
Cuộc khủng hoảng “thiết quân luật” có thể hủy hoại những nỗ lực của chính phủ và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc suốt một năm qua. Về lâu dài, sự việc này có thể để lại ấn tượng rất xấu về tài sản Hàn Quốc trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo HK01 ngày 4/12, sau khi ban bố tình trạng thiết quân luật kéo dài 6 giờ, con đường nắm quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol không còn tươi sáng. Cuộc thăm dò do cơ quan thăm dò dư luận Hàn Quốc Gallup Korea công bố ngày 8/11 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Yoon Suk Yeol chỉ đạt 17%, trong khi tỷ lệ không ủng hộ lên tới 74%.
Có nhiều lý do khiến ông Yoon Suk Yeol không còn được ủng hộ, bởi ông đã đánh mất yếu tố cốt lõi – mất cơ sở để cầm quyền, cơ sở của ông chủ yếu bao gồm các nhà kinh tế trẻ. Trong con mắt của các nhà kinh tế trẻ, chỉ cần nền kinh tế đủ tốt để đảm bảo cuộc sống thì những thứ khác như dân chủ không thành vấn đề. Tuy nhiên, sau khi Yoon Suk Yeol lên nắm quyền, thành quả kinh tế của Hàn Quốc không hề tốt, khiến các nhà kinh tế trẻ thất vọng.
Trong hai năm kể từ khi Yoon Suk Yeol nhậm chức, thứ hạng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc trên thế giới đã giảm trở lại mức 11 năm trước. Theo số liệu của Ngân hàng Hàn Quốc, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Hàn Quốc năm 2023 là 1.712 tỷ USD, đứng thứ 14 thế giới và kém cả Mexico.
Nền kinh tế Hàn Quốc chưa được cải thiện như mong đợi, thay vào đó rơi vào tình trạng khó khăn do giá cả cao, việc làm thấp và khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.
Khái niệm “thị trường tự do” mà ông Yoon Suk Yeol theo đuổi không những không kích hoạt được nền kinh tế mà còn cho phép giới tài phiệt độc quyền thị trường, khiến người dân thường gặp nhiều khó khăn. Chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bất lực và thậm chí có lúc còn bảo vệ hành vi sai trái của các chaebol (các tập đoàn gia đình lớn chi phối nền kinh tế, chính trị và xã hội Hàn Quốc), điều này đã làm tăng thêm tâm lý bất bình của người dân.
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc từng đăng bài xã luận có tựa đề “Hàn Quốc đã bị Trung Quốc vượt qua và khoảng cách sẽ ngày càng rộng hơn”. Bài báo cho biết Hiệp hội thương mại Hàn Quốc gần đây đã thực hiện các cuộc phỏng vấn 30 doanh nhân Hàn Quốc đang làm việc tại Trung Quốc, kết quả cho thấy ngoại trừ lĩnh vực bán dẫn, Trung Quốc đã hoàn toàn đuổi kịp Hàn Quốc.
Trên thực tế, cảm giác khủng hoảng ở Hàn Quốc không chỉ đến từ giới tư nhân và doanh nghiệp. Vào tháng 2, Bộ Khoa học, Công nghệ, Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc đã công bố “Kết quả đánh giá trình độ công nghệ năm 2022”, báo cáo cho thấy trình độ phát triển của Hàn Quốc trong 11 lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm lần đầu tiên đã bị Trung Quốc vượt qua, bao gồm: xây dựng, giao thông, hàng không, quốc phòng, máy móc chế tạo, vật liệu nano, nông nghiệp, lâm nghiệp… Một số học giả cảnh báo: “Hiện tại, chỉ 10% các ngành cạnh tranh của Hàn Quốc còn có khả năng cạnh tranh, nếu tiếp tục chần chừ, tất cả các ngành đó có thể mất đi khả năng cạnh tranh”.
Nhìn ra thế giới, rất ít nước phát triển muộn thực hiện được công nghiệp hóa và Hàn Quốc chắc chắn là một trong những nước mang tính đại diện nhất. Những năm đầu, Hàn Quốc từng phát triển mạnh trong các lĩnh vực thép, đóng tàu, hóa dầu, ô tô, màn hình LCD, chất bán dẫn…, tuy nhiên, ngày nay, e rằng chỉ còn lại chất bán dẫn vẫn còn trụ vững, những ngành sản xuất truyền thống như thép, hóa dầu và ngay cả ô tô cũng có thể không còn là đối thủ của Trung Quốc.
