Trang mạng La Joven Cuba đã đăng bài viết về các thách thức đối với cải cách kinh tế của Cuba của tiến sĩ triết học Alina Bárbara López Hernández. Dưới đây là nội dung bài viết.
Cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021, Chính phủ Cuba khởi động tiến trình chuyển đổi kinh tế, bắt đầu bằng cuộc cải cách sâu rộng về tiền tệ mang tên chính thức là “Nhiệm vụ bình ổn tiền tệ”. Tuy nhiên, công cuộc cải cách này sẽ phải đối mặt với những thách thức về kinh tế, chính trị và xã hội.
Thách thức về kinh tế
Bản thân khái niệm không tạo ra thực tiễn, mà chính là quá trình áp dụng khái niệm đó vào đời sống hàng ngày. Tại Cuba, “cách mạng năng lượng” từng là một khái niệm, còn thực tế diễn ra là sự thiếu hiệu quả trong sản xuất điện năng. “Chỉnh đốn sai lầm và những xu hướng tiêu cực” là tên gọi của một chiến dịch khác vào những năm 1980, nhưng kết quả trên thực tế lại là một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau đó. “Biện pháp công bằng và mang tính cách mạng” là khẩu hiệu mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Alejandro Gil đưa ra khi đề cập tới việc Cuba cho phép mở các cửa hàng chấp nhận đồng USD từ quý IV/2020, còn thực tiễn là những cảnh tượng trớ trêu trước những cửa hàng xa xỉ này, làm gia tăng bất công và bất bình đẳng xã hội trong khi không giải quyết được tình trạng khan hiếm hàng hóa trầm trọng.
Cho tới nay, tại các nước theo đuổi mô hình chủ nghĩa xã hội, thì điều được thực thi nhiều nhất mới chỉ là nhà nước kiểm soát các phương tiện sản xuất, và Cuba cũng không phải là ngoại lệ. Một trong những khẩu hiệu của những năm 1960, thời kỳ đầu của Cách mạng Cuba là “Cơ sở này là tài sản của những người lao động sẵn sàng xả thân vì chủ quyền quốc gia”. Thời kỳ đó, sở hữu công nhân và chủ quyền quốc gia là hai mệnh đề không thể tách rời nhau. Theo thời gian, cảm nhận về chủ quyền quốc gia trở nên mạnh mẽ, một phần nhờ vào chính sách thù địch của Mỹ. Ngược lại, cảm nhận về sở hữu phương tiện sản xuất của những người lao động lại phai nhạt dần trước thực tế là quyền kiểm soát của công nhân và khả năng của họ đề cử người quản lý trực tiếp những phương tiện sản xuất đó chưa bao giờ thành hiện thực.
Trong cuốn sách “Bộ y phục của nhà vua: Cách tiếp cận văn hóa với nền kinh tế Cuba”, tác giả Mario Valdés Navia bình luận rằng cần phải ý thức được trong quá trình xây dựng cảm nhận về sở hữu trong chế độ xã hội chủ nghĩa, một sự thật rằng người sản xuất trực tiếp không chỉ đơn giản là một chiếc đinh vít trong một bộ máy xã hội khổng lồ, mà có những lựa chọn cá nhân của mình, có khát vọng được tôn trọng và được đưa ra ý kiến như bất kỳ công dân nào khác. Chính vì thế, việc tước bỏ của những người sản xuất trực tiếp quyền được tham gia quá trình điều hành những vấn đề kinh tế-xã hội liên quan tới quản lý các phương tiện sản xuất, mà trên lý thuyết họ cũng là đồng sở hữu, để trao quyền này cho bộ máy quan liêu được mặc định là biết mọi thứ và suy nghĩ “hộ” cho tất cả, chính là cái giá mà lịch sử thế kỷ XX cho thấy nhân dân nhiều nước không sẵn sàng nhượng bộ và dẫn tới sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực tại châu Âu.
