Kinh tế Mỹ

0
53
(AFP)
(AFP)

1. Ông Biden lên kế hoạch tăng thuế lớn đầu tiên trong gần 30 năm

Theo Bloomberg, Tổng thống Biden đang lên kế hoạch tăng thuế liên bang lớn đầu tiên trong gần 30 năm để tài trợ cho các chương trình kinh tế, trong đó có gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD mới được thông qua. Việc tăng thuế cũng cụ thể hóa những lời hứa mà ông Biden đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2020 của mình.

Theo đó, dự kiến chính quyền sẽ tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%; tăng thuế thuế thu nhập đối với những người thu nhập hơn 400.000 USD/năm và cả nhóm đối tượng thu nhập ít nhất 1 triệu USD/năm; mở rộng thuế động sản; cắt giảm các ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp.

Một phân tích độc lập của Trung tâm Chính sách Thuế thực hiện cho thấy kế hoạch trên sẽ huy động được khoảng 2,1 nghìn tỷ USD trong 10 năm.

Việc tăng thuế có thể sẽ bao gồm việc bãi bỏ một phần luật thuế năm 2017 của cựu Tổng thống Trump vốn có lợi cho các tập đoàn và cá nhân giàu có. Ông Biden đã nói trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ bãi bỏ việc cắt giảm thuế của Trump vào “ngày đầu tiên” cầm quyền, mặc dù đến nay ông vẫn chưa làm như vậy. Theo Bloomberg, bất kỳ đợt tăng thuế nào được thông qua có thể có hiệu lực từ năm 2022.

Các nghị sỹ Dân chủ đã bày tỏ sự lưỡng lự trước việc tăng thuế. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin (W.Va.) trước đó đã nói với The Hill rằng việc bãi bỏ các đợt cắt giảm thuế của ông Trump sẽ không phù hợp và “Mọi thứ đang còn thảo luận.” Một số nhà lập pháp đã kêu gọi chính quyền đình chỉ kế hoạch vì tỷ lệ thất nghiệp liên quan do đại dịch vẫn ở mức cao.

Đảng Cộng hòa được kỳ vọng sẽ chống lại bất kỳ đề xuất tăng thuế, mặc dù có thể ủng hộ một số biện pháp như chuyển từ thuế xăng thành một khoản phí giao thông tùy thuộc quãng đường xe chạy; và đề nghị duy trì các ưu đãi thuế ngăn các công ty Mỹ chuyển việc làm và lợi nhuận ra khỏi đất nước.

2. Bộ trưởng Tài chính Yellen thúc đẩy việc áp thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tập đoàn đa quốc gia

Theo The Hill, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đang trao đổi với những người đồng cấp trên thế giới để xây dựng một thỏa thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tập đoàn đa quốc gia, trong khi Nhà Trắng tìm kiếm nguồn ngân sách cho các kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Biden.

Nỗ lực này có thể chứng minh một trong các ưu tiên lớn trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden. Gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD vừa được thông qua được tài trợ hoàn toàn bằng khoản vay bổ sung của chính quyền liên bang. Nhưng chính quyền dự kiến ​​sẽ tăng thuế một phần để chi trả cho các kế hoạch chi tiêu, chẳng hạn như gói đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ và gói việc làm đang được các quan chức Nhà Trắng và đảng Dân chủ tại Quốc hội thảo luận.

Tuy nhiên một số chuyên gia thuế, nhóm doanh nghiệp và các nghị sỹ Đảng Cộng hòa cho rằng việc tăng thuế suất có thể gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Mỹ. Các quốc gia trên toàn thế giới đã cùng với Mỹ đua nhau giảm thuế s để thu hút đầu tư của doanh nghiệp, một xu hướng mà một số nhà kinh tế coi là một “cuộc chạy đua xuống đáy”. Thuế suất trung bình của các quốc gia là khoảng 24%, theo Tax Foundation. Chỉ trong năm ngoái, 09 quốc gia, bao gồm cả Pháp, đã giảm thuế suất thuế doanh nghiệp.

Bà Yellen đang nỗ lực vận động tại OECD với hơn 140 quốc gia thành viên. Mục đích là để các quốc gia đồng ý về nguyên tắc với một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu – mặc dù sẽ không ràng buộc – điều này sẽ khiến các tập đoàn đa quốc gia khó có thể lựa chọn giữa các nước và đe dọa rời đi.

Bà Yellen trong vài tuần đầu tiên nhậm chức đã nói về các cuộc đàm phán thuế của OECD với các Bộ trưởng tài chính của Đức và Pháp. Vào cuối tháng 2, bà Yellen cũng trao đổi với nhóm G20 rằng Mỹ đã từ bỏ việc cho phép các công ty từ chối các loại thuế kỹ thuật số toàn cầu mới – một động thái được các quốc gia châu Âu khác hoan nghênh. Bà cũng nói “Các công ty Mỹ cần phải cạnh tranh trên toàn cầu và đó là lý do tại sao các cuộc đàm phán OECD này rất quan trọng.”

Vẫn chưa rõ liệu Yellen và OECD có thể đàm phán thành công một thỏa thuận mới hay không, đặc biệt là do sự phức tạp liên quan đến việc phối hợp giữa các quốc gia. Theo OECD, từ năm 2000 đến năm 2018, 76 quốc gia đã cắt giảm thuế suất thuế doanh nghiệp. Trong khi chỉ 12 quốc gia duy trì mức thuế và chỉ có 06 quốc gia tăng mức thuế này.

Năm 2000, hơn 55 quốc gia có thuế suất doanh nghiệp trên 30%, nhưng hiện nay chỉ còn chưa đến 20 quốc gia.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here