Hoạt động kinh tế ở khu vực eurozone tiếp tục suy yếu trong bối cảnh nhiều bất định về chính trị trong nước và thương mại toàn cầu – theo kết quả các cuộc khảo sát mới được công bố.
Báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) eurozone tháng 12 từ ngân hàng Hamburg Commercial Bank và công ty nghiên cứu S&P Global cho thấy mức tăng nhẹ so với tháng trước lên 49,5 điểm. Tuy nhiên, mức điểm dưới 50 của chỉ số PMI cho thấy hoạt động kinh tế trong khu vực tư nhân của khu vực này tiếp tục trạng thái suy giảm.
“Chỉ số này vẫn ở trong trạng thái mà nền kinh tế đã suy giảm từ trước. Xu hướng vẫn đang là suy giảm”, nhà kinh tế Ralph Solveen của ngân hàng Commerzbank nhận định.
Các cuộc khảo sát cũng cho thấy doanh nghiệp tại khu vực tiền tệ chung gồm 20 quốc gia thành viên đã có tháng thứ 5 liên tiếp cắt giảm lao động. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng đưa nền kinh tế tránh rơi vào suy thoái sau cuộc khủng hoảng lạm phát những năm gần đây.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã có đợt giảm lãi suất thứ tư trong năm nay. Phát biểu ngày 17/12, và Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết bà kỳ vọng sẽ có những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo. “Hướng đi của lạm phát là rất rõ ràng. Chúng tôi kỳ vọng sẽ giảm lãi suất hơn nữa”, bà nói.
Nhận định của bà Lagarde cho thấy châu Âu đang tiến gần hơn bao giờ hết đến tuyên bố chiến thắng lạm phát. Bà nói “những ngày đen tối nhất” của lạm phát cao đã lùi lại phía sau, cho rằng rủi ro lạm phát lõi cao dai dẳng đã giảm xuống.
Lạm phát ở eurozone lập kỷ lục ở mức 10,6% vào cuối năm 2022, cao gấp hơn 5 lần mục tiêu 2% mà ECB đề ra. Tháng 11 vừa qua, tốc độ lạm phát theo kỳ 1 năm ở khu vực này giảm còn 2,3%. Theo dự báo mà ECB công bố vào tuần trước, lạm phát ở eurozone sẽ hạ về 2,1 vào năm tới và về mức 1,9% vào năm 2006.
Nhà kinh tế Carsten Brzeski của ngân hàng Hà Lan ING nhận định: “Lãi suất đang quay trở lại mức trung lập và thậm chí có thể giảm thấp hơn mức trung lập”.
Trong số những thách thức phía trước đối với nền kinh tế eurozone hiện nay, phải kể tới thuế quan do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa.
Dù hình thức và tác động của việc áp thuế quan tiềm tàng này còn chưa rõ ràng, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của châu Âu có khả năng sẽ hứng chịu thiệt hại trong bất kỳ cuộc chiến thương mại toàn cầu nào. Bà Lagarde vào tuần trước lưu ý rằng một cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể khiến lạm phát ở châu Âu tăng trong ngắn hạn, làm dấy lên mối lo ngại về sự kết hợp không mong muốn giữa giá cả tăng nhanh và tăng trưởng kinh tế suy yếu – hay còn gọi là tình trạng lạm phát đình trệ (stagflation).
Nhưng mặt khác, một số nhà hoạch định chính sách tiền tệ khác của ECB cũng cảnh báo rằng lạm phát ở khu vực đồng euro đang đứng trước khả năng đuối dưới mục tiêu 2%, trở thành một nhân tố cản trở tăng trưởng.
(VnEconomy)