ra đánh giá rằng dù các chính trị gia của Mỹ lớn tiếng thề sẽ cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng họ dường như sẵn lòng bỏ cuộc và để Bắc Kinh chiến thắng trong một lĩnh vực quan trọng là thương mại. Nếu Tổng thống Biden hy vọng xây dựng một liên minh ở châu Á để đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì ông không thể chấp nhận tư tưởng chiến bại như vậy.

Các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản đặc biệt mong muốn được thấy Mỹ tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định thương mại tự do gồm 11 quốc gia với mục tiêu ban đầu là củng cố mối quan hệ của Mỹ với châu Á. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền vẫn tiếp tục né tránh các câu hỏi về Hiệp định này. Đồng thời, theo Bloomberg News, Trung Quốc đã bắt đầu các cuộc đàm phán thăm dò về khả năng gia nhập CPTPP của họ.

CPTPP có các quy định chặt chẽ về trợ cấp, dữ liệu, bảo vệ lao động và môi trường. Nếu tham gia CPTPP, Trung Quốc sẽ phải thực hiện các cải cách sâu rộng, xử lý một số lo ngại lớn của các nước về các hoạt động thương mại của Trung Quốc. Mỹ sẽ có thể ngăn chặn Trung Quốc tham gia CPTPP nếu họ không tin tưởng vào các cam kết của Trung Quốc và có thể buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm các quy tắc. Mặt khác, các thành viên hiện nay của CPTPP có thể không muốn hoặc không có khả năng chống lại áp lực của Trung Quốc. Hiệp định CPTPP có một số khoảng trống cho Trung Quốc duy trì một số hành động làm méo mó thương mại như việc trợ giúp các doanh nghiệp nhà nước. Các thành viên CPTPP có thể chịu sức ép để ký các thoả thuận cho phép Bắc Kinh có những thuận lợi nhất định. Nếu tham gia, Trung Quốc sẽ là thành viên lớn nhất của nhóm; các nước nhỏ hơn sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát các vi phạm, và Trung Quốc có thể phủ quyết sự gia nhập của Mỹ nếu Mỹ muốn gia nhập cơ chế này tương lai.

Có thể phải cần vài năm nữa để Trung Quốc có thể gia nhập Hiệp định, nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ có thể giữ nguyên quan điểm hiện nay. Việc phớt lờ các đối tác trong khu vực khiến họ nghi ngờ về cam kết của Mỹ với châu Á. Các quốc gia muốn giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc ít có khả năng thử làm việc này nếu Mỹ không đưa ra giải pháp thay thế. Nếu Mỹ quyết định đối đầu với các đồng minh về việc thao túng tiền tệ hoặc các hành vi bị cho là vi phạm thương mại, thì sự ủng hộ của khu vực với Mỹ sẽ càng giảm hơn nữa. Trong khi đó, thiệt hại cho người lao động và công ty Mỹ sẽ tăng lên gấp bội. Hiệp định TPP ban đầu ước tính sẽ tăng thêm 130 tỷ USD mỗi năm vào tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ cho tới năm 2030.

Nhật Bản và Singapore, Chủ tịch luân phiên của CPTPP trong năm nay và năm sau, rất muốn biết Nhà Trắng có nghiêm túc trong việc cân bằng lợi ích của Trung Quốc hay không. Các thành viên khác của CPTPP sau đó có thể tập trung vào các sửa đổi cần thiết để Mỹ tham gia. Một hiệp ước cập nhật sẽ thiết lập các tiêu chuẩn thương mại toàn cầu; củng cố các mối quan hệ của Mỹ; nâng cao năng lực cạnh tranh và mang lại lợi ích cho người lao động, công ty và người tiêu dùng Mỹ.

Cùng với các chính sách trong nước nhằm thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng và thịnh vượng, thương mại tự do là một động lực hướng tới các mục tiêu tốt đẹp. Nếu Biden và các nhà lãnh đạo quốc hội nghiêm túc về việc nâng cao mức sống và đi trước Trung Quốc, họ cần phải hành động ngay.

2. USTR đề xuất bổ sung vấn đề lao động cưỡng bức trong các cuộc đàm phán về nghề cá của WTO

Ngày 26/5/2021, Inside Trade đưa tin Mỹ đề xuất các biện pháp bổ sung chống lao động cưỡng bức trên tàu cá vào một thỏa thuận đang được thương lượng của WTO về hạn chế trợ cấp nghề cá có hại. Mỹ cho rằng lao động cưỡng bức không chỉ là một vấn đề đạo đức mà còn mang lại cho những người sử dụng nó một “lợi thế giá không công bằng”. Đây là đề xuất đầu tiên của chính quyền Biden trong các cuộc đàm phán về nghề cá. Đề xuất này được đánh giá là con đường quan trọng để Hội nghị cấp Bộ trưởng của WTO sắp tới đạt được một kết quả hiếm hoi. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã đưa ra đề xuất này như một nỗ lực nhằm đảm bảo phát triển bền vững và giúp các chính sách thương mại phục vụ người lao động tốt hơn – một trong những mục tiêu chính của chính quyền..

Theo bà Tai, lao động cưỡng bức gây nguy hại cho cuộc sống và hạnh phúc của ngư dân và người lao động trên khắp thế giới và cần phải bị loại bỏ. Bà cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác và đồng minh của mình để thúc đẩy một hệ thống thương mại quốc tế công bằng giải quyết tính bền vững của nguồn lợi thủy sản và mang lại lợi ích cho người lao động và công dân trên toàn thế giới. USTR đề xuất bổ sung thêm ngôn ngữ về lao động cưỡng bức vào dự thảo văn kiện đang được đàm phán và được công khai vào đầu tháng này. Cụ thể, Mỹ đề xuất bổ sung lao động cưỡng bức vào các nghĩa vụ minh bạch và mở rộng phạm vi cấm đối với các khoản trợ cấp góp phần vào hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý.

Mỹ mong muốn lệnh cấm trợ cấp đánh bắt IUU bao gồm cả “các hoạt động liên quan đến đánh bắt để hỗ trợ cho nghề cá”. USTR không nêu chi tiết những hoạt động đó sẽ bao gồm những gì, nhưng USTR đã đưa ra ví dụ về việc trung chuyển ngoài khơi. USTR cho rằng việc trung chuyển này có thể giúp một con tầu bốc dỡ cá và tiếp nhận nhiên liệu và đồ hậu cần trên biển dài ngày mà không cần quay lại bờ và có thể cho phép tàu đó sử dụng lao động cưỡng bức mà không bị phát hiện.

Theo đề xuất này, hàng năm các thành viên phải thông báo cho WTO về các tàu tham gia khai thác IUU và về bất kỳ thỏa thuận tiếp cận nghề cá nào. Mỹ đề xuất rằng các thành viên cũng thông báo về “bất kỳ tàu và người điều hành nào mà Thành viên có thông tin cho thấy việc sử dụng lao động cưỡng bức, cùng với các thông tin liên quan trong phạm vi có thể.” Đề xuất cũng thêm một số nội dung vào phần mở đầu của văn kiện cũng như phần mở đầu của chương về cấm đánh bắt IUU.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here