Trong bối cảnh nền kinh tế Hàn Quốc hiện đang phải “vật lộn” để đạt được những mục tiêu trong lĩnh vực kinh tế khi phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn, thách thức, có một số ý kiến cho rằng Chính phủ nước này cần đẩy mạnh chi tiêu để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, hành động này có vẻ như không giải quyết được tận gốc vấn đề bởi hiện nay tăng trưởng của quốc gia này chủ yếu là kết quả của các khoản đầu tư công, trong khi đầu tư từ khu vực tư nhân sụt giảm nghiêm trọng. Trước tình hình như hiện nay, Nhà kinh tế Park Seok-gil hiện đang làm việc tại Tập đoàn Tài chính JPMorgan Chase & Co cho biết Hàn Quốc khó có khả năng đạt được mức tăng trưởng 2,2% trong năm 2019. Tình trạng tăng trưởng kinh tế ảm đạm cũng xuất hiện ngay cả trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, tiêu biểu là trường hợp của Tập đoàn SK Hynix Inc – nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Hàn Quốc, xếp sau tập đoàn Điện tử Samsung khi Tập đoàn dự định cắt giảm “lượng lớn” đầu tư trong năm 2020 sau khi lợi nhuận trong Quý II/2019 giảm 89% kể từ đầu năm. Nhằm đối phó với tình hình hiện tại, trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã tiến hành cắt giảm lãi suất, đồng thời hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2019 từ 2,5% xuống 2,2%.
Tình trạng u ám của nền kinh tế Hàn Quốc một phần lớn bắt nguồn từ những bất ổn địa chính trị trong khu vực và trên thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của các nhà đầu tư. Ở tầm quốc tế, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung làm gián đoạn toàn bộ hệ thống thương mại quốc tế, phá vỡ các chuỗi giá trị gia tăng và các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở khía cạnh khu vực, Triều Tiên đã tiến hành phóng hai tên lửa tầm gần ở phía Đông Bán đảo Triều Tiên, cùng với đó là căng thẳng thương mại với đối tác thương mại lâu đời của Hàn Quốc là Nhật Bản (theo đó, Nhật Bản hạn chế xuất khẩu 3 vật liệu bán dẫn quan trọng sang Hàn Quốc và loại nước này khỏi “danh sách trắng” – các đối tác thương mại tin cậy khi nước này cung cấp đến 32% các mặt hàng linh kiện điện tử cho Hàn Quốc). Đối với Hàn Quốc, có lẽ tác động của căng thẳng thương mại với Nhật Bản thậm trí còn lớn hơn rất nhiều so với ảnh hưởng từ cuộc thương chiến Mỹ – Trung. Theo dự báo, trong trường hợp các biện pháp thắt chặt xuất khẩu này kéo dài, ngành sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc có thể giảm 10% số lượng sản phẩm, kéo theo là tăng trưởng kinh tế giảm 0,2%.