Kinh tế Colombia

0
109
(ảnh minh hoạ)

1. OECD dự báo kinh tế Colombia sẽ giảm từ 6,1% đến 7,9% trong năm 2020.

Trong Báo cáo triển vọng 6 tháng được công bố gần đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã có dự báo kinh tế năm 2020 đối với thành viên mới gia nhập Colombia. OECD cho biết Colombia sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua. OECD đưa ra 02 kịch bản: (i) Trong trường hợp không bùng phát Covid-19, GDP năm 2020 sẽ giảm 6,1% và  phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng 4,3%; (ii) Trong trường hợp tái bùng phát Covid-19 vào cuối năm, GDP năm 2020 sẽ giảm 7,9% và phục hồi chậm trong năm 2021 với mức tăng nhẹ 2,8%.

Mặc dù thực tế tỷ lệ mắc Covid-19 tại Colombia thấp hơn so với các nước láng giềng vì phản ứng nhanh chóng của Chính phủ và tỷ lệ dân số trẻ, nhưng suy thoái của kinh tế toàn cầu cộng với giá dầu giảm đã ảnh hưởng đến kinh tế củả Colombia khiến GDP Quý I giảm 2,4%.

Kinh tế Colombia thời gian qua đã đối mặt với một loạt khó khăn như: niềm tin của người tiêu dùng và tỷ lệ lao động có việc làm ở mức thấp kỷ lục, sự thắt chặt và sụp đổ của thị trường tài chính, sự mất giá của đồng peso do tháo vốn đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã phải áp dụng hàng loạt các biện pháp giảm thiểu tác động của khủng hoảng, đặc biệt trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

OECD khuyến nghị một số chính sách sau đối với Colombia để từng bước phục hồi nền kinh tế:

(i) cắt giảm thuế và tăng cường hỗ trợ cho các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

(ii) giảm thuế thu nhập, thúc đẩy thị trường lao động ổn định nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng năng suất lao động.

(iii) có chính sách tài khóa phù hợp nhằm hỗ trợ các dịch vụ y tế công cộng để tránh nguy cơ tái bùng phát Covid-19.

2. Ngành sản xuất công nghiệp Colombia giảm 35,8% trong tháng 4.

Theo Cục Thống kê Hành chính Quốc gia Colombia (Dane), trong tháng 4/2020, ngành sản xuất công nghiệp Colombia đã giảm 35,8% và cắt giảm 7,8% lao động so với cùng kỳ năm 2019. Các lĩnh vực có sản lượng hoạt động giảm là 33/39, chiếm 85%. Các lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất là: công nghiệp ô tô giảm 99,8%, sản xuất các phương tiện vận tải khác  giảm 94,5%, sản xuất giày dép giảm 91,4%, may mặc giảm 87%. Các lĩnh vực có sản lượng tăng chủ yếu liên quan đến sản xuất tiêu dùng và công nghiệp thực phẩm.

Đối với kết quả sản xuất công nghiệp tích lũy từ tháng 1 đến tháng 4/2020, Colombia đã giảm 9,3% và cắt giảm 2,9% lao động so với cùng kỳ năm 2019. Trong 4 tháng đầu năm 2020, các lĩnh vực có sản lượng hoạt động giảm là 28/39, chiếm 72%. Các lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất là: công nghiệp da và giả da giảm 46%, công nghiệp sản xuất ô tô và các phương tiện vận tải khác giảm 42,2%, linh kiện xe cơ giới giảm 35,3%, may mặc giảm 30,4%. Trong giai đoạn này, chỉ có các lĩnh vực liên quan đến sản xuất tiêu dùng và công nghiệp thực phẩm có sản lượng tăng.

3. Chương trình Hoàn thuế VAT sẽ dành cho hai triệu hộ gia đình Colombia vào năm 2021.

Cục Kế hoạch Quốc gia Colombia (DNP) sẽ có kế hoạch trao 37.500 peso (khoảng 10USD) mỗi tháng tính từ ngày 31/3/2020 cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất ở Colombia để hỗ trợ họ trong việc trả thuế VAT tiêu dùng.

Giám đốc DNP Luis Alberto Rodríguez giải thích rằng mọi người mua một sản phẩm và không nhận ra là họ phải trả VAT, đó là số tiền mà người tiêu dùng bất kể thu nhập cao hay thấp đều bị tính phí như nhau, nếu Chính phủ miễn giảm VAT, điều này sẽ mang lại lợi ích cho người có thu nhập cao nhất. Vì vậy ý tưởng của việc hỗ trợ dành cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất là do tính chất hồi quy của VAT. Thông tin từ DNP cho thấy các gia đình Colombia dễ bị tổn thương nhất dành 7,3% thu nhập của họ để thanh toán VAT, trong khi các hộ gia đình có thu nhập cao hơn chỉ sử dụng 4% thu nhập.

Theo dự kiến ban đầu, khoản hoàn thuế được lên kế hoạch dành cho 100.000 hộ gia đình, nhưng do tình trạng suy thoái kinh tế vì Covid-19. Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 1 triệu hộ gia đình trong năm 2020 (700.000 gia đình dễ bị tổn thương nhất trong danh sách Hành động vì Gia đình và 300.000 gia đình từ chương trình Thị trưởng Colombia). Đến năm 2021 sẽ có 2 triệu hộ gia đình hưởng lợi. Trong việc lựa chọn hộ gia đình, DNP ưu tiên các thành phố nghèo và các gia đình nghèo nhất. 86% hộ gia đình được chọn đang trong tình trạng cực kỳ nghèo đói. 82% người hưởng lợi từ chương trình là phụ nữ và 18% là nam giới.

Ông Luis Alberto Rodríguez cho biết chi phí ước tính trong năm 2020 là 400 tỷ peso và 960 tỷ peso vào năm 2021. Đồng thời nhấn mạnh những hộ gia đình thụ hưởng phải nằm trong số hàng triệu người dễ bị tổn thương nhất ở Colombia.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here