Ngoài ra, một phần đáng kể tài sản kinh tế quốc gia đang nằm ngoài sự kiểm soát của nhân dân và được đặt vào tay Tập đoàn quản lý doanh nghiệp (GAESA) trực thuộc Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba (FAR). Được thành lập năm 1995 như một trong những biện pháp phát triển một số ngành kinh tế mới, trong đó có ngành du lịch, để ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau khi khối xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu sụp đổ, tập đoàn này đã phát triển lớn mạnh với tốc độ bất bình thường chỉ trong vòng 1/4 thế kỷ.
GAESA thâu tóm một số tập đoàn dân sự cũng thuộc sở hữu nhà nước, và hiện tại đang nắm trong tay chuỗi khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn, các trung tâm nghỉ dưỡng, công ty lữ hành, nhiều bất động sản, các công ty dịch vụ hàng không, các công ty xuất nhập khẩu, mua bán và cho thuê ô tô, kho bãi, dịch vụ bưu tín, các chuỗi phân phối bán sỉ, ngân hàng, công ty tài chính, dịch vụ kiểm toán, công ty xây dựng và toàn bộ hệ thống bán lẻ bằng thẻ tín dụng ngoại tệ hiện tại.Nói ngắn gọn, GAESA kiểm soát hầu hết các ngành then chốt và có nguồn thu lớn nhất trong nền kinh tế Cuba.
Với ảnh hưởng kinh tế còn lớn hơn vài cơ quan cấp bộ cộng lại, liệu GAESA có phải báo cáo kết quả hoạt động trước Quốc hội như luật pháp yêu cầu? Câu trả lời là không, vì những tài sản dưới quyền kiểm soát của quân đội không thuộc quyền giám sát và kiểm tra của Tổng kiểm toán và thanh tra nhà nước. Những phương pháp và đội ngũ kiểm toán mà tập đoàn này sử dụng hoàn toàn là vấn đề nội bộ và chưa bao giờ được công bố kết quả công khai.
Trong kỳ họp của Quốc hội Cuba hồi tháng 10/2020, tại phiên thảo luận về “Dự luật Chủ tịch và Phó chủ tịch nước”, Tổng kiểm toán và thanh tra nhà nước Gladys Bejerano Portela đã đề xuất một điều chỉnh quan trọng.
Bà cho rằng sẽ thuận lợi hơn nếu quy định người đứng đầu nhà nước có thẩm quyền đánh giá và thông qua các chỉ đạo hàng năm để ấn định những ưu tiên trong hoạt động của cả Cơ quan kiểm toán và thanh tra nhà nước, cũng như toàn bộ hệ thống kiểm toán quốc gia. Dựa vào điều chỉnh này, người đứng đầu nhà nước giờ đây sẽ có đặc quyền là chủ sở hữu, ít nhất là trên lý thuyết, những phương tiện sản xuất cơ bản, mà đáng lẽ ra chỉ thuộc về Quốc hội với tư cách cơ quan đại diện của toàn dân. Theo cách này, thông qua vai trò của chủ tịch nước, bộ máy hành chính đã quyết định điều gì Quốc hội được phép giám sát và kiểm tra.
Tình trạng này sẽ tạo ra nhiều vấn đề khi đất nước mở cửa cho đầu tư nước ngoài, hướng đi được tuyên bố ngay trong Hiến pháp, vì nó có thể tạo ra những quan hệ đồng minh giữa bộ máy hành chính quan liêu và giới tư bản xuyên quốc gia, tạo ra những cơ chế tham nhũng rất khó bị phát hiện. Sự trì hoãn trong việc ban hành Luật Doanh nghiệp và tư cách pháp lý cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ càng thể hiện rõ ý đồ của bộ máy hành chính quan liêu trong công tác vận hành nền kinh tế; đó là ưu tiên liên kết trực tiếp với tư bản nước ngoài, gây bất lợi cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, ngay cả trong những lĩnh vực nhạy cảm. Việc thành lập các hợp tác xã cũng không đạt được nhiều tiến triển, mặc dù đây là hình thức sở hữu dựa trên lao động tập thể của các thành viên đồng sở hữu phương tiện sản xuất, không xa rời lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Những thay đổi nhạy cảm này, vốn làm suy yếu hơn nữa tính chất xã hội chủ nghĩa trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước hiện tại và có thể dẫn tới một cú sốc nội bộ đi kèm với tình trạng chính trị hiện tại của đất nước.
