1. Kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2020 của Colombia giảm mạnh nhất trong 10 năm qua.
Theo báo cáo mới đây của Cục Thống kê Hành chính Quốc gia Colombia (Dane), kim ngạch nhập khẩu của Colombia trong tháng 5/2020 chỉ đạt 2 tỷ 877,3 triệu USD, giảm 7,6% so với tháng 4/2020 (đạt 3 tỷ 096,8 triệu USD), giảm mạnh 39,9%, so với tháng 5/2019 (đạt 4 tỷ 513,3 triệu USD). Dane cho biết đây là chỉ số nhập khẩu theo tháng thấp nhất trong 10 năm qua do ảnh hưởng của cách ly xã hội do Covid-19 và khủng hoảng kinh tế.
Về tỷ lệ nhập khẩu phân bổ theo lĩnh vực: sản xuất chiếm đa số với 73,7%; tiếp theo là nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống với 19,8%; nhiên liệu và các sản phẩm khai thác với 6,3% và các sản phẩm khác 0,2%.
Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do lĩnh vực sản xuất giảm 42%, kim ngạch nhập khẩu của nhóm này đạt 2 tỷ 121,6 triệu USD (trong đó giảm mạnh nhất là máy móc và thiết bị vận tải giảm -55%); lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống giảm 8,1%, đạt 569,4 triệu USD; lĩnh vực nhiên liệu và các sản phẩm khai thác giảm 64,2%, đạt 180,9 triệu USD (trong đó giảm mạnh nhất là dầu mỏ và các sản phẩm phái sinh giảm tới -70,8%).
Thâm hụt cán cân thương mại trong tháng 5/2020 là 475,1 triệu USD, giảm 42%, so với tháng 5/2019.
07 thị trường nhập khẩu hàng đầu của Colombia trong tháng 5/2020 là: Mỹ (26,3%), tiếp theo là Trung Quốc, Brazil, Mexico, Đức, Canada và Pháp.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu của Colombia đạt 17 tỷ 859,9 triệu USD, giảm 18,3%, so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó lĩnh vực chủ lực là sản xuất giảm 20,6%, đạt 13 tỷ 227,9 triệu USD USD (giảm mạnh nhất là máy móc và thiết bị vận tải giảm -27,5%); lĩnh vực nhiên liệu và các sản phẩm khai thác giảm 29,1%, đạt 1 tỷ 606,4 triệu USD; lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống tăng 3,2%, đạt 3 tỷ 003,4 triệu USD.
Thâm hụt cán cân thương mại trong 5 tháng đầu năm là 4 tỷ 018,6 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019 (3 tỷ 659 triệu USD).
07 thị trường nhập khẩu hàng đầu của Colombia trong 5 tháng đầu năm 2020 là: Mỹ (27,8%), tiếp theo là Trung Quốc, Mexico, Brazil, Đức, Nhật Bản và Ấn Độ.
2. Colombia công bố kế hoạch đầu tư mới lên tới 3,4 tỷ USD vào lĩnh vực dầu khí trong năm 2020.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Colombia (Ecopetrol) mới đây đã công bố kế hoạch đầu tư mới đã được điều chỉnh cho thời gian còn lại của năm 2020 với trị giá từ 3 tỷ đến 3,4 tỷ USD; cao hơn con số 2,5 tỷ USD đến 3 tỷ USD được công bố vào tháng 5/2020 (thời điểm kỳ vọng giá dầu Brent trung bình từ 30 đến 40 USD/ thùng).
Kế hoạch đầu tư mới tập trung vào việc ưu tiên cho các kế hoạch chiến lược, bảo toàn vốn tiền mặt và đảm bảo giá trị bền vững của Ecopetrol trong bối cảnh giá dầu thế giới thấp và kế hoạch được xây dựng với kỳ vọng giá dầu Brent trung bình trong năm đạt ngưỡng 38 USD/thùng.
Về tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư, 80% sẽ tiếp tục dành cho các dự án ở Colombia, 20% còn lại sẽ được sử dụng để phát triển các nguồn lực mới, chủ yếu tập trung ở Brazil và Mỹ. Trong đó 78% sẽ tập trung vào các dự án thăm dò và sản xuất, 11% cho tinh chế và vận chuyển, 8% để cải thiện chất lượng nhiên liệu và dự án kết nối các nhà máy dầu khí (Ipcc) và 3% còn lại tập trung vào việc thực hiện các chương trình đổi mới và công nghệ.
Trong nửa cuối năm 2020 Ecopetrol có kế hoạch khoan 13 giếng thăm dò với giá trị 583 triệu USD, trong đó 11 tại Colombia và 02 tại Brazil. Mục tiêu khai thác đặt ra ở mức 700.000 thùng/ngày.
Ecopetrol cũng cho biết lợi nhuận ròng đã giảm 95,2% trong quý I/2020, do giá dầu thô giảm trong bối cảnh nguồn cung tăng và tác động đến nhu cầu do ảnh hưởng của Covid-19 trên thế giới.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)