Khó khăn dai dẳng và các vấn đề về cơ cấu
Đường phục hồi ngày càng xa
Sự phục hồi kinh tế được mong đợi từ lâu của Đức dường như đang ngày càng xa xôi khi các Viện nghiên cứu kinh tế chủ chốt hạ dự báo trong những năm tới. Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức vừa cho biết nền kinh tế này dự kiến sẽ trì trệ vào năm 2025, sau khi giảm 0,3% vào năm 2023 và dự kiến giảm 0,2% vào năm 2024.
Báo cáo của Viện này cho biết, nền kinh tế Đức không thể thoát khỏi tình trạng trì trệ, đồng thời nói thêm rằng “hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ.” Tăng trưởng năm 2026 cũng được điều chỉnh giảm xuống 0,9% từ mức dự báo 1,1% trước đó.
Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW Berlin) cũng lặp lại triển vọng ảm đạm này với dự báo nền kinh tế Đức chỉ tăng trưởng 0,2% năm 2025, giảm so với dự kiến trước đó. Tuy nhiên, DIW cho biết tăng trưởng dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 1,2% vào năm 2026.
Chuyên gia Geraldine Dany-Knedlik phụ trách bộ phận dự báo kinh tế tại DIW cho biết: “Chúng ta đang phải đối mặt với sự kết hợp đầy thách thức giữa sự suy yếu theo chu kỳ và các vấn đề về cấu trúc”. Bà chỉ ra rằng chi phí năng lượng và vật liệu tăng, cạnh tranh và chính sách thuế quan thương mại tiềm tàng của Mỹ là những trở ngại lớn đối với sản xuất và xuất khẩu của Đức.
Sự suy yếu đáng chú ý hơn cả diễn ra ngay trong chính lĩnh vực sản xuất – động lực quan trọng của nền kinh tế Đức. Trên thực tế, các cơ sở công nghiệp của nước này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong một thời gian dài, cho thấy sự suy yếu bắt nguồn từ các vấn đề về cấu trúc chứ không chỉ mang tính chu kỳ tạm thời.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất trong tháng 9 đã giảm mạnh xuống còn 40,6. Đây đã là tháng thứ 27 liên tiếp chỉ số suy giảm, phản ánh sự thu hẹp của hoạt động sản xuất, và là kết quả yếu kém thứ hai trên thế giới, chỉ sau Myanmar.
Sự suy yếu kéo dài này, đặc biệt là về số đơn đặt hàng xuất khẩu, là điều chưa từng xảy ra trong những thập kỷ gần đây. Chính phủ Đức dự kiến kim ngạch xuất khẩu của nước này sẽ giảm 0,1% trong năm nay.
Bộ trưởng Habeck thừa nhận “một nửa tăng trưởng của Đức luôn đến từ xuất khẩu và trụ cột này đã bị suy yếu. Về cơ bản, chúng tôi không ghi nhận bất kỳ sự tăng trưởng nào kể từ năm 2018”.
Tiến sĩ Cyrus de la Rubia, chuyên gia Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Hamburg, đã nhấn mạnh vào cái gọi là “cú sốc Trung Quốc”, coi đây là một trong những yếu tố chính dẫn đến những khó khăn của ngành sản xuất Đức. Ông cho biết, các lĩnh vực như ô tô và kỹ thuật cơ khí đang phải vật lộn để thích ứng với sự cạnh tranh gia tăng từ nước ngoài.
Chuyên gia Timo Wollmershaeuser đứng đầu bộ phận dự báo tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo (Đức) cho rằng các chính sách tiền tệ thắt chặt ở châu Âu và những thị trường xuất khẩu chủ chốt của Đức đã làm sụt giảm các đơn đặt hàng công nghiệp, tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có một số tín hiệu tích cực như sức mua đã được cải thiện và áp lực lạm phát dự kiến sẽ giảm bớt.
Viện Ifo dự báo lạm phát của Đức sẽ giảm xuống 2,3% vào năm 2025 và 2,0% vào năm 2026.