Thách thức về xã hội
Cải cách kinh tế Cuba là một mệnh lệnh không thể trì hoãn, mặc dù như nhiều nhà kinh tế đã nhận định, đáng ra cuộc cải cách này không nên bắt đầu bằng cải cách tiền tệ trước khi tiến hành những thay đổi về cơ cấu và luật pháp để củng cố cả thành phần tư nhân cũng như khối doanh nghiệp nhà nước. Không ai tranh cãi về sự cần thiết của cải cách tiền tệ, nhưng thời điểm nó được triển khai, gần một thập kỷ sau khi chương trình cải cách tổng thể được công bố, là rất phức tạp và nhạy cảm.
Tới nay, Chính phủ Cuba vẫn phủ nhận việc áp dụng “liệu pháp sốc”, nhưng rõ ràng việc nâng lương, trong bối cảnh khủng hoảng và thiếu thốn hàng hóa, sẽ đẩy vọt giá cả các sản phẩm và dịch vụ tăng lên mức không tưởng và đẩy thu nhập trung bình của người dân về mức không đủ chi tiêu tối thiểu. Mức lương được tăng cách đây vài tháng của khối công chức nhà nước giờ đã không còn nhiều ý nghĩa khi cải cách tiền tệ đã tạo ra một cuộc leo thang vật giá diện rộng, đầu tiên là ở khu vực kinh tế tư nhân và các hoạt động kinh tế ngầm, sau đó lan sang cả bộ phận kinh tế nhà nước.
Mức độ nghèo đói và bất bình đẳng tại Cuba đã gia tăng đều đặn kể từ khi chủ nghĩa xã hội tại Đông Âu sụp đổ vào đầu những năm 1990 khiến đảo quốc này không còn nhận được sự hỗ trợ về tài chính và thương mại. Những bộ phân dân cư không có liên hệ với các nguồn thu nhập mới của đất nước, như ngành du lịch, kinh doanh quy mô nhỏ hay kiều hối, trở thành những thành phần dễ bị tổn thương.
Trong số này có người già, người về hưu, các bà mẹ đơn thân,người da màu – vốn chịu thiệt thòi khi hiếm khi được thừa kế những tài sản có giá trị mà có thể dùng cho hoạt động kinh doanh (đặc biệt là cho thuê nhà) hay vẫn chịu tư tưởng phân biệt chủng tộc trong giới kinh doanh tư nhân; phụ nữ nói chung – thường phải gánh chịu nhiều tác động của khủng hoảng hơn và hưởng lợi ít hơn trong quá trình phục hồi.
Điều này được thể hiện qua những quyết sách bất cập như việc tính toán giỏ hàng hóa tiêu dùng – cơ sở cho những bước đi cải cách tiền tệ vừa qua – quá xa rời thực tiễn và nhu cầu của người dân tới mức bỏ qua những thiếu thốn trầm trọng mà đa phần người dân đã chịu đựng trong hàng thập kỷ; việc đẩy giá cả lên cao – ngay cả trong chuỗi phân phối chính thức của nhà nước – gấp nhiều lần so với mức tăng lương tối thiểu vừa qua, khiến hàng nghìn người già và hưu trí – trong số đó có nhiều nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư, bác sĩ – trở thành những người bần cùng trong xã hội; hay quyết định tăng phi lý giá vé xem phim, nhà hát, bảo tàng và các cơ sở văn hóa khác, đi ngược hoàn toàn với chính sách thúc đẩy văn hóa của cách mạng bấy lâu nay.