Điển hình nhất là ngành đóng tàu, lúc đầu do Nhật Bản và Hàn Quốc thống trị, sau đó hình thành xu hướng ngang hàng với Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng với những đột phá về công nghệ trong ngành đóng tàu Trung Quốc những năm gần đây, thị phần của các nhà máy đóng tàu Nhật Bản và Hàn Quốc dần bị thu hẹp lại. Theo dữ liệu từ Clarkson Research – một công ty nghiên cứu của Anh, Trung Quốc chiếm 60% thị phần đặt hàng tàu của nhiều quốc gia vào năm 2023 (tính theo khối lượng xây dựng), tăng 9 điểm phần trăm so với năm 2022; Hàn Quốc giảm 9 điểm phần trăm xuống còn 24%, còn Nhật Bản chỉ chiếm 11%.
Các đơn đặt hàng đóng tàu mới toàn cầu vào tháng 8/2024 là 106 tàu, với tổng trọng tải (CGT) sửa đổi là 3,87 triệu tấn, trong đó, Trung Quốc giành được 90% đơn đặt hàng với 95 tàu (3,47 triệu tấn). Trong nửa đầu năm 2024, ba chỉ số chính của ngành đóng tàu Trung Quốc (hoàn thành đóng tàu, đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng hiện có) lần lượt chiếm 55%, 74,7% và 58,9% của thế giới.
Ngày 29/4, Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) và Công ty dầu khí QatarEnergy đã ký hợp đồng, theo đó sẽ đóng cho QatarEnergy 18 tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), với tổng giá trị gần 6 tỷ USD, lập kỷ lục về đơn đặt hàng tàu mới. Trước đây, hầu hết các đơn đặt hàng tàu có giá trị cao đều đến từ các nhà máy đóng tàu Hàn Quốc. Theo báo cáo tài chính năm 2023 của ba công ty vận tải biển lớn của Hàn Quốc, do sự trỗi dậy của các công ty Trung Quốc và các nguyên nhân khác, doanh thu của ba công ty vận tải biển này đã giảm khoảng 70% so với mức đỉnh 10 năm trước.
Tại sao Hàn Quốc mất vị thế trong cuộc cạnh tranh ngành nghề? Thứ nhất, thành công của ngành công nghiệp Hàn Quốc trước đây được mô tả là “chiến thắng tốc độ”, nhưng hiện nay nước này đã tụt hậu so với Trung Quốc về tốc độ và hiệu quả. Thứ hai, quy mô thị trường Hàn Quốc hạn chế sự nhiệt tình đầu tư của doanh nghiệp và nguồn vốn. Thứ ba, các công ty Hàn Quốc chịu sự hạn chế của các chính sách, quy định và không thể đạt được mục tiêu thương mại hóa nhanh chóng.
Lấy ô tô không người lái làm ví dụ, Trung Quốc và Mỹ đã dẫn đầu về hoạt động thương mại, Trung Quốc thậm chí còn đưa ra các khái niệm như taxi không người lái, chuyển phát nhanh không người lái và vận tải hàng không đô thị. Tại Hàn Quốc, việc xác minh kỹ thuật bị kéo dài do các hạn chế về quy định. Cùng với nhu cầu thị trường toàn cầu về ô tô không người lái tăng lên, các công ty ô tô Hàn Quốc có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội này và cuối cùng bị loại bỏ khỏi cuộc đua. Về trí tuệ nhân tạo (AI), trong khi châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang loay hoay tìm cách quản lý giám sát AI thì Trung Quốc và Mỹ đã tung ra nhiều mô hình thương mại lớn. Nhìn chung, quá nhiều quy định sẽ làm tắc nghẽn các mạch máu đổi mới công nghệ, bởi một khi công nghệ mới không thể được thương mại hóa nhanh chóng, sẽ cản trở động lực cập nhật.
Sự hạn chế về phát triển ngành nghề đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm. Theo số liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc, 680.000 thanh niên trong độ tuổi 20-30 không đi làm và chỉ muốn ở nhà, tăng 67.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thậm chí còn cao hơn thời kỳ đại dịch COVID-19, lập mức cao kỷ lục trong lịch sử Hàn Quốc.
Một giáo sư tại Đại học Hàn Quốc, từng phân tích: Tại Hàn Quốc, những việc làm có triển vọng tốt và lương cao chỉ chiếm khoảng 10% tổng số việc làm. Có sự chênh lệch nghiêm trọng giữa công việc mà người trẻ mong đợi và công việc mà thị trường có thể cung cấp. Do đó, ngày càng nhiều người trẻ từ bỏ tìm kiếm việc làm. Những người trên 70 tuổi cũng muốn tranh giành cơ hội việc làm với những người trẻ.
