Nhờ vào các biện pháp cộng đồng đúng đắn của Chính phủ và người dân, cả Thái Lan và Việt Nam đang dần trở lại cuộc sống “bình thường mới”. Nhờ đó, các bãi biển ở Thái Lan đã bắt đầu đón khách du lịch trở lại; trường học, nhà hàng, rạp chiếu phim và vũ trường tại Việt Nam đã được phép hoạt động. Và đặc biệt nhất, hầu hết số người dân Việt Nam và Thái Lan không cần đeo khẩu trang khi ra đường.
Nhờ các biện pháp trên, trong khi nguy cơ về làn sóng lây nhiễm thứ hai đang dần hiện hữu ở các quốc gia khác, chính quyền Việt Nam và Thái Lan đều không ghi nhận thêm bất kỳ ca nhiễm Covid-19 nào trong vài tuần qua. Trong khi ngược lại các quốc gia khác trong khu vực vẫn đang loay hoay xử lý đại dịch thì câu hỏi được đặt ra với 2 quốc gia này không phải là họ có thể khôi phục lại tình trạng trước dịch không, mà là việc nhanh chóng quay trở lại bình thường có đồng nghĩa với việc họ sẽ có được những cơ hội từ dịch Covid-19 dưới dạng đầu tư và các đơn đặt hàng hay không?
Quay trở lại thời điểm ban đầu, cả Việt Nam và Thái Lan đều là những quốc gia ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên sau Trung Quốc và cũng chính là những quốc gia đầu tiên vươn lên sau đại dịch. Chính phủ 2 nước đã áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh bao gồm đóng cửa nhà hàng, quán bar, công viên và các điểm công cộng khác, cấm bán rượu và áp lệnh hạn chế vào ban đêm, buộc người dân tuân thủ những quy định về giãn cách xã hội, kêu gọi sự giúp đỡ từ người dân để hỗ trợ người dân thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Đặc biệt hơn tại Việt Nam, chính quyền đã triển khai một trong những hệ thống truy tìm những người có tiếp xúc với bệnh nhân nghiêm ngặt nhất trên thế giới, xác định không chỉ người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mà còn cả những người tiếp xúc gián tiếp và đưa họ đi cách ly tập trung hoặc tại nhà.
Bằng việc triển khai đồng loạt các biện pháp trên, triển vọng khôi phục kinh tế của Việt Nam khá tươi sáng với dự báo tăng trưởng ở mức 5% trong năm nay. Còn Thái Lan, do phụ thuộc vào ngành du lịch, được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 5-6%, thấp nhất từ năm 1998. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế, trong đó có đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân hàng tỷ USD của các dự án gồm đường cao tốc Bắc – Nam, 2 tuyến sắt đô thị và sân bay mới tại thành phố Hồ Chí Minh. Điều này sẽ giúp giải phóng các tiềm năng của Việt Nam, tạo điều kiện khôi phục, thúc đẩy tăng trưởng và xử lý các điểm tắc nghẽn về hạ tầng.
Thái Lan cũng tung ra một trong những gói kích thích kinh tế lớn nhất châu Á. Những nhà sản xuất của Thái Lan đều giữ nhịp độ xuất khẩu hồi đầu năm. Nhưng do phụ thuộc vào khách du lịch quốc tế, nên mục tiêu khôi phục tăng trưởng kinh tế khó có thể triển khai nếu nước này không mở lại các đường bay quốc tế. Trong thời gian tới, ngành du lịch chăm sóc sức khỏe của Thái Lan được dự báo sẽ phát triển với hàng triệu khách từ Trung Quốc khi các chuyến bay được mở lại.
(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)