Dưới đây là một vài con số minh họa cụ thể cho lập luận trên. Trong tính toán điều chỉnh lương, giỏ hàng hóa và dịch vụ cơ bản tham chiếu được tính ở mức 1.528 pesos, và từ đó mức lương tối thiểu mới được đưa ra là 2.100 pesos. Bảng lương mới bao gồm 32 bậc, với mức cao nhất là 9.510 pesos, và khi quy đổi ra đồng USD theo tỷ giá hối đoái được ấn định, thì mức lương sẽ từ 87,5 tới 396,25 USD. Trong khi đó, hệ thống lương hưu mới gồm 6 bậc, với 5 mức thấp nhất (mà đại đa số người về hưu nằm ở mức này) chỉ dao động từ 1.528 tới 1.733 pesos, còn mức cao nhất là 2.039 peso. Như vậy, do mức tăng lương hưu vẫn thấp hơn mức tăng lương tối thiểu, đại đa số người về hưu giờ đây sẽ nhận mức lương hưu thấp hơn mức lương tối thiểu. Chính phủ lập luận mức lương mới được đưa ra dựa trên tính toán rằng giá cả các mặt hàng do doanh nghiệp nhà nước cung cấp sẽ chỉ tăng 1,6 lần, trong khi giá cả hàng hóa và dịch vụ do khối tư nhân cung cấp sẽ chỉ được tăng 3 lần.
Đa phần những tính toán trên đều không phù hợp với tình hình trong thực tế. Trước hết, con số 1.528 pesos hết sức mập mờ khi không ai biết những hàng hóa và dịch vụ cơ bản nào được đưa vào giỏ hàng hóa. Hơn nữa, giá cả các mặt hàng này đều được tính theo giá quy định của nhà nước với mặc định là chúng luôn sẵn có, khi mà trên thực tế, đa phần các mặt hàng này hầu như không bao giờ được cung cấp đầy đủ định kỳ theo tháng và được tuồn ra chợ đen với giá cao gấp vài lần. Ngoài ra, ở thời điểm bắt đầu áp dụng mức lương mới là tháng 12/2020, đại đa phần các mặt hàng nhu yếu phẩm của Cuba đã tăng giá hơn 1,6 lần so với mức vào tháng 6/2019, thời điểm chưa xuất hiện đại dịch COVID-19, hoặc được đưa vào các cửa hàng chỉ chấp nhận thanh toán bằng ngoại tệ, nơi mà những người lao động Cuba hầu như không thể tiếp cận nếu không có thân nhân từ nước ngoài gửi về kiều hối.
Và kể từ khi cải cách tiền tệ bắt đầu vào ngày 1/1/2021, các mặt hàng đã tăng giá theo cấp số nhân: Các đơn vị sản xuất của nhà nước được phép tăng giá tối đa 4,8 lần – và hiếm có đơn vị nào áp dụng thấp hơn mức này; ngay cả giá các dịch vụ cơ bản như điện và gas cũng được dự kiến tăng bình quân gấp 5 lần, trước khi được điều chỉnh thành tăng gấp 3 lần sau phản ứng của người dân.
Không ai nhớ tới mức tính toán chỉ được đưa ra trước đó vài tháng, trong khi các biện pháp kiềm chế lạm phát như áp giá trần và gia tăng hình phạt đối với người vi phạm chưa khi nào hiệu quả và càng không thể cải thiện tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên diện rộng tại Cuba, khi nhà nước thậm chí còn chưa triển khai các biện pháp cụ thể để thúc đẩy sản xuất. Mức tăng lương nhanh chóng trở nên vô giá trị trước tình hình vật giá tiếp tục leo thang và trở thành câu chuyện tiếu lâm cay đắng của đa số người dân.
Trong một chương trình bình luận gần đây trên truyền hình, Bộ trưởng Tài chính và giá cả Lina Olinda Pedraza Rodríguez nói rằng những khiếu nại của người dân, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đã cho phép giới chức kiểm chứng được những vi phạm về chính sách giá cả trên thực tế và điều này thể hiện quyền lực của nhân dân. Nhưng bà đã sai, vì quyền lực của nhân dân chỉ mang tính thực chất khi người dân kiểm soát toàn bộ tiến trình thay đổi từ bên dưới, và nếu quyền lực thực sự thuộc về nhân dân thì những bước đi cải cách đã không bị trì hoãn quá lâu như vậy.
Hoàng Nhật