Theo một bài viết trên tờ Chosun Ilbo vào tháng 7, thống kê của Cục Thống kê Hàn Quốc cho thấy trong nửa đầu năm nay, số người có việc làm trung bình hàng tháng là 28,45 triệu, tăng 220.000 so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, nhóm chính lại là những người trên 70 tuổi và số người có việc làm dưới 30 tuổi giảm 115.000 người. Theo thống kê của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2020, tỷ lệ nghèo của người trên 66 tuổi ở Hàn Quốc là 40,4%, cao gấp gần 3 lần mức nghèo trung bình của các nước thành viên OECD.
Trong khi đó, người Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát toàn diện. Số liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc năm 2023 cho thấy mức tăng giá của các nhà hàng đã đạt kỷ lục kể từ tháng 5/1992, trong khi giá nước, điện, gas lại tăng mạnh sau khi tăng 23,1% vào tháng 10/2022. Chi tiêu tiếp tục tăng nhưng thu nhập lại giảm, người dân Hàn Quốc đang nợ nần chồng chất. Theo số liệu chính thức của Hàn Quốc, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên thu nhập khả dụng (DTI) đã tăng từ 138,5% năm 2008 lên 203,7% vào năm 2022, vượt xa mức trung bình của các nước phát triển khác. Mức nợ cao đã ảnh hưởng hơn nữa đến sự phát triển của nền kinh tế.
Có một câu nói lưu hành trong xã hội Hàn Quốc: Lạm phát tiêu dùng, thiếu việc làm và nợ nần chồng chất có nghĩa là người Hàn Quốc chỉ có thể đi chùa để tìm chút an ủi. Một cách gián tiếp, điều đó cũng cho thấy người Hàn Quốc không còn tin tưởng vào việc chính phủ có thể cải thiện nền kinh tế.
Cuộc khủng hoảng “thiết quân luật” có thể hủy hoại những nỗ lực của chính phủ và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc suốt một năm qua. Về lâu dài, sự việc này có thể để lại ấn tượng rất xấu về tài sản Hàn Quốc trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Một số nhà đầu tư trong ngành lo lắng tình trạng bất ổn chính trị hiện nay có thể kéo dài hơn nữa thời gian của hiện tượng “giảm giá Hàn Quốc”. Jason Thomas, Giám đốc nghiên cứu chiến lược đầu tư toàn cầu tại Tập đoàn Carlyle, cho biết: “Chúng tôi dự đoán mức độ biến động sẽ cao hơn trong tương lai, điều này có thể thực sự làm trầm trọng thêm cái gọi là hiện tượng ‘giảm giá Hàn Quốc’. Phí bảo hiểm rủi ro sẽ tăng lên trong một thời gian”.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã tổ chức họp khẩn vào ngày 4/12, cho biết sẽ tăng tính thanh khoản ngắn hạn và thực hiện các biện pháp ổn định thị trường ngoại hối khi cần thiết. Tuy nhiên, chắc chắn rằng tình trạng hỗn loạn này đủ để gây ra sự bất an về phí bảo hiểm rủi ro chính trị cho tài sản của Hàn Quốc – các yếu tố cơ bản sẽ không phục hồi hoàn toàn và phần phí bảo hiểm rủi ro sẽ không biến mất.
Sau khi Trump giành chiến thắng, nhiều người tham gia thị trường đã khá lo lắng về triển vọng của tài sản Hàn Quốc. Sau cuộc khủng hoảng này, nhiều nghi ngờ sẽ nảy sinh, chẳng hạn như liệu việc chỉnh đốn tài chính có bị trì hoãn hay không và sẽ có tác động gì đến Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc. Tất cả những yếu tố này đều không tốt cho tài sản của Hàn Quốc.
Sau khi Yoon Suk Yeol lên nắm quyền, kinh tế của Hàn Quốc suy giảm mạnh và các ngành cốt lõi của Hàn Quốc như đóng tàu, ô tô và chất bán dẫn chịu tác động mạnh mẽ. Mô hình kinh tế truyền thống của Hàn Quốc dường như đang dần mất đi sức sống, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, thậm chí trì trệ trong nhiều năm. Yoon Suk Yeol không đạt được thành tựu gì trong phát triển kinh tế và chỉ ngồi nhìn Hàn Quốc tụt lại phía sau. Nếu ông không nắm rõ mâu thuẫn cơ bản trong sự phát triển của đất nước là gì thì chỉ có thể mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng chính trị.
Trần Quyên