Kinh tế Kuwait dự kiến đạt mức tăng trưởng 2,4% năm 2018

0
122

Theo báo cáo mới nhất về khu vực Trung Đông Quý II năm 2018 của ICAEW (Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và Xứ Wales), nền kinh tế Kuwait đang trên đà phục hồi sau một năm khó khăn 2017. Nhìn chung, tăng trưởng GDP của Kuwait dự kiến sẽ phục hồi lên 2,4% vào năm 2018 và ổn định khoảng 3% vào năm 2020-2021. Tuy nhiên, ICAEW lo ngại về tác động tiêu cực từ các mâu thuẫn đang diễn ra giữa chính phủ và Quốc hội. Báo cáo cho rằng sự tăng trưởng tích cực đạt được là nhờ giá dầu cao hơn và tăng chi tiêu cho dự án nhằm đa dạng hóa nền kinh tế. Kuwait cũng đang tăng cường nỗ lực khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài với cải cách cho phép sở hữu nước ngoài hoàn toàn của các công ty bên ngoài các đặc khu kinh tế và các biện pháp chống tham nhũng.

Trong khi nền kinh tế Kuwait vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu, chiếm 90% tổng nguồn thu, việc giá dầu tăng cao đã tạo điều kiện cho chính sách chi tiêu cởi mở hơn trong năm 2018. Cải thiện thanh khoản và sự ổn định dòng vốn của các dự án cơ sở hạ tầng sử dụng vốn tư nhân cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng phi dầu mỏ. Báo cáo dự kiến giá dầu trung bình sẽ ở mức 71 USD/thùng vào năm 2018, cao hơn gần 30% so với mức trung bình năm 2017 là 54 USD. Sản lượng dầu của Kuwait dự kiến sẽ tăng 0,5% trong năm nay, sau khi giảm 6,1% trong năm 2017. Tuy nhiên, kết hợp với giá dầu tăng và nâng công suất lọc dầu, tăng trưởng ngành dầu mỏ của nước này có thể sẽ tăng lên 1,4% vào năm 2018.

Do giá dầu tăng cao, thâm hụt ngân sách sẽ giảm từ 9,9% GDP năm 2017 xuống khoảng 0,8% trong năm tài chính 2018/19 sau đó sẽ tiến tới thặng dư nhỏ. Mặt khác, nền kinh tế phi dầu mỏ sẽ tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng lên 3,5% vào năm 2018, từ mức 2,5% vào năm 2017 và 2% trong năm 2016. Điều này phản ánh việc Kuwait tiếp tục cam kết tăng chi đầu tư cũng như tăng cường thu hút FDI. Cả hai nỗ lực đều được ghi nhận trong Kế hoạch Kuwait mới 2035 công bố vào tháng 01/2017 và kế hoạch phát triển 2015-2020, trị giá 116 tỷ USD thông qua các dự án lớn, cải thiện cơ sở hạ tầng bao gồm giáo dục và y tế cũng như tăng nguồn cung nhà ở. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy các biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc vào lao động nhập cư, một phần bằng cách hạn chế giấy phép lao động cho sinh viên mới tốt nghiệp trong khu vực tư nhân và ngành dầu mỏ.

Maya Senussi, Cố vấn kinh tế ICAEW và chuyên gia kinh tế cao cấp của Kuwait tại Oxford Economics cho biết: “Nền kinh tế của Kuwait có vẻ ổn định trong ngắn hạn nhưng cần nhiều nỗ lực hơn để xây dựng một nền kinh tế bền vững và cạnh tranh. Chính phủ phải tăng nguồn thu của mình dựa trên các lĩnh vực ngoài dầu mỏ. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa chính phủ và Quốc hội sẽ tiếp tục là thách thức đối với các hoạt động chi cho các dự án cũng như toàn bộ nền kinh tế”. Quốc hội Kuwait đã thông qua việc đánh thuế chuyển tiền kiều hối của lao động nước ngoài, có khả năng tăng thêm 230 triệu USD mỗi năm (khoảng 0,5%) vào nguồn thu của chính phủ. Tuy nhiên, Quốc hội vẫn chưa thông qua dự luật thuế chọn lọc và việc áp dụng thuế VAT, sau khi bị các thành viên Quốc hội phản đối, đã bị trì hoãn cho đến ít nhất năm 2019. Các nền kinh tế Trung Đông cũng đang trên đà phục hồi từ một năm khó khăn trong năm 2017, khi tăng trưởng chậm lại xuống mức thấp nhất trong 8 năm chỉ ở mức 1,0%. Nhìn chung, GDP của Trung Đông dự kiến sẽ tăng 2,4% trong năm 2018, mặc dù một sự khởi đầu tương đối chậm trong quý đầu tiên và một môi trường địa chính trị căng thẳng. Tuy nhiên, triển vọng và rủi ro cho các nền kinh tế Trung Đông cũng khác nhau.

Theo báo cáo, triển vọng kinh tế của GCC hứa hẹn trong năm nay nhờ giá dầu tăng cao, chi tiêu chính phủ cao hơn và quá trình cải cách kinh tế ổn định. Nhìn chung, GDP của GCC dự kiến sẽ tăng 2,3% trong năm nay, tăng từ 0,1% của năm ngoái. Và khi OPEC tăng sản lượng dầu, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đẩy nhanh hơn nữa cho các nhà xuất khẩu dầu trong năm nay và năm 2019. Mohamed Bardastani, Cố vấn kinh tế ICAEW và chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung Đông tại Oxford Economics cho biết: “Các nền kinh tế Trung Đông sẽ tăng trưởng GDP trong năm nay và năm 2019 nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta nên tự mãn. Trong khi căng thẳng thương mại, rủi ro địa chính trị và lãi suất tiếp tục tăng thì cải cách kinh tế là cần thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bền vững và toàn diện”.

(Đại Sứ Quán Việt Nam tại Cô-oét – Theo Arab Times 04/7/2018)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here