Kinh tế biển sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế Nghệ An

0
66
Kinh tế biển sẽ chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế Nghệ An trong tương lai
Kinh tế biển sẽ chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế Nghệ An trong tương lai

Nghệ An là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể phát triển đa dạng kinh tế biển. Theo đó, tỉnh Nghệ An có đường bờ biển dài 82km, với 6 cửa lạch, diện tích biển lớn (4.230 hải lý vuông mặt nước) với tổng trữ lượng hải sản các loại khoảng 80 nghìn tấn.

Dọc bờ biển Nghệ An có 3.500 ha diện tích mặt nước lợ sử dụng cho việc nuôi trồng thủy sản. Bờ biển phẳng có một số bãi tắm đẹp, nước trong, có độ mặn vừa phải, nhiệt độ bình quân nước biển trong cả năm là 200C, số lượng giờ nắng nhiều, thuận tiện cho sự phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, Nghệ An có có các cảng biển là yếu tố thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, hấp dẫn các dự án đầu tư và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo quy hoạch tổng thể tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác định, phương hướng phát triển Nghệ An sẽ phát triển hiệu quả và bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển.

Tăng cường liên kết các ngành, lĩnh vực kinh tế biển; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng ven biển; tập trung nguồn lực để xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của vùng Bắc Trung Bộ, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm như: Dịch vụ vận tải, kho bãi, logistic đa dạng, hiện đại; phát triển du lịch biển, đô thị ven biển; khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá; tìm kiếm, thăm dò đánh giá trữ lượng khoáng sản biển; phát triển điện gió và điện mặt trời vùng ven biển.

Đồng thời, tỉnh Nghệ An cũng sẽ nghiên cứu phát triển thêm một số ngành kinh tế biển mới phù hợp với vùng biển Nghệ An.

Về mục tiêu cụ thể, Nghệ An chỉ tiêu đến năm 2030, kinh tế của vùng ven biển sẽ chiếm khoảng 57 – 60% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân của vùng ven biển giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 12,5 – 13,5%/năm.

Theo UBND tỉnh Nghệ An cho biết, để thực hiện được điều này, Nghệ An sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và ven biển theo hướng chú trọng phát huy lợi thế so sánh của tỉnh với các địa phương giáp biển khác của cả nước.

Tập trung vào các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Công nghiệp ven biển; kinh tế hàng hải; du lịch biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; khai thác khoáng sản biển; và các hoạt động kinh tế biển khác.

Trong đó, lấy công nghiệp ven biển, kinh tế hàng hải và phát triển du lịch là các lĩnh vực đột phá; lấy khu kinh tế Đông Nam (mở rộng) làm lãnh thổ trọng điểm cho phát triển kinh tế biển; lấy hợp tác vùng và hợp tác quốc tế làm đòn bẩy để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

Đối với các lĩnh vực mang tính đột phá, trước hết là công nghiệp ven biển, tỉnh Nghệ An sẽ ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao (điện tử – viễn thông, sản phẩm số, dược phẩm), phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp ven biển; Phát huy vai trò động lực của khu kinh tế Đông Nam (mở rộng) theo hướng phát triển các khu công nghiệp , đô thị hiện đại, năng động gắn với ưu thế về hạ tầng giao thông kết nối, nguồn nhân lực;

Đối với kinh tế hàng hải, phát huy vai trò trọng yếu của vận tải biển trong kết nối Nghệ An với thị trường quốc tế, tạo sức hút với dòng vốn FDI trong giai đoạn 2021-2030. Phát triển các cảng biển tổng hợp Cửa Lò, Cửa Hội, Đông Hồi, trong đó đẩy mạnh phát triển khu bến Đông Hồi trong vai trò đảm nhận phục vụ phát triển kinh tế – xã hội liên vùng, hỗ trợ khu bến Nam Nghi Sơn để hình thành cụm cảng Nghi Sơn – Đông Hồi.

Đối với ngành du lịch biển, đẩy mạnh đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển để tạo bước đột phá gắn với xây dựng và nâng cấp hệ thống công viên ven biển theo hướng văn minh, chất lượng và thân thiện với môi trường, phát triển dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm…

Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các dự án tầm cỡ gắn với các điểm du lịch biển giàu tiềm năng ở Nghi Lộc (du lịch sinh thái và vui chơi, giải trí), Cửa Hội (tổ hợp vui chơi, giải trí), Bãi Lữ (biệt thự du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng),… Hình thành thương hiệu du lịch biển Nghệ An thân thiện, văn minh. Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch; đẩy mạnh du lịch cộng đồng, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch, dịch vụ biển.

Với khu kinh tế khu kinh tế Đông Nam (mở rộng), đây được xem là lãnh thổ trọng điểm cho phát triển kinh tế biển của tỉnh Nghệ An. Theo quy hoạch, khu kinh tế Đông Nam sẽ được mở rộng ranh giới với tổng diện tích 105.535,2 ha.

Theo BQL Khu kinh tế Đông Nam cho biết, khu kinh tế Đông Nam sẽ mở rộng gồm 2 khu vực. Khu vực 1, mở rộng phát triển theo QL7A, QL7c, QL46, QL1 (đoạn tránh TP. Vinh) gắn với cảng Cửa Lò. Tổng diện tích khu vực 1 sau khi mở rộng là 70.419,08 ha. Trong đó, có 6.500 ha mặt biển.

Khu vực 2, phát triển từ khu công nghiệp Hoàng Mai, khu công nghiệp Đông Hồi theo QL48D, đường bộ ven biển gắn với cảng biển Đông Hồi. Tổng diện tích khu vực 2 sau khi mở rộng khoảng 35.116,12 ha. Trong đó có 4.450ha mặt biển.

Cũng theo BQL Khu kinh tế Đông Nam, dự kiến trong giai đoạn 2023-2024, hoàn thành Đề án mở rộng ranh giới khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và đổi tên thành khu kinh tế Nghệ An. Giai đoạn 2024-2025, sẽ hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nghệ An mở rộng. Giai đoạn 2025-2030, sẽ hoàn thành và được phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng các phân khu chức năng. Xúc tiến đầu tư, giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng khung khu phát triển mở rộng gắn kết mật thiết, đồng bộ với khu đã có; Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và sản xuất kinh doanh các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch; Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các khu bến cảng Cửa Lò, Khu bến cảng Đông Hồi.

(Ngọc Tân/baodautu)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here